Mỹ - Hàn vừa ký thỏa thuận hợp tác về vắc xin nhân dịp hai Tổng thống gặp gỡ, mở đường cho tham vọng trở thành trung tâm vắc xin toàn cầu của quốc gia Đông Bắc Á.

Tham vọng trở thành trung tâm vắc xin toàn cầu của Hàn Quốc gặp khó

Cẩm Bình | 27/05/2021, 10:50

Mỹ - Hàn vừa ký thỏa thuận hợp tác về vắc xin nhân dịp hai Tổng thống gặp gỡ, mở đường cho tham vọng trở thành trung tâm vắc xin toàn cầu của quốc gia Đông Bắc Á.

Nhưng tham vọng trên phải đối mặt với không ít vấn đề, trước hết là khó khăn trong đảm bảo nguồn dự trữ trong nước vì tình trạng thiếu hụt quy mô toàn cầu.

Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11, trên lý thuyết họ có đủ vắc xin cho gần gấp đôi dân số (52 triệu người). Chiến dịch chủng ngừa rộng rãi bắt đầu từ ngày 26.2.

yq-skvaccine-26052021.jpg
Chiến dịch chủng ngừa tại Hàn Quốc diễn ra chậm chạp - Ảnh: Straits Times

Vậy mà tính đến ngày 25.5, chỉ 3,8% dân số tiêm đủ 2 liều và 7,7% dân số tiêm 1 liều. Việc thuyết phục Mỹ chuyển số vắc xin dư thừa cho Hàn Quốc đổi lấy những thứ Seoul có thể cung cấp chẳng hề được nhắc đến khi Tổng thống Moon Jae-in gặp Tổng thống Joe Biden, giới phân tích cho biết.

Nhà nghiên cứu Bong Young-shik thuộc đại học Yonsei lưu ý rằng Tổng thống Biden thậm chí chỉ cam kết cung cấp đủ vắc xin cho 550.000 quân nhân Hàn Quốc làm việc cùng quân đội Mỹ chứ không phải cho toàn bộ dân.

“Lúc công du Washington, Thủ tướng Yoshihide Suga lấy được vắc xin của Pfizer đủ để tiêm đầy đủ cho nhóm dân số từ 16 tuổi trở lên trước tháng 9 – một thu hoạch lớn. Còn Tổng thống Moon chỉ lấy vắc xin cho quân đội”, nhà nghiên cứu Bong chê trách.

Thỏa thuận hợp tác về vắc xin ký giữa Moderna với Samsung Biologics cũng khiến tham vọng của Hàn Quốc bị nghi ngờ. Theo thỏa thuận thì Samsung Biologics - một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới - chỉ phụ trách khâu hoàn thiện, nghĩa là vắc xin COVID-19 dùng công nghệ RNA thông tin (mRNA) không sản xuất ở Hàn Quốc mà chỉ được chuyển từ Mỹ sang Hàn Quốc đóng gói và phân phối.

Tuyên bố chung của 2 công ty nói rõ nhà máy ở Incheon (thuộc sở hữu Samsung Biologics) sẽ là nơi hoàn thiện, dán nhãn, đóng chai vô trùng hàng trăm triệu liều vắc xin của Moderna phục vụ thị trường bên ngoài nước Mỹ kể từ quý 3.2021. Theo nhà nghiên cứu Bong, điều này có nghĩa Samsung Biologics chỉ đóng vai trò dây chuyền gia công và không hề được chuyển giao công nghệ gốc, không thể kiểm soát được sản phẩm sẽ xuất đi đâu.

nz_skvax_210475.jpg
Samsung Biologics trước mắt chỉ phụ trách khâu hoàn thiện sản phẩm cho Moderna - Ảnh: Straits Times

Tờ JoongAng Ilbo hôm 25.5 cũng nhận xét chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy tham vọng trở thành trung tâm vắc xin toàn cầu bằng cách “lấy gà không lấy trứng”.

“Điều duy nhất được xác nhận là Samsung Biologics sẽ chỉ nhận vắc xin rồi đóng chai chúng. Các khâu khác vẫn chỉ nằm trên văn bản ghi nhớ (MOU). MOU rất dễ bị hủy bỏ”, theo JoongAng Ilbo.

Hàn Quốc hiện đang sản xuất vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, Novavax cũng như vắc xin Nga Sputnik V – cả 3 loại đều không sử dụng công nghệ mRNA. Ngoài ra còn có 5 công ty nội địa đang ráo riết thử nghiệm vắc xin tự chế tạo.

Tiến sĩ Jerome Kim thuộc Viện nghiên cứu Vắc xin quốc tế đánh giá Hàn Quốc có ngành công nghệ sinh học phát triển năng động và có kinh nghiệm sản xuất kháng thể đơn dòng. Dù Samsung Biologics chỉ phụ trách khâu hoàn thiện, nhưng điều này cũng góp phần giải quyết nút thắt trong nguồn cung trong nước.

“Còn chuyện sản xuất dược chất (như SK Bioscience bắt tay cùng AstraZeneca) lẫn vắc xin cần tiến hành đàm phán sâu rộng hơn”, tiến sĩ Kim cho biết.

COVID-19 làm phơi bày điểm yếu về sản xuất vắc xin của châu Á. Các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương hiện rất khó mua được vắc xin COVID-19 của Moderna hay Pfizer do cung không đủ cầu, trong khi phương Tây tìm cách tích trữ bằng cách hạn chế xuất khẩu vắc xin sản xuất tại nước họ. Nhận thấy tầm quan trọng của tự chủ nguồn cung, chính phủ Úc, Hàn Quốc, Singapore đều chạy đua xây dựng cơ sở sản xuất.

Bài liên quan
Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)
Ngày 24.4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vọng trở thành trung tâm vắc xin toàn cầu của Hàn Quốc gặp khó