“Chính Chính phủ của chúng tôi, chính các công ty của chúng tôi, chính các nhà máy của chúng tôi đã sản xuất ra các vũ khí chiến tranh, chính quân đội của chúng tôi đã ném bom và rải chất độc hóa học lên đất nước và con người các bạn, những ảnh hưởng đó sẽ còn tồn tại ở nhiều thế hệ” – bà Susan Schnall, Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình thành phố New York nhấn mạnh.

Thảm họa da cam Việt Nam: Mỹ gây ra, Mỹ phải có trách nhiệm

Trí Lâm | 11/08/2016, 04:56

“Chính Chính phủ của chúng tôi, chính các công ty của chúng tôi, chính các nhà máy của chúng tôi đã sản xuất ra các vũ khí chiến tranh, chính quân đội của chúng tôi đã ném bom và rải chất độc hóa học lên đất nước và con người các bạn, những ảnh hưởng đó sẽ còn tồn tại ở nhiều thế hệ” – bà Susan Schnall, Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình thành phố New York nhấn mạnh.

4,8 triệu người phơi nhiễm Đioxin

Ngay trong phần mở đầu bài phát biểu tại buổi mít tinh kỷniệm 55 năm thảm họa da cam Việt Nam diễn ra ngày 10.8, Thiếu tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam (VAVA) đã nhấn mạnh: “Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn dai dẳng và hiện đã di truyền sang thế hệ thứ tư.

Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Rinh, ngày 10.8.1961, Mỹ đã rải “chất diệt cỏ”, “chất khai quang” lần đầu tiên, mở màn cho cuộc chiến tranh hóa học quy mô lớn, dài ngày trên đất nước Việt Nam, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất độc da cam, làm cho 4,8 triệu người Việt bị phơi nhiễm. Mắc chất độc này, con người bị tước đi những quyền cơ bản nhất, đó là quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhiều trẻ em dị dạng, mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ bị tước đi quyền làm mẹ…

Là một trong hàng triệu nạn nhân, bà Phạm Thị Nhí, 50 tuổi, quê Tam Lộc, Tam Kỳ, Quảng Nam đã khắc khoải sống cùng chất độc da cam cả nửa thế kỷnay. Từ khi sinh ra, bà đã bị liệt nửa người, vẹo cột sống. Vì thế, bao nhiêu năm bà Nhí lớn lên trong mặc cảm, tự ti.

“Ước mơ giản đơn của tôi là được chạy nhảy, vui đùa như các bạn, được trở thành cô giáo, có một mái ấm bình dị và những đứa con khỏe manh…Tuy nhiên, ước mơ cũng chỉ là mơ ước, những điều đó không bao giờ trở thành sự thật. Tôi đã khóc rất nhiều, có nhiều lúc muốn buông xuôi, mặc cho số phận” – bà Nhí nghẹn ngào.

Bà Phạm Thị Nhí (Quảng Nam) - ảnh: báo Phụ nữ Việt Nam

Theo bà Nhí, chiến tranh đã qua từ lâu nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó và không biết đến khi nào mới có điểm dừng. Do đó, những nạn nhân da cam rất cần sự đồng cảm và chia sẻ của các tấm lòng.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ, để con cháu những người không may vướng vào chất độc da cam được tiếp sức đến trường, để không còn những bước đi khập khiễng nơi gầm cầu, đầu đường xó chợ, nhọc nhằn kiếm sống; để không còn những ánh mắt tuyệt vọng, những giọt nước mắt lăn dài khi đi tìm một việc làm nuôi sống bản thân…” – bà Nhí nói.

Từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam trong biên chế quân đội Mỹ, bà Susan Schnall cũng không cầm được nước mắt khi chứng kiến những di chứng khủng khiếp mà thảm họa da cam đem đến.

Nhiều năm nay, với vai trò Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình thành phố New York đồng thời là thành viên ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Chống chiến tranh Việt Nam, bà đã nỗ lực đồng hành cùng những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam lên tiếng đòi sự công bằng.

