Lấy gì bảo đảm ĐH Fulbright VN đầu tư hết 70 triệu USD mà hoạt động không bị chậm lại hay rẽ sang hướng khác hoặc giống ĐH Việt-Đức sáp nhập vào ĐH Quốc gia TP.HCM?

Thành bại của ĐH Fulbright VN phụ thuộc vào tiền

Theo Pháp luật TP.HCM | 29/05/2016, 06:56

Lấy gì bảo đảm ĐH Fulbright VN đầu tư hết 70 triệu USD mà hoạt động không bị chậm lại hay rẽ sang hướng khác hoặc giống ĐH Việt-Đức sáp nhập vào ĐH Quốc gia TP.HCM?

Sự kiện ĐH Fulbright VN (FUV) tuyển sinh vào tháng 9 tới đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây cũng là trọng tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam (VN) vừa qua.

Thêm một lựa chọn tốt

- Phóng viên:FUV sắp được thành lập với nhiều ưu điểm. Là người nghiên cứu sâu về các mô hình đại học (ĐH) tiên tiến, ông đánh giá thế nào về ngôi trường này?

+ TSPhạm Thanh Duy,khoa Nhân học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM:Tôi đánh giá cao chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và cả FUV. FUV phát triển bắt nguồn từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Nó đưa một hệ thống giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới vào VN. Nó đem tới thêm một lựa chọn ĐH cho người Việt trong khi một số người có điều kiện vật chất tốt đang phải gửi con ra nước ngoài học, không thì hướng con vào trường công. Thêm điểm tích cực nữa là từ mô hình đào tạo tiên tiến của FUV sẽ thúc đẩy các trường ĐH trong nước đổi mới dần dần.

Lo ngại theo vết chân ĐH Việt-Đức

- Ông đã an tâm về tương lai của FUV chưa, thưa ông?

+ Chưa thể an tâm được dù tôi đánh giá cao. Tôi có hai điều băn khoăn lớn về ngôi trường này:

Thứ nhất, không biết luật pháp VN đã có những quy định rõ ràng cho FUV nếu nó muốn xóa bỏ những ràng buộc của một trường ĐH thuộc Bộ GD&ĐT hay chưa. Nếu chưa thì có thể đến một lúc luật pháp bắt trường phải chuyển sang mô hình đào tạo khác thì sao?

Và nếu quá trình đào tạo vẫn phải theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT thì chắc chắn nó sẽ rơi vào những hạn chế giống các trường ĐH công và dân lập khác tại VN. Tôi băn khoăn ở chỗ có thể ngay chính những người quản lý FUV cũng lúng túng khi phải thích nghi với một số ràng buộc của một trường thuộc Bộ GD&ĐT.

Thứ hai, tuy FUV giải được bài toán cổ đông nhưng trường vẫn phải sống bằng tài trợ là chính. Chứ để sinh viên (SV) VN đóng học phí thì kiểu gì cũng khó, cao thì số đông không kham nổi, còn thấp thì không đủ kinh phí đào tạo. Mà ở VN hay xảy ra chuyện có tiền thì làm, thậm chí làm rất hoành tráng, đến khi hết tiền thì ngưng.

Mức đầu tư cho FUV phải rất lớn, đầu tiên nói là 70 triệu USD gồm 20 triệu USD do chính phủ Mỹ cho để xây dựng cơ sở hạ tầng trong mấy năm. Vậy lấy gì bảo đảm đầu tư hết 70 triệu USD mà trường vẫn có thể hoạt động tiếp, bảo đảm hoạt động không bị chậm lại hay rẽ sang hướng khác? Tôi không biết sau này họ kêu gọi được tài trợ nữa hay không.

- Ông nghĩ sao nếu cho rằng đây cũng là một tiền lệ tốt cho mô hình ĐH không vì lợi nhuận ở VN?

