Gần hai tháng nay, Tổng công ty Đường sắt chưa trả được lương cho 11.300 nhân sự "vì vướng một điều trong Luật Ngân sách".

Tập đoàn, tổng công ty kêu khó khi về 'Siêu ủy ban'

20/02/2020, 17:57

Gần hai tháng nay, Tổng công ty Đường sắt chưa trả được lương cho 11.300 nhân sự "vì vướng một điều trong Luật Ngân sách".

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ngày 20.2 - Ảnh: VGP

Sáng 20.2, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam đã kể những vướng mắc do cơ chế tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng và Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban).

Ông Minh nói, định kỳ ngày 31.12 hằng năm, Tổng công ty Đường sắt sẽ nhận được phê duyệt dự toán, trong đó có phần chi dành cho hoạt động công ích tuần đường, gác chắn. Hơn 11.300 nhân sự bộ phận hạ tầng tại 20 công ty thành viên trông coi an toàn cho hàng nghìn km đường sắt trông chờ vào dự toán này để làm căn cứ trả lương. Nhưng theo ông Minh, từ đầu năm nay, họ vẫn chưa nhận được một đồng lương nào vì vướng Điều 49 của Luật Ngân sách.

Điều này quy định cơ quan ngân sách cấp I trung ương nhận ngân sách giao cho các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên Tổng công ty Đường sắt từ năm 2020 đã được giao về Ủy ban quản lý vốn. Tổng công ty đã có văn bản gửi Thường vụ Quốc hội, sau đó Quốc hội đã ra Nghị quyết 87 trong đó nêu rõ "tiếp tục cơ chế giao vốn dự toán ngân sách, bảo trì đường sắt cho Bộ Giao thông vận tải". Tuy nhiên, vướng mắc lại phát sinh khi Tổng công ty và Bộ có quan điểm khác nhau về câu chữ của nghị quyết.

"Tổng công ty đã gửi văn bản kiến nghị, kể cả vượt cấp, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi phải lựa chọn, dừng tàu hay chạy tiếp, nhưng dù dừng hay chạy thì chúng tôi đều làm sai", ông Minh nói. Nếu Tổng công ty Đường sắt dừng tàu thì ảnh hưởng đến hơn 30.000 cán bộ nhưng nếu tiếp tục chạy, sẽ là sai cho những nhân viên tuần đường, gác chắn bởi họ không có hợp đồng.

Hai tháng đầu năm, Tổng công ty đã ứng tiền trước để trả lương. "Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, bản chất là chúng tôi cũng đang làm sai vì chưa có dự toán, chưa ký hợp đồng thì sao có thể ứng tiền", ông Minh nói và cho biết tình thế đang "vô cùng cấp bách".

Tổng công ty Đường sắt cũng chính là đơn vị vừa xin về lại Bộ Giao thông Vận tải quản lý thay vì Ủy ban. Siêu Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, với số vốn nắm giữ khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, ra mắt vào tháng 9.2018.

Dừng tàu là câu chuyện của ngành đường sắt, còn với lĩnh vực hàng không và đầu tư, vướng mắc trong cơ chế, văn bản luật sau khi các tổng công ty về "Siêu ủy ban" còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, hiệu suất sinh lời.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines lấy ví dụ, giai đoạn trước, khi tổng công ty này trình kế hoạch đầu tư tàu bay, nhanh thì ba tuần, chậm thì 6 tháng được phê duyệt. Nhưng tờ trình gần nhất về việc đầu tư dòng máy bay thân hẹp của Vietnam Airlines đã hơn hai năm nhưng vẫn chưa được duyệt. "Vướng mắc lớn nhất nằm ở sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các văn bản pháp luật", ông Minh nói.

Một vướng mắc khác được Chủ tịch Vietnam Airlines nhắc đến là việc phân cấp, ủy quyền cho người đại diện vốn nhà nước. Theo quy định, những vấn đề lớn liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trước khi trình Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị phải xin ý kiến Ủy ban quản lý vốn, nhưng quy định này cũng lồng thêm một ý là phải báo cáo cả "những vấn đề khác".

"Do chúng tôi không biết vấn đề khác này là những vấn đề gì nên chúng tôi báo cáo hết. Nhóm đại diện vốn tự đặt ra một ngưỡng là báo cáo các vấn đề với ủy ban trước một tuần khi họp Hội đồng quản trị. Nếu không bị các vụ chức năng thổi còi thì chúng tôi sẽ thông qua", ông Minh chia sẻ và kiến nghị ủy ban sớm thể chế hóa "những vấn đề khác cụ thể là gì".

Cũng giống như Tổng công ty Đường sắt hay Vietnam Airlines, vấn đề mà ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nêu ra là câu chuyện phê duyệt thẩm quyền đầu tư dự án. Bởi sự chồng chéo giữa các luật dẫn tới tình cảnh lãnh đạo SCIC gặp nhiều khó khăn khi quyết định chọn dự án.

Khi SCIC xin ý kiến của Ủy ban quản lý vốn để đầu tư một dự án, Ủy ban nói SCIC hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch & Đầu tư vì liên quan đến Luật Đầu tư công, nhưng do dự án không thuộc một lĩnh vực nào trong Luật Đầu tư công, SCIC phải tham vấn thêm các bộ ngành khác, rồi cuối cùng không bên nào cho ý kiến. "Kiến nghị của doanh nghiệp đúng, trả lời của ủy ban cũng đúng, phản hồi của bộ ngành cũng thế, vậy cuối cùng lại trở về với kiến nghị ban đầu", ông Chi nói.

Lý giải việc này, Thứ tưởng Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng nói đa phần những vướng mắc là trong các quy định của luật. "Lúc xây dựng các văn bản luật trước đây chưa tính tới các hệ thống cơ quan đại diện sở hữu, cơ quan quản lý vốn, nên những luật này vẫn chưa áp dụng được ngay", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thắng cho rằng cũng có vấn đề do cách tiếp cận của các tập đoàn, tổng công ty. Có những trường hợp, các doanh nghiệp tư nhân cũng phải áp dụng các quy định tương tự nhưng họ vẫn có thể thực hiện, trong khi các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn. Như ngành hàng không, ông Thắng cho biết những doanh nghiệp tư nhân khác cũng phải tuân thủ theo Luật Đầu tư, nhưng họ vẫn làm được, trong khi những doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines lại vướng nhiều vấn đề.

Theo Minh Sơn/Vnexpress

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập đoàn, tổng công ty kêu khó khi về 'Siêu ủy ban'