Bà Susan Schnall cho hay, chiến tranh đã lùi xa, nhưng di sản của cuộc chiến đó vẫn tiếp tục với sự ra đời của các em bé bị dị tật bẩm sinh nặng nề do tác hạichất độc da cam hơn 55 năm trước đây.

“Những em bé này chưa bao giờ tình nguyện vào quân đội, chưa bao giờ cầm súng hoặc thả một quả bom, chúng chỉ có những cha mẹ sống ở Việt Nam và do đó trở thành mục tiêu của chất diệt cỏ hóa học” – bà Susan nói.

Nói nhiều hơn về trẻ em, bà Susan cho rằng, trong mỗi quốc gia, trong mọi nền văn hóa, trẻ em chính là tương lai. Con cái sinh ra là để được yêu thương, quý mến và chăm sóc. Là người lớn, chúng ta xem trách nhiệm đó là việc phải làm trong đời.

“Chúng ta phải bảo vệ con trẻ, nhưng làm thế nào chúng ta có thể ngăn ngừa những tổn thương do một kẻ thù vô hình gây ra? Có một cái gì đó chúng ta mang trong cơ thể đã lây truyền sang chúng một cách vô tình?” – bà Susan nêu những câu hỏi đầy nhức nhối.

Mỹ phải chịu trách nhiệm

Theo tướng Rinh, cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và dư luận Mỹ, buộc Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Phạm Thị Nhí cũng cho rằng, tất cả nạn nhân da cam đều có tâm niệm chung là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phía Mỹ quên đi trách nhiệm khi họ đã dùng chất độc hóa học gây ra thảm họa kinh hoàng cho dân tộc Việt Nam.

“Chúng tôi muốn có sự phán xét công bằng, công minh của công lý, của lương tri và lẽ phải, ngõ hầu trả lại sự thanh thản cho những kiếp người đã phải chết tức tưởi, những thân phận đang bị dày vò, sống dở chết dở vì hậu quả chất độc da cam” – bà Nhí nhấn mạnh.

Bà Nhí cũng cho biết rằng: “Chúng tôi thiết tha yêu hòa bình, mong muốn được mãi hòa bình để xây dựng đất nước, muốn thế giới có quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển, mọi người đều bình đẳng, thân thiện với nhau”.

Theo bà Susan Schnall, Việt Nam là cuộc chiến của bà, trong thâm tâm bà luôn nghĩ rằng, Chính phủ Mỹ đã đưa những chàng trai của đất nước đến chỗ chết và hủy diệt người khác ở một đất nước cách nước Mỹ hơn 8000 dặm. Đó là cuộc chiến mà bản thân bà với tư cách là thành viên của quân đôi Mỹ phải chịu trách nhiệm.

Bà Susan Schnall, Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình thành phố New York

“Chính Chính phủ của chúng tôi, chính cáccông ty của chúng tôi, chính các nhà máy của chúng tôi đã sản xuất ra các vũ khí chiến tranh. Chính quân đội của chúng tôi đã ném bom và rải chất độc hóa học lên đất nước và con người các bạn, những ảnh hưởng đó sẽ còn tồn tại ở nhiều thế hệ” – bà Susan bộc bạch.

Do đó, bà Susan cũng thẳng thắn rằng: “Tôi đứng trước các bạn hôm nay với tư cách một cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam để thừa nhận và chịu trách nhiệm cho Chính phủ tôi đã sử dụng chất độc hóa học đối với đất đai và con người các bạn. Việc dùng chất độc này đã bị toàn thể cộng đồng quốc tế coi là vi phạm luật pháp quốc tế và tôi ác chiến tranh”.

Bà Susan cũng cho biết, nhiều cựu binh Mỹ rất hối hận và cầu mong sự tha thứ. Bà Susan sẽ cam kết hành động cùng Việt Nam khắc phục hậu quả lâu dài của cuộc chiến này, làm sạch các vùng đất ô nhiễm và chữa lành vết thương cho con người.

“Mỹ và Việt Nam đã hòa giải và xây dựng các Hiệp định thương mại. Nhưng, chúng tôi, những người cựu binh Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm” – bà Susan nhấn mạnh.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảm họa da cam Việt Nam: Mỹ gây ra, Mỹ phải có trách nhiệm