Ngày 5.10, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, căn cứ phần Quyết định của Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã tuân thủ và thực hiện theo đúng Bản án phúc thẩm.

Tập đoàn Trung Nguyên khẳng định xử lý đúng luật trước hành động của bà Diệp Thảo

Anh Tú | 05/10/2018, 13:10

Ngày 5.10, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, căn cứ phần Quyết định của Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã tuân thủ và thực hiện theo đúng Bản án phúc thẩm.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa gửi đơn yêu cầu thi hành án lên Cục Thi hành án dân sự TP HCM về việc bà vẫn chưa thể trở về Trung Nguyên. Một số báo dẫn lời bà Thảo cho hay ngay sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực bà đã đến trụ sở Trung Nguyên nhưng không được cho vào. Do đó, bà yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP HCM tổ chức thi hành án. Đồng thời, bà sẵn sàng đề nghị hình sự hoá các hành vi cản trở bà về lại Trung Nguyên.

Bản phúc thẩm mà bà Thảo nói đến là khi TAND cấp cao TP.HCM xét xử phúc thẩm ngày 20.9, khôi phục chức danh Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Tuy nhiên, có một điều mà Tập đoàn Trung Nguyên đã làm rõ ngay sau đó trong bản thông cáo dài 8 trang gửi cho báo chí ngày 21.9. Trong đó, Tập đoàn Trung Nguyên cho biết ngày 21.9.2018, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã ra quyết định về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”. Do vậy, Tập đoàn Trung Nguyên có cơ sở pháp lý của mình trong việc không công nhận tư cách như bà Thảo đòi hỏi tại tập đoàn.

Ngày 5.10, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, căn cứ phần Quyết định của Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã tuân thủ và thực hiện theo đúng Bản án phúc thẩm. Tập đoàn Trung Nguyên đã nêu rõ đầy đủ việc tuân thủ theo Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, cụ thể như sau:

Trước hết, để thể hiện sự hợp tác và tuân thủ pháp luật của bản án sơ thẩm, ngày 9.10.2017 (trước ngày TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử, ngày 20.09.2018), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã chủ động ban hành Quyết định số 012/2017/QĐ-CTHĐQT về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 01/QĐ-CTHĐQT ngày 13.4.2015 của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên về việc bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ghi sai chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Điều này cho thấy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã thực hiện đúng với phần Quyết định tại Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM và không trái với Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Tiếp đó, ngày 21.9.2018, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên căn cứ thẩm quyền của Tổng Giám đốc theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã ban hành Quyết định số 06/2018/TNG/QĐBN-TGĐ về việc bãi nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo là hoàn toàn đúng pháp luật, đúng Điều lệ Công ty và không trái với Quyết định của Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Cũng trong thông cáo báo chí mà Tập đoàn Trung Nguyên gửi báo chí này 21.9 vừa qua đã nêu một loạt sai phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo bao gồm:

- Ngày 16.10.2015, tại Trụ sở Tập đoàn Trung Nguyên số 82-84 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng cộng sự đã chiếm đoạt 12 con dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, làm cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên bị ngưng trệ do không có con dấu để giao dịch. (Vụ việc đã được Tòa án TP.HCM tuyên xử buộc bà Thảo phải hoàn trả con dấu và Giấy phép kinh doanh cho Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên theo Bản án sơ thẩm số 310/2018/KDTM-ST ngày 21.3.2018 về việc tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty)”.

- Bà Thảo giả mạo chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 01 SGD (1 đô la Singapore). (Vụ án đang được Tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 7.4.2016 của Cơ quan giám định Singapore).

- Ngày 13.5.2016, bà Thảo đã chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên tại Bắc Giang, để tự ý sản xuất, kinh doanh mà không tuân thủ quyết định của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Hội đồng quản trị và Đại Hội đồng cổ đông...

Những điều được Tập đoàn Trung Nguyên nêu trên là lý do giúp chúng ta hiểu tại sao họ cảnh giác trước việc bà Diệp Thảo muốn quay trở lại trụ sở Tập đoàn. Trong lần cung cấp thông tin mới nhất cho báo chí, Tập đoàn Trung Nguyên tiếp tục khẳng định lại sự cảnh giác của mình với bà Thảo khi cho rằng bà Thảo có những hành động gây bất lợi với Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo Tập đoàn Trung Nguyên, xuyên suốt diễn trình thì tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự là mục tiêu mà bà Thảo luôn theo đuổi vì là cách nhanh nhất để thâu tóm Trung Nguyên. Bên cạnh đó, Tập đoàn Trung Nguyên cho biết bà Thảo đã tạo ra hơn 10 vụ kiện đối với các Công ty trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Và yêu cầu Tòa án áp dụng 9 biện pháp khẩn cấp tạm thời để gây áp lực về pháp lý và tâm lý cho Tập đoàn Trung Nguyên và hơn 5.000 lao động đang làm việc tại đây.

Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng những việc làm của bà Thảo đã gây tâm lý hoang mang cho toàn thể các cấp quản lý, người lao động về vai trò quản lý, điều hành của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đồng thời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, danh dự và uy tín của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vai trò là Tổng Giám đốc hiện hành của Tập đoàn Trung Nguyên.

Lịch sử vụ bãi nhiệm bà Thảo

Ngày 13.4.2015, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Ngày 22.9.2017, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP.HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh của bà Thảo vì lý do Quyết định bãi nhiệm ghi chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc” và Bản án nhận định rằng Chủ tịch Hội đồng quản trị không có quyền bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc.

Không hài lòng với bản án sơ thẩm này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã thực hiện quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm. Đồng thời, thể hiện sự hợp tác và tuân thủ pháp luật theo Bản án sơ thẩm, nên ngày 9.10.2017, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên ra quyết định về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định ngày 13.4.2015 vì ghi sai chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc”.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22.9.2017, đại diện ủy quyền của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và đại diện ủy quyền của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng các Luật sư đã yêu cầu Tòa án đình chỉ việc khởi kiện của nguyên đơn vì đối tượng khởi kiện là Quyết định ngày 13.4.2015 đã bị thu hồi và hủy bỏ từ ngày 09.10.2017 nhưng vì nguyên đơn không đồng ý rút yêu cầu khởi kiện nên Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã giữ nguyên Bản án sơ thẩm về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định ngày 13.4.2015 vì không có cơ sở để đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo kháng cáo của các bị đơn.

Ngày 21.9.2018, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên đã ban hành quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.

Tú Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập đoàn Trung Nguyên khẳng định xử lý đúng luật trước hành động của bà Diệp Thảo