Vay vốn ngân hàng là giao dịch dân sự, song khi bị nhà băng kiện ra tòa vì tới hạn mà không trả nợ, nguyên giám đốc một công ty ở Cà Mau lại bị “hình sự hóa” tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi TAND cấp tỉnh đưa ra xét xử.

TAND tỉnh Cà Mau hình sự hóa vụ án kinh doanh thương mại

Văn Em | 17/11/2018, 11:16

Vay vốn ngân hàng là giao dịch dân sự, song khi bị nhà băng kiện ra tòa vì tới hạn mà không trả nợ, nguyên giám đốc một công ty ở Cà Mau lại bị “hình sự hóa” tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi TAND cấp tỉnh đưa ra xét xử.

Ngày 15.11, luật sư Phương Văn Thêm, Trưởng văn phòng Luật sư Phương Gia (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biếtđã có bản kiến nghị gửi Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM: “Xem xét kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm Quyết định số 03/2015/QĐ-TP ngày 18.12.2015 về việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do bà Hoàng Thị Hải Hà - Thẩm phán TAND tỉnh Cà Mau ban hành trái pháp luật”.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH Cát Vàng (gọi tắt là Công ty Cát Vàng) do ông Trần Thanh Dân (56 tuổi, ngụ P.8, TP.Cà Mau) làm giám đốc, thành lập tháng 5.2006, tại P.6, TP.Cà Mau. Hai năm sau, ông Dân di dời trụ sở công ty về xã Lương Thế Trân (H.Cái Nước). Năm 2009, Công ty Cát Vàng lập hồ sơ vay 5 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Cà Mau (gọi tắt là BIDV Cà Mau).

Để vay được khoản tiền này, Công ty Cát Vàng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh khu vực Minh Hải (gọi tắt là VDB Minh Hải) bảo lãnh. Khi hết hạn vay, Công ty Cát Vàng đã trả đủ vốn và lãi suất cho BIDV Cà Mau vào năm 2010. Các bên sau đó tiến hành thanh lý hợp đồng.

Giữa năm 2010, công ty làm ăn thua lỗ, ông Dân lúc này tiếp tục lập hồ sơ theo sự hướng dẫn của VDB Minh Hải để vay 9 tỉ đồng của BIDV Cà Mau, từ chứng thư bảo lãnh của VDB Minh Hải. Do làm ăn tiếp tục thua lỗ nên đến ngày 24.12.2011, dù đã hết thời hạn hợp đồng vay, nhưng Cát Vàng không còn khả năng trả nợ. Đến ngày 14.10.2013, BIDV Cà Mau khởi kiện Cát Vàng ra TAND H.Cái Nước.

Ngày 30.9.2014, TAND H.Cái Nước xét xử sơ thẩm. Tại bản án số 05/2014/KDTM-ST, tòa buộc Công ty Cát Vàng trả cho BIDV Cà Mau trên 13,1 tỉ đồng gồm vốn và lãi. Nếu công ty của ông Dân không thực hiện nghĩa vụ thì VDB Minh Hải có trách nhiệm bảo lãnh trả nợ và BIDV Cà Mau có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi hàng loạt tài sản gồm nhà, đất, xe… của Cát Vàng để thu hồi nợ.

Kiến nghị của luật sư - Ảnh: Quốc Khang

Không đồng ý, VDB Minh Hải kháng cáo và TAND tỉnh Cà Mau thụ lý theo trình tự phúc thẩm vào cuối năm 2014. Trong thời gian này, dù Cát Vàng gặp khó khăn về tài chính nhưng ông Dân vẫn tìm cách trả thêm nợ gốc cho BIDV Cà Mau 300 triệu đồng. Trước đó, ông Dân cũng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng này trên 3 tỉ đồng.

Hình sự hóa vụ án dân sự?

