Sáng 3.12, ngày làm việc thứ 3 của HĐND TP Hà Nội khóa 14, tân Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã trả lời chất vấn của các đại biểu.

Tân Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời chất vấn

Một Thế Giới | 03/12/2015, 15:22

Sáng 3.12, ngày làm việc thứ 3 của HĐND TP Hà Nội khóa 14, tân Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã trả lời chất vấn của các đại biểu.

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu, trong 10 tháng đầu năm 2015, đã có 12.557 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 47% so với cùng kỳ 2014) và phần lớn các DN này đều nợ thuế. Đại biểu Mai chất vấn Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: số DN bỏ địa chỉ kinh doanh lũy kế đến nay bao nhiêu? Theo quy định, DN bỏ trốn bị xử lý như thế nào? 
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy đề nghị làm rõ phân cấp nhiệm vụ thu thuế phí giữa các chi cục thuế, vấn đề hậu kiểm của ngành với các DN. Đại biểu Lê Văn Thành cho rằng, việc thất thu thuế, thành lập công ty để xuất hóa đơn trái phép là rất nghiêm trọng. Để công bằng giữa các DN, cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an phải làm đến cùng. Do đó, phải xem xét việc thành lập DN thật thận trọng.
1 người lập 16 DN ma, bán hơn 5.400 tỷ tiền hóa đơn
Sau khi Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội trả lời các đại biểu, người trả lời chất vấn về vấn đề hàng loạt công ty trốn thuế, lập công ty ma bán hóa đơn cho các DN là thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phó bí thư thành ủy Hà Nội.
Nguyen Duc Chung
Tân Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội.
Theo ông Chung, thời gian qua, công an đã phối hợp với Cục Thuế Hà Nội xác minh truy thu thuế hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh.
Đặc biệt, năm 2014 đã phát hiện các công ty do đối tượng Nguyễn Trường (SN 1963, trú tại Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ năm 2008-2014 lên Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục thành lập 16 công ty TNHH kinh doanh các ngành nghề khác nhau. Lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn, công ty này vào TP.HCM để thuê in hóa đơn, trên cơ sở đó, một số công ty đã mua các hóa đơn khống để hợp thức hóa đầu vào các nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng, hay các chi tiêu hành chính văn phòng của các bộ, ngành.
Cơ quan điều tra đã xác định đối tượng Trường đã thành lập 16 công ty, bán hóa đơn cho gần 2.300 doanh nghiệp, với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng. Công an thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố các đối tượng liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho hay, đối với gần 2.300 doanh nghiệp liên quan, CATP Hà Nội đã huy động số lượng lớn nhân lực xác minh, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ truy tố trước pháp luật. Đối với những công ty trốn thuế, sẽ phối hợp với Cục Thuế để truy thu thuế, xác định hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, đã truy thu thuế hơn 50 tỷ và hơn 2.000m2 đất được các đối tượng mua bằng tiền rút ra từ hóa đơn khống.
Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ ra những kẽ hở tại các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay. Các kẽ hở này được phát hiện từ quá trình điều tra vụ việc nói trên.
Theo đó, sơ hở thứ nhất là, trong quá trình cấp phép đăng ký kinh doanh hiện nay với thời gian 3 ngày thì việc xác minh nhân thân của các đối tượng xin thành lập công ty, đứng tên làm kế toán trưởng, giám đốc công ty dễ dẫn đến thiếu sót. 
Ông lấy dẫn chứng cụ thể việc đối tượng Nguyễn Trường đã thuê những người làm công việc tự do đem chứng minh nhân dân tới Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục thành lập công ty, đứng tên làm giám đốc các DN ma, sau đó Nguyễn Trường một tay thao túng, quản lý các hoạt động của số DN ma này hòng kiếm lời.
Sơ hở thứ hai là, giám sát của các chi cục thuế không chặt chẽ, thậm chí có sự tiếp tay của cán bộ thuế. CATP Hà Nội đang kiến nghị Cục Thuế xử lý các cán bộ này. 
Sơ hở thứ ba, cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng, cụ thể là cơ chế rút tiền mặt, chi tiêu tiền mặt của các doanh nghiệp, các ngân hàng không chặt chẽ.
Kẽ hở, sơ hở thứ tư mà tướng Chung chỉ ra là việc quản lý hóa đơn khi các doanh nghiệp tự in hóa đơn. Chính vì thế, Cục Thuế đã có kiến nghị đề xuất với Chính phủ thiết lập mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các doanh nghiệp.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng cho hay, ngoài số doanh nghiệp nói trên, trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã cùng Công an các quận huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuế để xác minh tất cả công ty đang bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Thiếu tướng cho biết, trong thời gian tới CATP Hà Nội sẽ tiếp tục các công việc này nhằm tìm ra các nguyên nhân, cơ sở thiếu sót để có giải pháp tốt hơn.
Làm sao thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng nợ thuế trong năm 2016?
Tiếp tục chất vấn liên quan đến lĩnh vực thuế, Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi: Cục Thuế đã có giải pháp gì để giúp thành phố thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng nợ trong năm 2016? Số liệu thuế chúng ta quản lý không chính xác, vậy đã chấn chỉnh công tác này như thế nào? Ngành thuế có cam kết với DN về tình trạng thống kê số liệu không chính xác này hay không? 
Còn đại biểu Nguyễn Xuân Diên đặt vấn đề khả năng sẽ thu được bao nhiêu và khả năng không thu được là bao nhiêu, xử lý như thế nào? Việc thu đối với nhà thầu chính và nhà thầu phụ, xử lý ra sao?
Nguyen Duc Chung
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Phạm Thanh Mai bày tỏ sự băn khoăn về khoản nợ thuế trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP kiến nghị nên công khai trên Cổng Giao tiếp Điện tử TP Hà Nội, vậy Cục Thuế đã thực hiện kiến nghị này như thế nào? Đối với DN như vậy, thực hiện như thế nào cho công bằng? Còn đối với DN nợ thuế thật thì có chính sách hỗ trợ gì?
Trả lời các câu hỏi này, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, qua đánh giá việc quản lý số liệu thuế có 17 lỗi, được chia thành 4 nhóm. Để có dữ liệu sạch, giải pháp là tập trung lực lượng, làm "cuốn chiếu" từ trên xuống dưới, từ DN nợ lớn, chây ỳ. Sau khi phân loại xong, đối với nhóm nợ sai, nợ chờ điều chỉnh tập trung giải quyết để giảm. Một cán bộ phải trực tiếp đối chiếu với một đơn vị. 
Nguyen Duc Chung
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải.
Do đó, phải có kế hoạch cụ thể. Hiện chỉ mới tập trung vào các trường hợp cố tình chây ỳ nợ, đã bán hàng, đã thu tiền người dân mà tiếp tục nợ tiền dự án; trong đó nhóm chờ xử lý gối vào để bảo đảm cái gì tập trung ưu tiên. Kết quả điều chỉnh 6 tháng đầu 2015 chưa giải quyết triệt để nhóm bị sai.
Với số nợ thuế có khả năng thu, Cục đang đánh giá tổng nợ thuế phí, tiền sử dụng đất có khả năng thu trên 13.000 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ phải được đôn đốc thu vào ngân sách nhà nước bằng tất cả giải pháp theo đúng quy trình. Trường hợp đang chờ xử lý tiếp tục kiến nghị để xử lý.
Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời chất vấn