Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho rằng, khi tham gia CPTPP, việc sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với cam kết là việc không hề dễ dàng, cần cả tài và tâm của người làm chính sách.

Tham gia CPTPP: Minh bạch là cách thức quan trọng để cải cách thể chế

05/02/2019, 11:38

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho rằng, khi tham gia CPTPP, việc sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với cam kết là việc không hề dễ dàng, cần cả tài và tâm của người làm chính sách.

CPTPP đã chính thức có hiệu lực - Ảnh: Internet

Cần sớm sửa những quy định về chống tham nhũng, lao động…

Bà Trang cho hay, việc tham gia CPTPP không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực pháp luật nội địa liên quan tới các khía cạnh có cam kết đều sẽ phải sửa đổi.

Có những cam kết dù khác biệt với pháp luật nội địa nhưng chỉ dành cho các đối tác CPTPP, đủ rõ đủ chi tiết và được Quốc hội quyết định áp dụng trực tiếp, do đó không đòi hỏi sửa pháp luật nội địa. Trong khi đó, có những cam kết có lộ trình, Việt Nam chỉ phải thực hiện sau một vài năm (khi kết thúc lộ trình cụ thể).

Do đó, theo bà Trang, trước mắt cần phải sửa đổi một số các quy định trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật lao động, an toàn thực phẩm…

Bà Trang đánh giá, quá trình sửa đổi pháp luật lúc này không chỉ đơn thuần là việc đưa cam kết CPTPP vào thành quy định pháp luật nội địa, mà còn là quá trình phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả dĩ, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất với chúng ta.

“Đây là công việc không dễ dàng, đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn mà còn cả cái tâm của người hoạch định chính sách, cũng cần thiết sự chủ động tham gia ý kiến của các chủ thể chịu tác động như các doanh nghiệp, người dân…”, bà Trang nói.

CPTPP không có cam kết minh bạch chung chung

Cũng theo chuyên gia này, tham gia CPTPP sẽ không có cam kết minh bạch chung chung, mà là những cam kết về các nghĩa vụ minh bạch cụ thể trong từng khía cạnh.

Ví dụ trong chương về doanh nghiệp Nhà nước, yêu cầu minh bạch thể hiện qua cam kết về việc công khai danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện điều chỉnh của CPTPP.

Minh bạch trong mua sắm công thể hiện qua các yêu cầu về cách thức, thời gian, hồ sơ, quyền được phản hồi/khiếu nại… trong quá trình đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi CPTPP đề cập… Nghĩa vụ minh bạch cũng có trong nhiều nội dung khác của CPTPP như hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, cạnh tranh…

“Chúng ta cần nhìn minh bạch như là một cách thức quan trọng để cải cách thể chế nói chung, không chỉ nhằm tuân thủ CPTPP mà để gia tăng hiệu quả của bộ máy thể chế”, bà Trang nói.

Bà Trang cho rằng giải pháp để minh bạch hóa không khó, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, công nghiệp 4.0 như hiện nay. Cái khó là làm sao để vượt qua được thói quen cũ của bộ máy, vượt qua được những sự phản kháng của những chủ thể cục bộ vốn được lợi từ sự thiếu minh bạch. Minh bạch hóa cần một sự thực tâm. Minh bạch hóa cần sự triển khai đồng bộ, triệt để và toàn diện.

Nâng cao khả năng ứng phó trước các vụ kiện quốc tế

Liên quan đến vấn đề tranh chấp quốc tế khi CPTPP có hiệu lực, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, CPTPP có một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng trọng tài quốc tế rất đặc thù, với nhiều quy định rằng buộc liên quan tới quyền khởi kiện, phạm vi khởi kiện cũng như các trình tự thủ tục bắt buộc tuân thủ.

Do đó, nếu trong quá trình thực thi CPTPP xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế thuộc diện điều chỉnh, việc giải quyết tranh chấp đó sẽ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của CPTPP.

“Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng theo cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của CPTPP không có vai trò của cơ quan tài phán trong nước, bởi việc xét xử được thực hiện bởi trọng tài quốc tế độc lập theo các quy tắc của CPTPP chứ không phải tòa án hay cơ quan hành chính trong nước”, bà Trang nói.

Do đó, bà cho rằng nếu xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế theo CPTPP, vấn đề quan trọng là không phải là năng lực của cơ quan tài phán Việt Nam, mà là khả năng chuyên môn của các cơ quan Nhà nước, đại diện Chính phủ Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đó trước trọng tài quốc tế.

Bà Trang cho biết, hiện tại, đã có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Vấn đề còn lại là làm thế nào để cơ chế này vận hành hiệu quả, để các cơ quan tham gia đều phát huy tối đa trách nhiệm và năng lực của mình, qua đó đạt được kết quả ít thiệt hại nhất của Chính phủ trong các vụ kiện này.

CPTPP kỳ vọng tạo ra lợi ích lớn cho các quốc gia thành viên

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký vào rạng sáng 9.3 (giờ Hà Nội) tại thủ đô Santiago de Chile của Chile.

CPTPP có hiệu lực từ ngày 30.12.2018. Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỉ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham gia CPTPP: Minh bạch là cách thức quan trọng để cải cách thể chế