Tây Nam Bộ chằng chịt những kênh rạch, bốn bề sông nước với nhiều loài thực vât thủy sinh. Có loài cây đa dụng, có nước là có mặt, độc đáo từ cách sinh sản đến màu hoa, gắn liền nhịp sống và nét đặc thù Nam Bộ - đó là cây lục bình.
Lục bình – theo cách gọi của Nam Bộ vì cuống lá phình lên giống lọ lộc bình, dọc trệch thành lục bình (bình màu xanh). Miền Bắc gọi là bèo Tây (không phải thuần Việt), bèo Nhật Bản. Thật ra, lục bình có xuất xứ Nam Mỹ, du nhập vào Viêt Nam từ cuối thế kỷ XIX, theo thủy thủ tàu viễn dương đến vùng đất Hội An.
Đất lành chim đậu. Đất phù hợp nên cây phát triển mạnh. Chỗ nào có sông nước là có lục bình.
Đến Tây Nam Bộ, cây lục bình như cá gặp nước, sinh sôi với phù sa và nhanh chóng tỏa đi theo con nước. Lục bình thân thảo, chủ yếu sống thủy sinh, nổi trên mặt nước, không bị ràng buộ nên tự do ngao du khắp chốn.
Cây cao khoảng 30 - 50 cm, lá tròn, xanh lục, láng và nhẵn, cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá phình như bong bóng xốp ruột giúp cây không chìm. Ba lá đài giống như ba cánh. Rễ chùm, dày, tựa lông vũ đen, có khi dài và nặng hơn thân. Cây sinh sản cực nhanh, sau một tuần có thể tăng gấp đôi, nên dễ làm nghẽn tắc mặt nước.
Theo kinh nghiêm dân gian, với bộ rễ dày và dài, lục bình có tác dụng lọc nước rất hiệu quả, thân thiện, giá rẻ; nhờ khả năng hấp thụ những kim loại nặng như chì, thủy ngân, strontium và các chất hữu cơ chưa được phân hủy để làm sạch môi trường nước; phân giải chất phenol và xyanua (chất độc hại rất nguy hiểm; 0,1 - 0,2g có thể gây chết người).
Lục bình thường dùng làm thức ăn cho gia súc, làm phân xanh ở miền Bắc. Miền Nam thì dùng ủ nấm rơm, ủ gốc giữ mát và ẩm cho cây. Theo Đông y, lục binh thuộc họ cây thuốc với nhiều công dụng phổ biến trong cuộc sống chân quê. Với dân Nam Bộ, lục bình là loài rau dân dã. Ngó xào rất ngon. Đọt non và cuống lá dùng nấu canh tép, cá lóc, tôm khô, nhúng lẩu...
Hoa luộc sơ chấm cá kho, xào hoặc ăn sống với các loại mắm chưng. Hoa lục bình màu tím, điểm chấm lam, rất lạ. Khác tím hoa cà, tím bằng lăng và cũng không giống tím Huế hay tím sim. Tím lục binh tự tin vươn thẳng, phóng khoáng nhưng khiêm cung, thanh nhã như tính cách người dân Nam Bộ.
Tùy tâm trạng và thời khắc, hoa lục bình thay đổi sắc màu, sẻ chia như thay lời muốn nói.
Không chỉ vậy, lục bình còn có giá trị kinh tế. Vài chục năm nay, lục bình được sử dụng để tạo ra những mặt hàng thủ công thân thiện môi trường và mang phong cách riêng: bình dị và dân dã, đơn giản.
Thân lục bình già phơi khô trở thành nguyên liệu hàng thủ công, từ bình dân đến cao cấp, tùy tay nghề người thợ. Những bàn tay khéo léo đã biến loài cây tưởng vô dụng thành nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thiết thực với cuộc sống, có giá trị, cả tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài màu tím xao lòng, lục bình là loài hoa tự do, thích dịch chuyển tùy thích theo con nước. Lục bình dong ruổi, lênh đênh, sống chậm với trời mây sông nước.
Thi thoảng mới dập dềnh theo cơn sóng hoặc hối hả với nước lũ. Dọc các chuyến phà xuôi ngược miền Tây, lục bình thường trôi theo quyến luyến. Khi chia tay cũng bịn rịn. Khách lên bờ, lắm khi không trở lại, hoa vẫn thủy chung, kiên nhẫn tiễn và suốt đời chờ. Găp lai nhau, hoa nhẹ nhàng reo vui thổn thức, mặc khách cảm nhận được hay không.
Đi phà, tôi hay tần ngần ngắm và độc thoại với lục bình. Hoa thường nhờ gió gởi chút hương nhẹ, vấn vương trên tóc ai.
Giao thông đường bộ ngày càng phát triển.
Ngày mỗi thêm nhiều cây cầu nối những bờ vui. Những chuyến phà ngày càng thưa dần và biến mất. Mấy ai đi trên cầu biết, bên dưới những dòng sông, hoa lục bình vẫn lặng lẽ trôi, gởi vào gió nỗi niềm bâng khuâng hoài niệm.
Không biết hoa nhớ phà hay nhớ người mà da diết tím?
Mỗi lần qua những bến phà xưa, tôi cứ lao xao nhớ “Có một loài hoa vừa trôi. vừa nở. Em lấy chồng rồi, anh ở vậy thôi. Nữa mai thương đứng nhớ ngồi. Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn” (thơ Cao Vũ Huy Miên).