25 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

TAND TP.HCM sẽ xét xử bà Hứa Thị Phấn vào ngày 8.5

theo Phapluat.vn | 07/05/2018, 11:50

25 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, TAND TP.HCM sẽ mở phiên toà sơ thẩm đối với bà Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm diễn ra vào ngày 8 đến ngày 31.5 (kéo dài 24 ngày).

Chủ toạ phiên toà là ông Phạm Lương Toản (Chánh Toà Hình sự) cùng với thẩm phán Lê Kim Loan. Phía đại diện VKSND có tới ba kiểm sát viên gồm: ông Đỗ Mạnh Bổng, bà Nguyễn Quỳnh Lan, bà Lê Thị Đông.
Có tới 25 luật sưtham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Cạnh đó, toà cũng đưa 63 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, chủ yếu là các ngân hàng, các công ty liên quan tới bất động sản, đáng chú ý là có cả bị án Phạm Công Danh (đại diện toàn bộ cá nhân góp vốn cổ phần nhóm Thiên Thanh); 115 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng. Nguyên đơn dân sự là Ngân hàng thương mại TNHH MTV xây dựng Việt Nam.
NhưPháp Luật TP.HCMtừng thông tin, VKSND Tối cao ban hành cáo trạng dài 81 trang để truy tố bị can Hứa Thị Phấn (71 tuổi), Bùi Thị Kim Loan (kế toán công ty Phú Mỹ), Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, là cháu bị can Phấn) về cả hai tội danh: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3 Điều 165 BLHS 1999 có khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 4 Điều 175 BLHS có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm).
Theo cáo trạng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước (tỉnh Long An). Đầu năm 2007, bị can Hứa Thị Phấn cùng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng đứng tên giúp bà Phấn mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ ngân hàng này.
Bà Hứa Thị Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.

Bị can Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín…, chiếm đoạt gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 12.000 ngàn tỉ đồng thông qua 5 hành vi:

1. Nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng (giá trị thực của căn nhà chỉ 155 tỉ đồng);
2. Hoạch toán thu-chi khống, để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.250 tỉ đồng;
3. Thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.580 tỉ đồng;
4. Chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào bốn dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.000 tỉ đồng;
5. Nâng khống giá trị 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.000 tỉ đồng.
Cáo trạng cho rằng các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính Ngân hàng Đại Tín rất xấu. Nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của bị can Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm gây ra.
Đáng chú ý, bị can Phấn bị khởi tố vào22.3.2017 nhưng CQĐT chưa ghi được lời khai, lý do ngày 6.3.2017 bị can Phấn nhập viện cấp cứu. CQĐT Bộ Công an đã nhiều lần đến bệnh viện để tiến hành hỏi cung nhưng bị can Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Các luật sư của bị can Phấn kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khoẻ tốt hơn.
Do đó CQĐT chưa thể hỏi cung để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, đơn tố giác và kiến nghị của bị can về các nội dung có liên quan. Tuy nhiên, bị can Phấn vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và đơn kháng cáo nên cần xem xét đánh giá thái độ không hợp tác của bị can Phấn trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt.
Trước đó, tháng 9.2017, bị can Hứa Thị Phấn bị TAND TP Hà Nội xử 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hiện bị can đang kháng cáo.
Ngoài ra, VKSND Tối cao còn truy tố Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH địa ốc Lam Giang, cháu của bà Phấn) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín), Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín), Nguyễn Công Tụ (nguyên giám đốc Công ty TrustAsset), Bùi Thế Nghiệp (nhân viên định giá Công ty TrustAsset) và nhiều bị can khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng đối với Ngân hàng Đại Tín, vào tháng 8.2014, sau khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến Ngân hàng Đại Tín từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn vào tiếp quản và điều hành hoạt động. Từ đó ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam để thực hiện tái cơ cấu.
Theo Ngân Nga/phapluat.vn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TAND TP.HCM sẽ xét xử bà Hứa Thị Phấn vào ngày 8.5