+ Chưa hẳn là tiền lệ. Bởi chúng ta đã có một số trường ĐH mà những người sáng lập đã mong muốn trường đi theo mô hình này như ĐH Hùng Vương, Hoa Sen, Phan Châu Trinh. ĐH Việt-Đức cũng là một ví dụ gần với mô hình FUV nhất. Sự xuất hiện của ĐH Việt-Đức lúc đó cũng gây chú ý bởi những cam kết về chất lượng đào tạo quốc tế và nguồn tài trợ, rồi ban điều hành, ban lãnh đạo cũng là người nước ngoài. Nhưng tháng 3 vừa rồi nó đã sáp nhập vào ĐH Quốc gia TP.HCM. Tôi nghe một số SV có vẻ hoang mang khi trường này chuyển đổi cơ quan chủ quản.

- Về tính chất giáo dục khai phóng mà FUV bắt đầu làm, tức là phát huy tối đa năng khiếu cũng như tố chất của SV thì theo ông, các ĐH trong nước có thể học hỏi được gì?

+ Giáo dục tiên tiến đào tạo theo tín chỉ, mà bản chất của đào tạo tín chỉ là phá vỡ tổ chức lớp học. Hiện nay hầu như các trường ĐH trong nước đều muốn đào tạo theo tín chỉ. Thế nhưng mâu thuẫn ở chỗ họ vẫn không muốn phá vỡ tổ chức lớp học. Giáo dục khai phóng nghĩa là tôi hoàn toàn là người tự do. Tôi thích lớp nào, giáo viên nào thì tôi đăng ký học lớp đó hoặc học với giáo viên đó.

Chỉ cần 10 người đăng ký thì người ta cũng có thể mở lớp học cho môn đó, trong học kỳ đó. Lúc đó liệu những người làm công tác quản lý SV có chấp nhận được không? Bởi khi đó trường sẽ không có một lớp học ổn định, không có thi đua giữa lớp này với lớp khác, không có lớp trưởng, chẳng có chi đoàn... Thêm nữa, điều kiện của ta không thể đủ kinh phí để tổ chức những môn học chỉ có khoảng 10 SV.

- Còn về cách tuyển sinh của FUV, không nhìn vào điểm số mà tổ chức phỏng vấn từng thí sinh có thích hợp để các trường ĐH trong nước noi theo, thưa ông?

+ Làm sao có thể áp dụng tuyển sinh phỏng vấn từng thí sinh khi số lượng lên đến hơn chục ngàn ở mỗi trường, chẳng hạn ĐH KHXH&NV TP.HCM, những năm trước, số lượng đăng ký khoảng 12.000-15.000 để lấy khoảng 3.000 trúng cử. Năm vừa qua, Bộ đã gộp hai kỳ thi vào làm một, năm nay cũng thế. Việc này là việc của Bộ, các trường ĐH không tự làm được, trừ phi có một cơ chế đặc biệt.

Lệ phí thi và học phí thu vào lại rất thấp, không đủ bù lỗ cho chi phí kinh khủng để tổ chức như vậy. Ngay tuyển sinh thi viết như hiện nay mà năm nào các trường tham gia tuyển sinh cũng phải bù lỗ. Chưa kể phải mất rất nhiều thời gian. Rồi làm sao có những quy chế, tiêu chuẩn chung trong chấm thi phỏng vấn?

Tuyển sinh ở FUV cũng như các nước có nền giáo dục tiên tiến, ai là người phỏng vấn thì người đó có trách nhiệm đào tạo người trúng tuyển luôn. Làm được như vậy do họ ít SV mà số lượng giáo sư rất đông. Các giáo sư của họ lại chuyên tuyển sinh và đào tạo chứ không kiêm nhiệm các công tác khác hoặc vừa học vừa dạy như ở ta.

- Giả sử ông có người nhà muốn học FUV, ông có ủng hộ?

+ Tôi ủng hộ chứ. Điều chắc chắn là chất lượng đào tạo của FUV sẽ rất tốt. Chỉ là chưa biết nó tốt đến thời điểm nào.

