Theo số liệu của Chi Cục thủy sản Sóc Trăng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh này chỉ có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Sóc Trăng: Rất ít tàu đánh cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Lương Xuân Cao | 11/03/2023, 10:55

Theo số liệu của Chi Cục thủy sản Sóc Trăng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh này chỉ có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong những năm qua, thực hiện công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân.

Tỉnh đã tiến hành công tác quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác xa bờ và theo dõi, giám sát tàu cá, đôn đốc các chủ tàu thuyền, ngư dân vùng ven biển thực hiện nghiêm Luật Thủy sản. Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được thực hiện tốt. 

z4172746981887_4270060a6c56bffead614018597ff87e(1).jpg
Cá biển do tàu cá Sóc Trăng đánh bắt - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có 1.000 tàu đánh bắt thủy hải sản, với tổng công suất hơn 200.000 mã lực. Trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 339 tàu, hoạt động vùng khơi theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP với trên 8.600 lao động trực tiếp khai thác thủy sản trên biển.

Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Trần Đề cho biết: "Xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU, thời gian qua Sóc Trăng tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.  Đó là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến; điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm nếu xảy ra".

z4172746420487_d37121c06ec8915fc4406c141a19daad.jpg
Tàu cá Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Cũng theo ông Phạm Văn Hứa: "Chúng tôi phối hợp với Đồn biên phòng Trung Bình thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, phát tờ rơi, nhất là về công tác chống khai thác IUU trước khi ngư dân ra đánh bắt. Mỗi chuyến đi biển đều được thực hiện ghi lại nhật ký khai thác đầy đủ và không ra vùng biển nước ngoài, về cảng là có trình biên phòng kiểm tra, khai báo đầy đủ. Từ đó, ý thức của ngư dân ngày càng được nâng lên rõ rệt trong việc thực hiện các quy định. Trong tháng 3 này, chúng tôi tiếp tục tổ chức hội nghị tuyên truyền cho bà con ngư dân”.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng nói: "Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, trong đó khai thác biển chiếm vị trí quan trọng. Hằng năm khai thác biển của tỉnh đạt sản lượng từ 65.000 đến 70.000 tấn hải sản các loại.

z4172746419033_2872eb2d1c36eea271bfb5f24887ffe8.jpg
Sóc Trăng có khoảng 1.000 tàu cá  đánh bắt xa bờ - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo ông Nhã, thực hiện công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị chức năng làm thực hiện nghiêm túc.  Các đơn vị như Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Trần Đề theo nhiệm vụ được giao đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định với 100% tàu cá khai thác xa bờ đã gắn thiết bị giám sát hành trình. Việc này bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Công an tỉnh Sóc Trăng ra quân giúp dân chống thiên tai
Ngày 11.4, Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ ra quân tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và giúp đỡ nhân dân chống thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Rất ít tàu đánh cá vi phạm vùng biển nước ngoài