Theo luật sư Phương Văn Thêm, Trưởng văn phòng Luật sư Phương Gia, giao dịch giữa BIDV Cà Mau và Công ty Cát Vàng là dân sự. “Trong bản án của TAND H.Cái Nước cũng nhận xét đây là quan hệ pháp luật thuộc lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa haipháp nhân và đều có mục đích lợi nhuận”, ông Thêm nói và cho biếttòa án thụ lý giải quyết theo đúng như điều 29 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết 01/2005 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Đến ngày 24.10.2014, TAND tỉnh Cà Mau thụ lý việc kháng cáo của VDB Minh Hải. Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 vào ngày 22.6.2015, đại diện Viện KSND đề nghị tạm đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau để làm rõ việc sử dụng vốn vay của Công ty Cát Vàng.

Lúc này, Thẩm phán Hoàng Thị Hải Hà là người được phân công nhiệm vụ thụ lý giải quyết phúc thẩm, nhưng vào ngày 18.12.2015, dù không mở phiên tòa xét xử, bà Hà đã ban hành quyết định số 03/2015/QĐPT hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Luật sư Thêm cho rằngchính từ việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án “Kinh doanh thương mại”, nên ông Dân và những người có liên quan bị quy tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng ông Dân bị bắt tạm giam ngày 29.10.2015.

“Cơ quan công tố cho rằng ông Dân và những người liên quan có hành vi gian dối để chiếm đoạt 9 tỉ đồng của BIDV Cà Mau, nhưng lại không xem xét hành vi của những cán bộ ký, thẩm định hồ sơ từ phía VDB Minh Hải khi cấp chứng thư bảo lãnh cho Cát Vàng”, ông Thêm nói.

Tiếp đến, ngày 23.6.2016, TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ông Dân và các đồng phạm. Riêng ông Dân bị tuyên phạt 18 năm tù giam, và những người này sau đó kháng cáo.

Ngày 14.8.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 12/2016/HS-ST của TAND tỉnh Cà Mau do vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Luật sư chỉ ra những điều bất thường

Theo luật sư Thêm, bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM ban hành hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau và nhận định Quyết định số 03/2015/QĐPT ngày 18.12.2015 là trái luật, đồng thời kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 22.8.2018, TAND cấp cao tại TP.HCM ban hành Quyết định số 34/2018/KDTM-GĐT hủy toàn bộ Quyết định phúc thẩm số 03/2015/QĐPT ngày 18.12.2018 do Thẩm phán Hoàng Thị Hải Hàban hành.

“Khi Quyết định số 03/2015/QĐPT bị hủy, có nghĩa là không có vụ án “hình sự” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra vì bản án số 05/2014/KDTM-ST ngày 30.9.2014 của TAND H.Cái Nước đang có giá trị pháp lý”, ông Thêm phân tích.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Cà Mau vẫn xử lý vụ án hình sựvà ban hành kết luận điều tra số 52/KLĐT-PC01 ngày 10.9.2018, Viện KSND cùng cấp ban hành cáo trạng số 46/CT-VKS-P1 ngày 1.11.2018 quy kết ông Dân với tội danh như trên. Như vậy, ở cùng một hành vi vay tiền có bảo lãnh, có thế chấp tài sản, nhưng ông Dân lại bị xem xét cùng lúc 2 tội danh, cả hình sự lẫn dân sự.

Đặc biệt, ngày 14.11.2018, TAND tỉnh Cà Mau lại mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Kinh doanh thương mại” (sau khi bản án sơ thẩm của TAND H.Cái Nước trước đó bị hủy), nhưng tòa không triệu tập đại diện theo pháp luật của Công ty Cát Vàng, mặc dù công ty vẫn đang hoạt động bình thường.

“Chủ thể vay tiền có thế chấp và có bảo lãnh là Công ty Cát Vàng chứ không phải cá nhân ông Dân. Đây là một quy trình tố tụng vừa dân sự, vừa hình sự hóa quan hệ thương mại, vi phạm nghiêm trọng pháp luật là cơ sở pháp lý gây ra hậu quả oan sai cho những người lỡbị bắt tạm giam”, luật sư Thêm khẳng định.

Quốc Khang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TAND tỉnh Cà Mau hình sự hóa vụ án kinh doanh thương mại