Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), chỉ số đổi với sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2015 xếp hạng thứ 52 trên 141 quốc gia, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm trước. GII có mối quan hệ với sự phát triển của nên kinh tế cũng như thể hiện trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia.

Tăng 19 bậc, Việt Nam vượt Thái Lan về chỉ số sáng tạo toàn cầu

Một Thế Giới | 26/09/2015, 10:53

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), chỉ số đổi với sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2015 xếp hạng thứ 52 trên 141 quốc gia, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm trước. GII có mối quan hệ với sự phát triển của nên kinh tế cũng như thể hiện trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia.

Việc xây dựng GII của Đại học Cornell và WIPO dựa trên 2 nhóm tiểu chỉ số là nhóm tiểu chỉ số đầu vào và nhóm tiểu chỉ số đầu ra. Nhóm tiểu chỉ số đầu vào bao gồm 5 tiểu chỉ số chủ yếu là thể chế, vốn con người và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, sự phát triển của thị trường, môi trường kinh doanh. Nhóm tiểu chỉ số đầu ra bao gồm 2 tiểu chỉ số là tiểu chỉ số đầu ra công nghệ và tri thức, các kết quả sáng tạo.
Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) có mối quan hệ với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức xếp hạng 52/141 của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia/nền kinh tế có GDP trên đầu người cao hơn Việt Nam như South Africa (Nam Phi), Serbia, Brazil, Uruguay… Báo cáo GII phân chia các quốc gia/nền kinh tế thành 3 nhóm có chỉ số ĐMST khác nhau: nhóm dẫn đầu, nhóm thành đạt về ĐMST và nhóm tụt hậu. Việt Nam được xếp hạng trong “nhóm thành đạt” và có vị trí khá tốt trong nhóm này.
Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số ĐMST của Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (số 7 trong nhóm dẫn đầu) và Malaysia (số 32) và xếp trên Thái Lan (số 55). Chỉ số ĐMST của Việt Nam được xếp hạng tăng cao chủ yếu là do các tiểu chỉ số đầu ra được đánh giá cao (hạng 39) trong khi tiểu chỉ số đầu vào của Việt Nam thấp (hạng 78). Tiểu chỉ số ĐMST đầu ra của Việt Nam cao hơn Thái lan (hạng 62). Do xếp hạng các tiểu chỉ số ĐMST đầu ra của Việt Nam cao hơn nhiều so với xếp hạng của các tiểu chỉ số đầu vào, tỷ lệ hiệu suất ĐMST (được đo bằng tỷ lệ điểm số của tiểu chỉ số ĐMST đầu ra trên điểm số tiểu chỉ số ĐMST đầu vào) của nước ta được Báo cáo GII xếp trong 10 nước đứng đầu (hạng 9).
Vì sao chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng?
Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN), chỉ số ĐMST gia tăng chủ yếu là do các tiểu chỉ số đầu ra tăng mạnh. Điều này cũng có nghĩa là kết quả đầu tư của Nhà nước cho KH&CN cũng đã được đánh giá tốt hơn. Các sản phẩm đầu ra sáng tạo như các bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế gia tăng; kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng cao hơn vào sản xuất, đời sống. Đây cũng là một chỉ báo tốt rằng việc thực thi Luật KH&CN đang từng bước đạt được hiệu quả. Thông qua các quy định bắt buộc phải công bố kết quả nghiên cứu với các nhiệm vụ cấp Quốc gia, cấp Bộ; thông qua cơ chế đặt hàng của Nhà nước, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được tăng cường ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Kết quả này cũng phần nào thể hiện các nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường KH&CN.
Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân thẳng thắn nhìn nhận: Có thể nói chỉ số này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi đây là đánh giá hết sức khách quan của WIPO kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp). Để đưa ra được đánh giá các tổ chức này đã dựa trên số liệu của 79 tiêu chí được thống kê từ các quốc gia. Cho nên có thể nói xếp hạng này đánh giá thực chất sự đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế. Nhiều người cũng cho rằng chỉ số này thể hiện trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia vì các tiêu chí cũng thể hiện tương đối tổng hợp.
Trong số 79 tiêu chí này có nhiều tiêu chí liên quan đến đầu vào, đầu ra của khoa học và công nghệ, từ thể chế, nhân lực, hạ tầng cho tới đầu tư rồi các sản phẩm khoa học được công bố cũng như kết quả khoa học được ứng dụng. Như vậy thông qua chỉ số xếp hạng của WIPO thì có thể thấy năm vừa rồi Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện thứ hạng của mình.
