Người dân chưa hoàn toàn thở phào khi đi qua chuỗi ngày xáo trộn bởi COVID-19 thì những ngày giáp Tết, họ phải đối mặt với nỗi bức xúc mới mang tên “cách ly” từ chính quyền nơi quê hương họ trở về.

Tết bớt vui bởi chính sách cách ly cực đoan, vô cảm

Lam Thanh | 18/01/2022, 14:21

Người dân chưa hoàn toàn thở phào khi đi qua chuỗi ngày xáo trộn bởi COVID-19 thì những ngày giáp Tết, họ phải đối mặt với nỗi bức xúc mới mang tên “cách ly” từ chính quyền nơi quê hương họ trở về.

Chính quyền các địa phương cho biết không ngăn người dân về đón Tết, nhưng ở một số nơi, đặc biệt ở cấp thôn, xã lại có chính sách cách ly bất hợp lý với người từ địa phương khác. Và điều này thực sư khiến dư luận bức xúc.

Tại thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chỉ vì 2 cháu nhỏ về từ Hải Phòng (vùng đỏ) mà cả gia đình 4 người gồm ông, bà phải thực hiện cách ly y tế 7 ngày theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Đáng nói, dù 2 cháu nhỏ đã khai báo y tế và xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính tại trạm y tế xã, nhưng chính quyền thôn vẫn khóa trái cửa, giữ chìa khóa, treo thông báo trước nhà suốt từ ngày 9-16.1. Thức ăn của gia đình phải nhờ hàng xóm mua giúp rồi dùng dây kéo lên.

cach-ly2.jpg
4 người ở Thái Bình bị khóa cửa nhà, cách ly vì 2 cháu nhỏ từ vùng dịch Hải Phòng về

Tại Thiệu Hóa, Thanh Hóa, 30 gia đình có người thân về từ vùng dịch (thậm chí từ Bình Dương, tức vùng xanh) cũng đều phải tự khóa cổng tự cách ly và chìa khóa thì do chính quyền xã giữ. Ngoài ra, rất nhiều địa phương yêu cầu xét nhiệm khi về địa phương. 

Sau khi báo chí phản ánh, các địa phương này đều đã tháo khóa, nhận sai và xin lỗi công khai các gia đình này. Tuy nhiên, từ những sự vụ này cho thấy chính quyền cơ sở đã áp dụng sai hoàn toàn chỉ đạo về phòng chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, gây bức xúc và tạo phiền hà cho người dân.

Với những người dân xa quê, năm 2021 có thể đã để lại cho họ những "trải nghiệm" kinh hoàng khi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 quét qua. Những tháng ngày sống trong lo sợ khi nhiễm COVID-19 hoặc mất mát người thân vì dịch, rồi y tế quá tải, công việc bị đảo lộn… đã khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng thật sự.

Do vậy, một cái Tết đoàn viên với gia đình, một cái Tết để nghỉ ngơi, vực lại sức khỏe, tinh thần được chờ đón hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chính sách cách ly máy móc ở làng xã quê hương nơi họ trở về đã khiến họ thêm một lần vất vả, thậm chí, nếu chẳng may gia đình có người cần cấp cứu gấp hay bị hỏa hoạn, trong khi cổng bị khóa, chìa khóa trong tay chính quyền thì sẽ nguy hiểm biết chừng nào. 

Ngoài ra, hệ lụy từ những “sáng kiến” cách ly cứng nhắc và vô cảm với người dân khi về quê ăn Tết không chỉ dừng lại ở sự bức xúc của người dư luận, mà còn ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác.

Để đáp ứng thời gian cách ly từ 7-14 ngày, nhiều lao động phải xin nghỉ việc sớm để về quê. Với việc người lao động nghỉ đồng loạt, các doanh nghiệp sẽ rất vất vả đối phó với việc thiếu hụt lao động, thời gian đáp ứng hợp đồng, nhất là thời gian vừa rồi, làn sóng người rời thành phố về quê đông chưa từng có. Nhưng nếu người lao động không xin về sớm thì với chính sách cách ly của địa phương cả dịp Tết chắc chắn sẽ chỉ ở trong nhà và họ hàng, làng xóm cũng không dám đến chúc Tết vì có người đang cách ly y tế.

cach-ly.jpg
Một hộ dân ở Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa bị chính quyền xã khóa cửa cổng để cách ly

Sự lo ngại của lãnh đạo địa phương về nguy cơ bùng dịch có thể hiểu được, bởi điều đó liên quan đến sức khỏe người dân và trách nhiệm chính trị. Tuy nhiên, khi đã chấp nhận sống chung với COVID-19, "không ngăn sông cấm chợ" và hầu hết người dân đã tiêm vắc xin thì phải chấp nhận thực tế số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên. Đây là điều bình thường bởi Việt Nam không theo đuổi mục tiêu “zero COVID”. Còn đối với lo ngại về trách nhiệm chính trị hay “cái ghế” của mình, thì với việc áp dụng đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh hay Bộ Y tế, dù ca nhiễm có phát sinh lãnh đạo địa phương cũng không cần phải lo lắng vấn đề này.

Điều chính quyền các địa phương cần quan tâm thực hiện không phải là các biện pháp cách ly cứng nhắc mà là chăm sóc hệ thống y tế, điều trị, các giải pháp hỗ trợ người nhiễm nhanh nhất… để hạn chế ca nhiễm nặng, ca tử vong. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thái quá sẽ ảnh hưởng đến xã hội, kinh tế và an sinh của người dân.

Chính phủ đã tốn rất nhiều tiền bạc, công sức để phủ vắc xin, phải trả giá không ít với một số chính sách chống dịch sai lầm để ra quyết định chuyển hướng chống dịch với Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19 của Chính phủ. Chính sách chống dịch mới đã thực sự đem luồng sinh khí mới đến toàn dân, vực dậy nhiều ngành nghề, doanh nghiệp đang thoi thóp. Thế nhưng, tư duy, cách thức chống dịch của một số nơi vẫn không khác gì so với lúc chưa tiêm vắc xin là sự bất hợp lý vô cùng.

Hiện nay, Chính phủ, UBND các tỉnh đã có chỉ đạo, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp cách ly, xét nghiệm đối với người từ các địa phương khác trở về. Thiết nghĩ, chủ tịch các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm và quán triệt với địa phương cấp dưới, không để tình trạng phường, xã bên dưới tự đưa ra quy định cực đoan, vô cảm đối với người dân, trái chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 17.1 Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Tại công văn này, Bộ Y tế cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 242 ngày 11.1 của Văn phòng Chính phủ chấn chỉnh một số sự việc báo chí phản ánh như: "Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục", "Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc xin", người dân phản ảnh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp...

Hiện tại, việc đi lại, thông thương, học hành... đều đang áp dụng nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, trong đó quy định chỉ cách ly với người đến từ khu vực đang cách ly y tế hoặc vùng đỏ. Tuy nhiên cách làm của các địa phương hiện nay lại "mỗi nơi một phách", gây khó khăn cho người dân và cũng không có tác dụng chống dịch rõ ràng.

Bài liên quan
Trấn Thành muốn khán giả cười thả ga với phim tết 2025
Không chỉ làm đạo diễn cho phim “Bộ tứ báo thủ”, Trấn Thành còn tham gia đóng vai một “báo thủ” với mục tiêu muốn khán giả cười thả ga trong dịp tết năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết bớt vui bởi chính sách cách ly cực đoan, vô cảm