Ngày mổ lợn, trong lúc người lớn tất bật lo toan nhiều công việc "trọng đại" thì đám trẻ con chúng tôi được phân công đun nước sôi để làm lông, rồi lo cắt những tàu lá chuối trải ra sân gạch làm chỗ ngả thịt, chia phần...
Câu chuyện văn hóa

Tết xưa 'đụng lợn' thật vui

Trịnh Viết Hiệp 08/02/2024 15:09

Ngày mổ lợn, trong lúc người lớn tất bật lo toan nhiều công việc "trọng đại" thì đám trẻ con chúng tôi được phân công đun nước sôi để làm lông, rồi lo cắt những tàu lá chuối trải ra sân gạch làm chỗ ngả thịt, chia phần...

Tết cổ truyền của dân tộc sắp về, mới hôm rồi mẹ gọi điện từ quê lên nhắn tôi gắng về sớm để phụ giúp mẹ sửa soạn chuẩn bị Tết, bởi năm nay nhà sẽ nấu bánh chưng và và “ăn đụng” lợn, nhiều gia đình cùng chung nhau mổ một con lợn để ăn Tết!

Nghe mẹ thông báo vậy lòng tôi chợt chộn rộn niềm vui, bởi đã bao năm nay khi Tết tới mẹ toàn ra chợ mua thịt lợn về nấu bánh chưng, sửa soạn cỗ tết chứ có bao giờ nhà ăn đụng thịt lợn của ai đâu. Tôi nghĩ, chắc là năm nay nhà mình sẽ làm cỗ tết linh đình, vì vậy sẽ ăn đụng lợn để đãi đằng con cháu cho năm nay Tết thêm phần tươm tất, đủ đầy.

Quả thực tục lệ ăn đụng thịt lợn ngày tết đã trở lại không chỉ ở quê tôi, mà rất nhiều làng quê khác cũng đã "khôi phục" cách này. Có rất nhiều nguyên nhân để người dân quay lại với tục ăn đụng lợn ngày tết, nhưng theo tôi, có lẽ là mọi người, mọi nhà đã chú trọng tới vấn đề an toàn thực phẩm, muốn được ăn món thịt lợn tự nuôi lấy và được xem là sạch, ngon..., khi mà thịt mua bên ngoài bị mang tiếng "bẩn", ô nhiễm, không an toàn bởi chứa chất cấm, hóa chất ảnh hưởng tới sức khỏe, do có những người chăn nuôi thiếu lương tâm đã “đầu độc” người tiêu dùng, chỉ vì lợi nhuận, chạy theo đồng tiền...

Quay lại quãng thời gian ấu thơ tôi nơi quê nhà, tục đụng lợn ngày tết phổ biến cả làng cả xã, khi hầu hết gia đình ăn đụng lợn, chỉ rất ít nhà do hoàn cảnh riêng nên mua thịt ngoài chợ về ăn Tết mà thôi.

Thường là từ 3 - 5 hộ trong dòng họ, hoặc các hộ cùng xóm bàn nhau ăn đụng lợn. Chính vì việc ăn đụng lợn ngày tết đã thành tục lệ, nên từ trong năm các hộ thỏa thuận miệng, phân công nhà nào đó đảm nhận việc nuôi lợn. Cũng có khi điều "tiên quyết" này được phân bổ luân phiên từng năm, nghĩa là năm nay nhà này nuôi, sang năm sau nhà kia nuôi, cứ luân chuyển quay vòng đủ lượt các hộ ăn đụng.

Việc đụng lợn có thể hai, ba, bốn nhà ăn chung một con lợn, nhưng cũng có thể gần chục hộ, tùy theo trọng lượng của con lợn to hay nhỏ, và nhu cầu thịt của những nhà trong nhóm ăn đụng là nhiều hay ít... Nhà tôi thường ăn đụng chỉ với mấy chú bác, anh em trong gia tộc do ông bà nội tôi sinh ra. Bố tôi là trưởng nam, diện tích vườn nhà lại rộng rãi, nhiều rau nên việc nuôi lợn để mổ vào dịp tết thì các chú, cô, bác, anh chị luôn giao cho cha mẹ tôi. Thời trước, chính vì nhà luôn phải nuôi lợn để mổ ăn Tết như vậy nên mấy anh chị em chúng tôi khá vất vả, ngoài giờ học luôn phải thay nhau cắt rau, băm bèo, nấu cám, cho lợn ăn, dọn chuồng lợn...

Thỏa thuận của việc ăn đụng lợn ở quê xưa thường được trả bằng thóc, sau thì bằng tiền, hộ ăn đụng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Cứ chia công bằng, không trả giá, không so đo tính toán, nhà nào cũng vui vẻ, ai cũng hài lòng.

Không khí những ngày cận Tết khi mọi nhà đều mang lợn ra mổ để làm cỗ của những ngày xưa ấy luôn rất vui nhộn. Ngay từ ngày 26, 27 Tết đã có nhà bắt lợn, rồi mổ lợn từ sáng sớm, tiếng lợn eng éc rộn rã cả làng quê. Nhộn nhịp nhất, vui nhất là sáng 30 Tết, bởi đó là ngày cuối cùng năm cũ, cũng là buổi đầu tiên làm cỗ cúng 3 ngày tết, vì vậy mọi nguyên liệu, thực phẩm phải được mua sắm, chuẩn bị đủ đầy, trong đó không thể thiếu thịt lợn.

Ngày mổ lợn, trong lúc người lớn tất bật lo toan nhiều công việc "trọng đại" thì đám trẻ con chúng tôi được phân công đun nước sôi để làm lông, rồi lo cắt những tàu lá chuối trải ra sân gạch làm chỗ ngả thịt, chia phần... Thời khắc từng phần thịt của con lợn được xẻ ra chia đều cho các hộ ăn đụng là lúc bọn trẻ con ngóng nhất, chộn rộn nhất, bởi đứa nào đứa nấy đều chỉ muốn thịt được chia nhanh để mang về nấu cỗ. Tôi còn nhớ, hồi đó vì nhà tôi đảm nhận việc nuôi lợn nên bao giờ đụng lợn, nhà tôi cũng nhận được phần hơn so với những hộ ăn đụng, đó là hai lá mỡ, và cái đuôi. Cái đuôi được mấy anh em tôi luộc chín ăn liền, còn số mỡ mẹ tôi đem rán, để dành để ăn dần thời gian sau Tết...

Năm nay về nhà đón Tết, tôi lại được hòa mình vào không khí rộn rã của làng quê như thuở ấu thơ ngày trước, lại được nghe tiếng lợn kêu eng éc, hồi tưởng những ký ức về cảnh đụng lợn của những ngày ấu thơ tưởng như chỉ còn trong hoài niệm. Chợt nghĩ, vào dịp tết ở quê, ngày nay tục đụng lợn được khôi phục và phát triển rộng rãi, sẽ mang thêm niềm vui cho mọi người mọi nhà…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết xưa 'đụng lợn' thật vui