Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, taxi truyền thống đang bị đối xử bất công so với các hãng taxi công nghệ. Sự thiếu công bằng về mặt chính sách đã đẩy hàng trăm hãng taxi truyền thống lụi tàn, nguy cơ phá sản cao.
Taxi truyền thống cầu cứu
Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa có đơn thỉnh cầu gửi tới Bộ trưởng Giao thông vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thể về việc đề nghị sớm có giải pháp cứu vãn khả năng phá sản của nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống trong cả nước.
Hiệp hội cho rằng quá trình thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo quy định tại quyết định số 24 của Bộ GTVT đã bộc lộ sự bất cập về mặt chính sách giữa 2 loại hình taxi và hợp đồng điện tử. Quy về bản chất thì 2 loại hình hoạt động như nhau, nhưng Bộ GTVT dường như đang tạo một sân chơi riêng cho loại hình đang thí điểm. Trong đó, chủ yếu là 2 đơn vị nước ngoài gồm Grab và Uber.
Theo Hiệp hội, do buông lỏng, không hạn chế số lượng nên chỉ sau 2 năm, cả nước đã có trên 50.000 xe được Grab, Uber gia nhập vào mạng lưới. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã từ Bắc vào Nam trở thành vệ tinh, thuộc cấp của Grab và Uber.
Hầu hết xe chạy cho Grab, Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, riêng phù hiệu có xe dán xe không… Việc này khiến các hãng xe này dễ dàng “tàng hình” để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng khi muốn kiểm tra nên nhiều địa phương không kiểm soát được loại xe này.
Về vấn đề thuế, Hiệp hội Taxi TP.HCM nói rằng, sau 3 năm số thuế mà Grab, Uber nộp chưa bằng một doanh nghiệp taxi có số đầu xe chưa bằng 1/9 của Grab và Uber.
Với thực trạng trên, Hiệp hộiđề nghị Bộ GTVT xem lại chính sách đối với hoạt động của loại hình xe hợp đồng điện tử từ 9 chỗ trở xuống đã hết thời gian thí điểm.
Trước đó, vào ngày 9.1.2018, 3 hiệp hội taxi gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã thay mặt cho hàng nghìn doanh nghiệp taxi miền Bắc - Trung - Nam cùng ký văn bản gửi Bộ trưởngGTVT để trình bày, phân tích, dẫn chứng và kiến nghị nhiều nội dung đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng taxi tại Việt Nam.
Bị đối xử bất công
Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, taxi truyền thống đang bị đối xử bất công so với các hãng taxi công nghệ. Sự thiếu công bằng về mặt chính sách đã đẩy hàng trăm hãng taxi truyền thống lụi tàn, nguy cơ phá sản cao. Hầu hết các hãng taxi này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nằm trong quỹ đạo bảo hộ, giúp đỡ của Nhà nước.
“Chúng tôi lo ngại sau thị trường bán lẻ đã và đang rơi vào tay các ông chủ Thái Lan, Hàn Quốc thì một ngày không xa nhiều lĩnh vực khác sẽ bị người nước ngoài thôn tính, làm chủ và thao túng, trong đó có lĩnh vực taxi. Nếu tình hình cứ như hiện nay, taxi truyền thống không chết vì Grab, Uber mà chết vì chính sách thiếu công bằng của Nhà nước”, ông Hỷ cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều đánh giá hoạt động của Grab, Uber là kinh doanh vận tải cần quản lý như taxi. Đơn cửgần đây nhất là Tòa án công lý châu Âu đã phán quyết loại hình này là hoạt động vận tải cần quản lý như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải …
“Tuy nhiên, Vụ Vận tải vẫn tìm cách lách luật để tham mưu cho Bộ GTVT coi đó là xe hợp đồng, tức là vẫn muốn tạo sân chơi riêng, cơ chế thị trường độc quyền riêng với nhiều ưu ái cho Grab, Uber mặc dù bản chất hoạt động không khác gì taxi”, ông Hỷ nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín nói rằng dù Grab, Uber đã giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, nhưng về mặt pháp lý vẫn còn một số bất cập.
Cụ thể là số lượng xe công nghệ tăng quá nhanh dẫn đến quản lý nhà nước khó khăn hơn nên tác động tiêu cực đến hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, Nhà nước vẫn chưa tạo ra sự cạnh tranh chưa công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Taxi truyền thống phải đấu thầu mới có quyền đỗ xe và chờ đón khách ở nhiều nơi. Việcnày sẽ đẩy rất nhiều hãng taxi Việtđến tình trạng giải thể hoặc phá sản.
Chưa kể, cơ quan thuế bị thất thu thuế khi chưa thống kê đầy đủ về số lượng xe, doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp cũng không chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống.
Do đó, TS Bùi Quang Tín cho rằng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để xác định Uber, Grab là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải kiểu mới. Nhà nước cần xem taxi công nghệ là loại hình taxi chứ không phải là đơn thuần cung ứng phần mềm ứng dụng.
Phan Diệu