Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên Thẩm phán TAND tối cao, bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Chiêm là chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án gây oan khiên kéo dài 10 năm cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trong khi những nhà hoạch định luật pháp đang mải mê tranh cãi về "quyền im lặng” của bị can, bị cáo trong điều tra xét xử thì các vụ án oan sai do bị bức cung, nhục hình ngày một nhiều.
Luật sư Trần Quang Thắng |
Các cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân dẫn đến oan sai là do thẩm phán Chiêm đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra tài liệu đánh giá chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định và đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định gần đúng với dấu hết bàn chân thu thập được tại hiện trường làm chứng cứ quy kết ông Chấn tội giết người.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của một người hành luật, nếu không phải là ông Chiêm mà là thẩm phán khác, cũng rất khó tuyên một bản án khác đi. Vì đối với vụ án này và nhiều những vụ án khác, hồ sơ do Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát chuyển sang Tòa án là hồ sơ hoàn toàn sạch.
Thậm chí là hồ sơ “hoàn hảo” với lời khai bị can rạch ròi (thực chất có khi là bị bức cung), thực nghiệm hiện trường trùng khớp (do cơ quan điều tra tự sắp đặt)...
Nên nhớ, vụ án đã qua một phiên sơ thẩm. Và ông Chiêm, một người hoàn toàn không có khả năng giám sát hoặc xác minh tính trung thực của kết luận điều tra và cáo trạng, chỉ có thể làm một việc “an toàn” là tuyên y án sơ thẩm.
Nói một cách khác, ông Chiêm ở thế bị động và vô tình trở thành mắt xích cuối cùng trong quá trình quy kết tội trạng, gây oan khiên cho một người vô tội...
Vấn đề là sau vụ việc ông Chiêm, hẳn những người đồng nhiệm đang tại vị nảy sinh tâm lý “nhát tay”, sẽ “tăng cường” trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điều đó sẽ dẫn đến án tồn, án kéo dài.
Vấn đề chính là những cáo trạng ấy, những kết luận điều tra ấy có minh bạch hay không? Bị can, bị cáo có bị bức cung, nhục hình, oan sai, sai lệch hồ sơ hay không thì cấp tòa án khó có thể biết được?
Tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao năng lực của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát như lâu nay vẫn thực hiện chỉ là việc mang tính thủ tục chiếu lệ, chưa phải giải pháp. Sẽ vẫn còn những ông Chấn khác. Tất nhiên, hệ quả của nó là sẽ có thêm những ông Chiêm khác.
Vậy giải pháp nằm ở đâu? Thực tiễn các nền pháp luật tiến bộ trả lời rằng nó nằm ở việc luật hóa “Quyền im lặng của bị can, bị cáo”. Quyền im lặng của bị can, bị cáo đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu, là sản phẩm của nền tư pháp tiên tiến.
Ở ta, chỉ có điều luật rất chung chung quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Có thể hiểu nôm na là bị can, bị cáo có quyền im lặng trong khâu chứng minh mình vô tội.
Song luật không đề cập rõ “bị can, bị cáo có quyền im lặng khi bị hỏi cung, đứng trước tòa… hay không? Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, nếu bị can, bị cáo “im lặng” theo đúng nghĩa đen thì nhiều khả năng bị can, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Điều quan trọng nhất, quyền im lặng của bị can, bị cáo bảo đảm nguyên tắc người bị buộc tội có quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa kể từ khi bị tạm giữ cho đến khi ra xét xử.
Một khi tuân thủ quy định này thì cơ quan điều tra chỉ được lấy cung bị can khi có sự chứng kiến của luật sư hoặc người đại diện pháp lý. Điều này hạn chế tối đa việc sử dụng nhục hình, ép cung. Bảo đảm sự minh bạch, công khai trong điều tra xét xử.
Nếu có quyền im lặng, ông Chấn có lẽ đã không bị dùng nhục hình, bức cung buộc phải nhận tội mình không gây ra. Ông đã không có một phần đời oan khiên đau đớn. Dĩ nhiên, không có ông Chấn oan sai thì không có ông Chiêm bị khởi tố.
Luật sư Trần Quang Thắng (Giám đốc Công ty luật Quốc tế và Cộng sự)