Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt mức 6,3% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng hơn 8% của năm 2022, do động lực tăng trưởng năm 2023 sẽ yếu đi bởi những tác động của thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 13.3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3.2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”.
Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 cao (đạt 8,0% năm 2022 so cùng kỳ) một phần nhờ vào hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Bên cạnh đó, tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi sau COVID-19 và kết quả vững chắc của các hoạt động chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.
Bước sang năm 2023, theo các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đối mặt với khá nhiều thách thức do hoạt động xuất khẩu sang một số quốc gia như Mỹ, châu Âu yếu hơn và việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, do đó tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt mức 6,3% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng hơn 8% của năm 2022 do động lực tăng trưởng năm 2023 sẽ yếu đi bởi những tác động của thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, theo bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, chỉ vài ngày trước, chúng ta đã thấy việc đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ, tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Dorsati Madani, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần được cải thiện vào quý 2/2023 và 2 năm tiếp theo (2024-2025), với dự báo tăng trưởng lên mức 6,5% mỗi năm. Cùng với sự cải thiện về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 có thể ở mức 4,5% và sẽ giảm dần xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 3,0% vào năm 2025.
Bà Dorsati Madani cho rằng vị thế chính sách tài khóa tạo thuận lợi là cách để tự phòng vệ những rủi ro về giảm tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động. Trong ngắn hạn, trọng tâm nên cần nhằm vào triển khai dự toán chi đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và cơ sở vật chất. Chính sách tiền tệ linh hoạt, được phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu chính sách tài khóa, có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
Đáng chú ý, việc tăng cường khung chính sách và giám sát đối với khu vực tài chính được chuyên gia của WB cho rằng sẽ giúp giải quyết các rủi ro tài chính đang lộ diện.