World Wide Web giống như một lãnh thổ mới, rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, và bất kỳ ai xác lập được trật tự cho nó sẽ có quyền chiếm giữ.

'Thần thánh' giữa người phàm

H.V | 25/03/2023, 11:13

World Wide Web giống như một lãnh thổ mới, rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, và bất kỳ ai xác lập được trật tự cho nó sẽ có quyền chiếm giữ.

“Thà xin lỗi còn hơn xin phép”

Brin và Page từng tham gia một nhóm về tương tác con người - máy tính, sau này phát triển thành Phòng nghiên cứu Công nghệ thuyết phục. Nghiên cứu của họ chủ yếu xoay quanh việc tìm cách tận dụng không gian ảo khổng lồ và sơ khai đang bắt đầu được mọi người biết đến với cái tên World wide web (www). Vào thời điểm đó, việc “tìm kiếm” trên www giống như tìm cây kim trong đống rơm, chỉ có điều cây kim không phải là cây kim mà là một sợi rơm giữa hàng tỉ sợi rơm khác.

May mắn thay, nhờ kỹ sư thiên tài người Anh Tim Berners-Lee nên mỗi sợi rơm trên web đều mang một địa chỉ riêng (URL), và hầu hết đều liên kết với một sợi rơm khác bằng hyperlink. Mặc dù vậy, www chứa đến hàng tỉ sợi rơm và cứ mỗi giây lại có thêm nhiều sợi rơm khác xuất hiện. Page và Brin có thể hệ thống không gian mạng như thế nào để mọi người tìm được sợi rơm họ cần?

Theo Larry Page, bài viết đáng xem nhất về một chủ đề nghiên cứu không phải là những bài chỉ liên tục lặp lại một thuật ngữ hay một cái tên, mà là bài thường xuyên được những bài viết khác trích dẫn. Trong thế giới web, các trích dẫn tương đương với hyperlink, và điều này có nghĩa là bộ máy tìm kiếm của Page và Brin sẽ cần một phương pháp để thống kê các hyperlink. Vì vậy, hai người đã phát triển BackRub, một chương trình lần theo các đường link dẫn tới những tài liệu khác.

dung-tro-nen-xau-xa-quote-3a.jpg

Về cơ bản, BackRub gửi đi hàng triệu sứ giả điện tử siêu nhỏ được gọi là bọ tìm kiếm (bot). Những con bọ này sẽ “bò” khắp các trang mạng để tiếp cận nhiều tài liệu nhất có thể, gắn thẻ mỗi tài liệu bằng một đoạn mã (code) mà chỉ BackRub mới đọc được và thống kê tất cả các liên kết ngược (back link) của tài liệu đó. Bản tóm tắt kết quả tìm kiếm được gọi là PageRank, có nghĩa là xếp hạng trang, đồng thời cũng là một kiểu chơi chữ thú vị sử dụng họ của Larry Page.

Những con bọ của họ tự do đi khắp không gian ảo, gắn thẻ, thống kê; và trong quá trình đó, chúng có thể đã xâm phạm bản quyền của những người tạo ra các nội dung được chúng lần theo. Hành vi xâm phạm này đã được Google thực hiện trên quy mô công nghiệp khi mua lại YouTube nhiều năm sau đó. Song đối với Page và Brin, không có gì bất chính trong việc này cả. Họ đơn giản là tìm cách nắm bắt những kiến ​​thức đang ẩn giấu trong kho lưu trữ máy tính trên cả nước Mỹ để mang lại lợi ích cho nhân loại. Đây là ví dụ đầu tiên về những gì mà sau này có thể được phân loại là hành vi trộm cắp hợp pháp.

Khi có người phàn nàn, Page lập tức tỏ vẻ khó hiểu. Tại sao người ta lại cảm thấy lo ngại vì một hoạt động rõ ràng là tốt như vậy? Page và Brin thấy họ không cần phải xin phép ai cả; họ cứ làm thôi. Lối tư duy này đã trở thành phong cách của Google. Như, Google không bao giờ hỏi ý kiến người dùng xem liệu Google Street View có thể chụp ảnh sân trước của họ rồi gán với địa chỉ thực tế để bán được nhiều quảng cáo hơn không. Họ nhất mực làm theo nguyên tắc bất thành văn “thà xin lỗi còn hơn xin phép”, dù sự thật là họ không xin lỗi mà cũng chẳng xin phép.

