Ngành ngân hàng nước ta năm qua được đánh giá có nhiều tiến bộ. Nhìn lại một năm của ngành và đưa ra bài toán phát triển trong năm 2016, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm đã có những chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.

Thách thức đã quá rõ, còn cơ hội mới chỉ là… cơ hội

Một Thế Giới | 02/01/2016, 17:06

Ngành ngân hàng nước ta năm qua được đánh giá có nhiều tiến bộ. Nhìn lại một năm của ngành và đưa ra bài toán phát triển trong năm 2016, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm đã có những chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.

Nhiều điểm sáng
-Năm qua, ngành ngân hàng được cho là có nhiều thành công. Theo ông, những điểm sáng của ngành ngân hàng năm qua là gì?

-Ông Cao Sĩ Kiêm: Một trong những nhiệm vụ của ngành năm 2015 là sắp xếp lại hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp và đầu tư công. Trong 3 nhiệm vụ chính này thì công tác sắp xếp lại hệ thống ngân hàng là có tiến bộ nhất, trội hơn.

Theo đề án của Chính phủ, việc sắp xếp ngân hàng nhằm giải quyết những ngân hàng yếu kém, khó có khả năng thanh toán và có khả năng mất vốn nhiều, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống để tránh đổ vỡ.

Năm 2015 đã gần như giải quyết cơ bản xong các ngân hàng yếu kém, mất khả năng thanh toán bằng các hình thức sáp nhập, tăng vốn, cho liên doanh, cổ phần, mua 0 đồng…, tránh được việc đổ vỡ hệ thống ngân hàng.

Chúng ta cũng giải quyết nợ xấu một cách tốt hơn. Các ngân hàng thương mại đã trích dự phòng rủi ro và toàn bộ nợ xấu đã được thu  gom cho các công ty mua bán nợ. Nếu nợ nào có tài sản đảm bảo, có khả năng xử lý để bán lại thì chúng ta cũng đã xử lý được.

Tuy nhiên, việc trích dự phòng rủi ro chúng ta làm tốt hơn, mạnh dạn hơn, còn riêng việc mua bán nợ xấu mới chỉ dồn lại ở công ty mua bán nợ là chính. Còn tắc nghẽn ở vấn đề pháp lý,  môi trường kinh doanh…

Chúng ta cũng xử lý được những vụ việc điển hình, xử lý hàng loạt cán bộ ngân hàng do liên quan đến việc làm mất vốn, tham ô, trục lợi trong hệ thống ngân hàng.

Chính sách tiền tệ cũng có được nhiều mặt tiến bộ. Tỷ giá được giữ ổn định hơn, giảm được lãi suất, tạo thành tiền lệ tốt để chúng ta đi vào kinh tế thị trường một cách thuận lợi hơn, chất lượng tín dụng được nâng cao hơn.

Ngành ngân hàng cũng đã có những chiến lược dài hơi hơn, thúc đẩy việc cổ phần hóa, thay đổi mô hình kinh tế tốt hơn, công nghệ ngành ngân hàng tăng lên, các dịch vụ tiện ích cũng được phát triển mạnh mẽ… Những nút thắt của nền kinh tế như vàng, lãi suất, ngoại tệ, cho vay đã được giải quyết gọn gàng hơn.

Các quỹ tín dụng nhân dân cũng được củng cố mạng lưới, thay đổi được các mô hình kinh doanh. Từ các quỹ của địa phương chuyển thành ngân hàng hợp tác, tăng điều kiện để phục vụ cho khu vực nông thôn. Các ngân hàng hợp tác đã kết hợp với các ngân hàng nhà nước, cung ứng vốn cho các dự án nông thôn mới – một chủ trương lớn của chúng ta. Chính sách tiền tệ điều hành theo hướng thị trường và khá linh  hoạt.

-Ông có nói đến những vướng mắc trong việc mua bán nợ xấu. Xin ông nói rõ những vướng mắc này? 

-Ông Cao Sĩ Kiêm: Thứ nhất là môi trường pháp lý chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, nhất là tài sản thế chấp và tranh chấp trong sở hữu và sử dụng tài sản nên các cơ quan pháp lý khó thực hiện, không kết luận được và giá cũng chưa được tính toán rõ ràng.

Thứ hai, về mặt vốn, để mua lại nợ xấu thì cần nguồn vốn rất lớn, có thể phải huy động cả nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước thì do một thời gian dài, sức khỏe của doanh nghiệp yếu nên sức đầu tư bị hạn chế.

Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ có tiềm lực mạnh nhưng khó vào vì môi trường pháp lý của nước ta chưa rõ ràng và thuận lợi cho họ. Ví dụ như đất mà chưa có sổ đỏ là họ không mua, tài sản thế chấp còn đang tranh chấp thì họ cũng không mua…

-Bên cạnh những điểm sáng, đâu là những tồn tại của ngành ngân hàng năm qua, thưa ông? 

-Ông Cao Sĩ Kiêm: Chúng ta mới hoàn thành được bước một của việc sắp xếp và ổn định hệ thống ngân hàng, mới xử lý được một phần các yếu kém. Đó mới chỉ là phần “đuôi”, cái chính vẫn là nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng nói chung, kể cả trong công nghệ, chất lượng tín dụng, phương tiện thanh toán, dịch vụ tiện ích… Những vấn đề này chúng ta làm chưa đều, chưa rõ, chưa thuận tiện cho người dân.

Về vốn, vốn dài hạn còn quá ít, vốn ngắn hạn một phần doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, một phần do cách hoạt động của ngân hàng khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận. Trong khi vốn dài hạn khó khăn nhưng việc hỗ trợ từ các thị trường khác như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… cũng chưa được nhịp nhàng, chặt chẽ. 