- Ông không ngại một ngày bất ngờ hết tiền thì FUV giải tán hay sao?

+ Nếu chất lượng đào tạo của FUV đi xuống hoặc phải rẽ sang mô hình khác thì cũng xuống từ từ chứ không thể đột ngột đóng cửa trong một ngày.

- Xin cám ơn ông.

Nhiều điều hài lòng về Chương trình Fulbright

ÔngLêTrungNam,Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ in ấn và Tem nhãn Thái Dương:

Là cựu học viên của Chương trình Fulbright năm 2007-2008, ông Lê Trung Nam chia sẻ nhiều ấn tượng tốt đẹp về chương trình:

“Chương trình Fulbright được dạy theo chuẩn của Trường Harvard Kennedynhưng được “bản địa” hóa nên tính ứng dụng cao. Nhiều bài học tình huống là những vấn đề kinh tế-xã hội của VN, như quy định về đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, dự án sân bay Long Thành, dự án Nhà máy nước BOO Thủ Đức... Từ đó, tôi có cái nhìn toàn diện đối với một vấn đềtrong hoàn cảnh thực tế của VN nên có thể áp dụng những kiến thức được đào tạo vào công việc một cách nhanh chóng.

Ngoài kiến thức về kinh tế, tài chính và chính sách công, chương trình còn trang bị cho tôi nhiều công cụ như kỹ năng tin học, phân tích tình huống, phương pháp nghiên cứu... giúp tôi có kỹ năng tốt hơn và năng suất làm việc cao hơn.

Tôi hài lòng với môi trường học tập cởi mở và không bị áp đặt của Chương trình Fulbright. Thầy và trò đôi lúc tranh luận nảy lửa với nhau về một vấn đề. Mọi ý kiến đều được tôn trọng, không có chuyện đúng sai, mà cùng nhau tìm ra lời giải tối ưu. Các thầy cũng tranh luận sôi nổi với nhau trên giảng đường. Học viên đến từ mọi miền, nhiều ngành nghề khác nhau nên đóng góp vào quá trình học nhiều góc nhìn. Vì vậy, ngoài việc học từ các giáo sư, chúng tôi còn có cơ hội học tập lẫn nhau.

Mặc dù chương trình học khá nặng, gần như toàn bộ thời gian tôi chỉ dành cho việc ăn và học khi tham gia chương trình nhưng chúng tôi rất tự tin, phát huy hết khả năng và thấy tiến bộ rõ rệt. Quá trình đánh giá công bằng và khách quan. Một môn học, ngoài giảng viên chính, còn có các đồng giảng viên, trợ giảng, giáo vụ cùng đánh giá. Điểm được tính trên nhiều nội dung, bài tập cá nhân, bài tập nhóm, phát biểu trên lớp, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ...

Để đạt, chúng tôi phải có điểm không thấp hơn nhiều so với trung bình của lớp nên mọi người bắt buộc phải cố gắng để không bị bỏ lại phía sau. Do thông tin điểm số từng người đều được bảo mật và chỉ thông báo riêng nên làm cho tính thi đua trong học tập rất cao. Từ đó thúc đẩy mọi người cùng phấn đấu.

Thời khóa biểu học tập rất rõ ràng và được công bố mỗi đầu học kỳ, ngày nào, học bài gì, đọc tài liệu nào... nên khi đến lớp tôi dễ dàng chuẩn bị trước, làm cho quá trình học rất chủ động. Người học như tôi được đặt làm trung tâm nên được thầy cô hỗ trợ rất tốt. Ngoài giờ học chính, các thầy cô còn trực ngoài giờ để hỗ trợ chúng tôi khi có yêu cầu nắm lại bài học.

Theo Tuấn Thịnh/Pháp luật TP.HCM

Ảnh:Lễ trao quyết định thành lập FUV dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vào ngày 25.5.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành bại của ĐH Fulbright VN phụ thuộc vào tiền