Kiểu hành xử lộng quyền đó của Google đến nay vẫn tồn tại, ngay cả khi công ty này đã vướng vào rất nhiều vụ việc trong những năm gần đây. Phần lớn cư dân Thung lũng Silicon đều có xu hướng tin rằng những ưu tiên của bản thân nên được đặt cao hơn sự riêng tư, quyền tự do dân sự và bảo mật thông tin của những người khác. Họ cho rằng Big Tech nên được tự do “phá vỡ” chính quyền, chính trị, xã hội và luật pháp, nếu những điều này cản trở sự phát triển.

Big Tech đứng trên cả quy định pháp luật

Các vị vua (và nhiều nữ hoàng) của Thung lũng Silicon tự cho mình là những nhà tiên tri, vì xét cho cùng thì công nghệ cũng là tương lai. Vấn đề là những người xây dựng tương lai này thường cảm thấy họ không có gì cần học hỏi từ quá khứ. Có lẽ đó là lý do vì sao ngay từ đầu, mọi luật lệ đều mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghệ hơn là những người tiêu dùng mà đáng lẽ chúng phải bảo vệ. Ví dụ đáng chú ý nhất về những điều luật đặc biệt ưu đãi Big Tech là “kim bài miễn tử” thuộc mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực truyền thông 1996 (Communications Decency Act – CDA). Theo đó, các công ty công nghệ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hầu như mọi loại nội dung hoặc hành vi bất hợp pháp của người dùng (và chỉ bị truy cứu nếu đó là vấn đề vi phạm bản quyền hoặc có liên quan đến tội phạm liên bang...).

Vào những ngày đầu internet được thương mại hóa giữa thập niên 1990, một trong những điệp khúc mà Thung lũng Silicon không ngừng nhắc lại chính là quan niệm rằng internet giống như quảng trường thành phố, một cầu nối cố định và trung lập cho ý tưởng cũng như hoạt động của mọi người. Tất nhiên, tình thế bây giờ đã khác. Hiện nay, Facebook, Google và nhiều công ty công nghệ hoàn toàn có thể (và thực tế là họ đang) giám sát gần như mọi thứ chúng ta làm trên mạng. Mặc dù vậy, họ vẫn muốn đi nước đôi và chối bỏ trách nhiệm khi trên nền tảng của họ xuất hiện những bài viết thù địch, tin giả hay quảng cáo nhằm mục đích chính trị. Rõ ràng họ chẳng gặp khó khăn gì trong việc theo dõi mọi sản phẩm chúng ta mua, mọi quảng cáo chúng ta nhấp vào và mọi bài báo chúng ta đọc.

dung-tro-nen-xau-xa-6a.jpg

Có những giai đoạn, các ông trùm công nghệ đã trở nên cứng rắn hơn trong vấn đề giám sát vì lý do PR: Facebook, Google, GoDaddy và PayPal từng có nhiều động thái như khóa hoặc cấm nội dung khiêu dâm, hạn chế quyền truy cập của các nhóm thù địch cánh hữu sau cuộc bạo loạn phân biệt chủng tộc ở Thành phố Charlottesville, bang Virginia. Nhưng giữa những huyên náo đó, một vấn đề quan trọng khác đã bị bỏ sót: các công ty này có động lực để cho phép hiển thị một nội dung, nếu đó là nội dung được nhiều người chú ý. Họ đồng thời cũng có khả năng chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ nội dung.

Giám đốc điều hành Matthew Prince của Cloudflare - một công ty cơ sở hạ tầng mạng, tóm tắt súc tích vấn đề: “Tôi thức dậy với tâm trạng tồi tệ và quyết định không cho phép một người nào đó hiện diện trên internet. Không ai nên có quyền lực đó”. Nhưng Big Tech thì có. Họ có chính xác quyền lực đó.

Sự trỗi dậy của Google, Facebook, Amazon cũng như những gã khổng lồ khác dường như đã đặt các nhà lãnh đạo của họ lên trên kỳ vọng, tiêu chuẩn đạo đức và cả những quy định pháp luật đang áp dụng cho các công dân bình thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Thần thánh' giữa người phàm