Điều này cũng khiến khả năng đáp ứng vốn của ngân hàng hạn chế, bởi vì bản thân ngân hàng chỉ phục vụ lưu động thôi, việc phục vụ vốn dài hạn phải do thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm… cung cấp vốn cho ngân hàng.

Khâu thủ tục, chất lượng hoạt động của ngân hàng chưa cao, nợ xấu tăng lên quá nhanh. Sự phối hợp giữa các ngân hàng, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa giữa các ngành chức năng trong việc đảm bảo huy động vốn chưa phù hợp với nhau. Lãi suất mỗi nơi tính mỗi kiểu nên phá vỡ mặt bằng chung. Đôi khi, chúng ta sử dụng vốn dài hạn từ ngân sách nhiều quá.

Vi phạm đạo đức của cán bộ ngân hàng tăng lên, nặng nề hơn và các vụ án cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Khoảng cách giữa ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng trên thế giới bị kéo xa ra. Đây là những yếu kém của ngân hàng Việt Nam trong năm 2015 cũng như những năm trở về trước.
Thách thức đã hiện hữu, cơ hội còn ở dạng tiềm năng

-Ông có dự đoán gì về ngành ngân hàng cũng như kinh tế nói chung trong năm 2016? Đâu là thuận lợi và khó khăn, thưa ông? 

-Ông Cao Sĩ Kiêm: Năm 2016 tình hình sẽ khó khăn hơn năm 2015, nhất là hệ thống tài chính - ngân hàng. Nguyên nhân là áp lực của kinh tế thế giới, nhất là việc phát triển không đồng đều, có diễn biến phức tạp giữa các hệ thống tài chính, tiền tệ thế giới. Điều này làm cho tình hình kinh tế có những diễn biến phức tạp.

Ví dụ như Fed (Mỹ)  tăng lãi suất sẽ đẩy dòng vốn về Mỹ nhiều hơn, giá trị đồng đô la Mỹ tăng lên sẽ hút thị trường khác, nhất là các thị trường yếu hơn, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ chi phối đến xuất nhập khẩu, lãi suất, tỷ giá… của Việt Nam bởi đồng tiền Việt Nam neo chặt vào đồng tiền USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng giá đồng nhân dân tệ nên cũng có tác động không nhỏ đến Việt Nam vì Việt Nam nhập siêu quá nhiều từ quốc gia này. Vì thế, kinh tế thế giới có biến động thì buộc chúng ta phải điều chỉnh ngay.

Còn nội tại, những vấn đề đáng lo ngại như năng suất thấp, chất lượng, nguồn lực, khoa học kỹ thuật, quản lý, tham ô, trách nhiệm làm việc cũng tạo nên những sức ép. Lãi suất tiền vay sẽ tăng lên, tiền gửi sẽ hạ nên các doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc vay vốn, các ngân hàng cũng khó khăn trong việc huy động vốn khi lãi tiền vay giảm xuống.

Giá trị đồng tiền biến đổi, phụ thuộc vào đô la Mỹ và nhân dân tệ nên giá trị đồng tiền giảm đi. Việc đòi hỏi lãi suất giảm trong năm tới là không được. Lạm phát năm nay 0,63% nhưng sang năm tới sẽ từ 4-5%, các dòng thuế sẽ giảm nên các yếu tố thuận lợi trong sản xuất đang không có nhiều.

Các cơ hội của 2016 cũng có nhiều, đó là chúng ta tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với thế giới, có được thị trường rộng lớn, người tiêu dùng cao, nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ. Những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp sẽ đi đến khắp thế giới và đây là thế mạnh của chúng ta bởi những sản phẩm nhiệt đới không nhiều nước có. Cánh cửa hội nhập mở ra, chúng ta có nhiều điều kiện cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và thông qua quá trình cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp sẽ được thanh lọc và lớn mạnh dần lên.

-Có vẻ những thách thức là hiện hữu, đã xảy ra còn cơ hội đang ở dạng tiềm năng và không dễ tận dụng? 

-Ông Cao Sĩ Kiêm: Đúng vậy! Có cơ hội nhưng việc có tận dụng được cơ hội hay không lại là vấn đề khác. Ví dụ như mở cửa thị trường thì xuất khẩu có cơ hội để tăng, nhưng vấn đề là chúng ta có thể nâng cao sản xuất, làm ra được nhiều sản phẩm chất lượng để mà tăng xuất khẩu hay không lại là vấn đề khác. Nếu cứ giá cao, chất lượng không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu của đối tác thì chúng ta cũng không có được cơ hội vào thị trường của họ.

Cơ hội là lý thuyết, là tiềm năng, muốn tận dụng được cần phải có được lộ trình hợp lý. Thách thức thì đã đến nơi và hiện hữu ngay rồi, như năng suất thấp, chất lượng lao động, tham nhũng, lãng phí, cạnh tranh yếu… Qua 30 năm đổi mới, chúng ta chỉ chú trọng phát triển kinh tế, trải thảm gọi đầu tư nhưng lại không chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, đổi mới thể chế, luật pháp để giải phóng sức cạnh tranh.

Kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Cơ hội có, thách thức có, có tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức được hay không lại phụ thuộc vào tư duy và phương cách quản lý, liệu có khắc phục được những yếu kém hay không.

-Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (thực hiện)

Bài liên quan
Chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng 0 đồng: Bước đầu thuận lợi cho chặng đường tiếp theo
Việc chuyển giao bắt buộc với GPBank và DongA Bank đã đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi cho các ngân hàng, tạo cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại, đóng góp vào sự an toàn và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức đã quá rõ, còn cơ hội mới chỉ là… cơ hội