“Rất nhiều năm trước đây chúng ta vẫn loay hoay ở trong thứ hạng trên 70 nhưng bắt đầu từ năm 2013 đã bắt đầu có chiều hướng tốt lên. Nếu như năm 2013 chúng ta xếp hạng thứ 76 thì năm 2014 tăng lên 71 và năm nay là 52” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, chỉ số ĐMST tăng 19 bậc đã ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam khi chúng ta bắt đầu có Luật KH&CN từ năm 2013. Trên thực tế, Luật này có hiệu lực từ đầu năm 2014 nhưng thực sự phải đến năm 2015 mới có thể đưa Luật vào cuộc sống vì toàn bộ năm 2014 chúng ta tập trung vào việc xây dựng các văn bản hướng dẫn.
Có thể thấy Luật có tác dụng rất lớn với 3 trụ cột là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN bước đầu đã đem lại sức sáng tạo, sức sống mới cho KH&CN Việt Nam. Các nhà khoa học đã đánh giá Luật có nhiều chuyển biến rất tốt, đặc biệt là các sản phẩm KH&CN phát triển rất nhanh. Công bố quốc tế năm 2014 của KHCN Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 2.600 bài quốc tế trên tạp chí ISI. Số lượng sáng chế cũng tăng lên đáng kể. Số sản phẩm khoa học của Việt Nam đã có sản phẩm lên vị trí hàng đầu trong khu vực và tương xứng với trình độ quốc tế.
Cần cải thiện tiểu chỉ số đầu vào
TS Nguyễn Quang Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN chia sẻ: Hiện nay tiểu chỉ số đầu vào của Việt Nam còn thấp (hạng 78). Về lâu dài, muốn duy trì thứ hạng cao trong xếp hạng về chỉ số đổi mới, ngoài việc giữ được thứ hạng cao của các tiểu chỉ số đầu ra, các tiểu chỉ số đầu vào cần được cải thiện. Nếu không cải thiện được thứ hạng của các tiểu chỉ số đầu vào, sớm hay muộn chỉ số ĐMST của Việt Nam sẽ không giữ được vị thế như hiện nay.
Theo TS Tuấn, để tăng chỉ số ĐMST thì cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các sản phẩm ĐMST. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý KH&CN, tăng cường hiệu quả và chất lượng hoạt động của các trường đại học và viện nghiên cứu. Cơ chế tài chính cho KH&CN đang được cải thiện và cần tiếp tục đổi mới mạnh hơn nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động sáng tạo.
Tăng cường đầu tư cho KH&CN nhằm cải thiện các tiểu chỉ số đầu vào. Nhà nước cần thực hiện và cam kết đầu tư cho KH&CN không dưới 2% chi ngân sách và đảm bảo việc gia tăng đầu tư cho KH&CN nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN là một trong các trọng tâm của chính sách nhà nước trong những năm tới đây.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Môi trường kinh doanh của nước ta cần được cải thiện theo hướng để cho doanh nghiệp ngày càng nhận thức được đổi mới công nghệ là một trong các yếu tố sống còn cho sự tồn tại và phát triển trên thị trường. Ở đây, hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực hấp thu và làm chủ công nghệ mới của doanh nghiệp. Nhà nước xây dựng các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tăng cường năng lực hấp thu và làm chủ công nghệ mới.
“Giữ vững và phát huy được thứ hạng tốt về chỉ số ĐMST trong Báo cáo GII không chỉ là trách nhiệm của Bộ KH&CN mà còn là trách nhiệm của tất các các Bộ, ngành và địa phương. Trong đó, việc chủ động hội nhập với các thị trường tài chính quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam là các yếu tố trọng yếu để cải thiện thứ hạng của các tiểu chỉ số đầu vào”- TS Tuấn nhấn mạnh.
Phân tích thêm vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, nếu như trước năm 2010 theo xếp hạng của WIPO Việt Nam còn đứng thứ 7 trong ASEAN, nhưng rồi sau đó đã lần lượt vượt qua Philippines, Indonesia trong năm 2013. Đến năm 2014 Việt Nam vượt qua Brunei. Năm nay thì Việt Nam vượt qua Thái Lan. Đây cũng là một trong các mục tiêu mà Chiến lược phát triển KHCN cũng như Nghị quyết 20 của Trung ương đặt ra là đến năm 2020 Việt Nam lọt top các nước dẫn đầu trong ASEAN. Lúc đó chúng ta đặt mục tiêu chỉ lọt trong top 3, thậm chí còn lo lắng về mục tiêu này. Tuy nhiên chưa đến năm 2020 chúng ta đã lọt vào top 3. Với kết quả như vậy chúng ta có niềm tin để phấn đấu Việt Nam vẫn trong top 3 nhưng khoảng cách với nước thứ 2 là Malaysia sẽ được rút ngắn một cách đáng kể. Hiện nay Malaysia đang xếp thứ 32 (tức là trên Việt Nam khoảng 20 bậc).
“Để rút ngắn khoảng cách này chúng ta còn phải tiếp tục phấn đấu nhưng với tốc độ như thời gian qua thì đến năm 2020 Việt Nam có thể củng cố được vị trí số 3 của ASEAN với thứ hạng cao hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu chúng ta tiếp tục đổi mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20 của Trung ương cũng như Luật KH&CN năm 2013 thì Việt Nam có quyền hy vọng sẽ tiếp tục được xếp thứ hạng cao hơn nữa.
Theo Nguyễn Hùng/ Dân trí
Bài liên quan
Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao: Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine
Chiều 21.11, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng 19 bậc, Việt Nam vượt Thái Lan về chỉ số sáng tạo toàn cầu