Sau khi trưng cầu dân ý, hồi đầu tuần thành phố Asbestos (Canada) đã có tên mới vì tên này gợi nhớ đến độc chất gây ung thư.

Thành phố đổi tên vì gây liên tưởng đến… ung thư

Bình Yên | 22/10/2020, 10:20

Sau khi trưng cầu dân ý, hồi đầu tuần thành phố Asbestos (Canada) đã có tên mới vì tên này gợi nhớ đến độc chất gây ung thư.

Thuộc tỉnh Quebec, nằm cách Montreal 150 km, Asbestos có 7.000 dân, nhưng từ nay nó có cái tên mới đầy thi vị là Val-des-Sources (Thung lũng những dòng suối).

Asbestos là tên tiếng Anh (tiếng Pháp là amiante) được đặt vào cuối thế kỷ 19 vì ở đây có mỏ asbestos lớn nhất thế giới mang tên Jeffrey. Nhưng hội đồng thành phố cho rằng nghĩa liên tưởng của asbestos đã cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài, vì thế từ cuối tháng 11 năm qua họ quyết định tìm kiếm một tên mới.

asbestos.jpg
Từ bỏ tên cũ Asbestos, thành phố Val-des-Sources tự tin sẽ hồi sinh với tên mới

Khoảng một nửa cư dân thành phố đủ điều kiện bầu chọn, tính cả người 14 tuổi, và tên mới Val-des-Sources giành chiến thắng với hơn 51% chọn lựa sau vòng thứ ba. Thị trưởng Hugues Grimard nói: “Trên hết, cái tên mới mang lại cảm hứng cho tương lai”.

Một số tên khác lọt vào vòng chọn lựa thứ hai gồm: L'Azur-des-Cantons, Jeffrey-sur-le-Lac, Larochelle, Phénix and Trois-Lacs. Theo ông Grimard, tên Abestos sẽ không bị đổi ngay lập tức mà tồn tại đến cuối năm trước khi có sự thay đổi hợp pháp chính thức. “Đó sẽ là một món quà Noel dễ thương”, ông nói.

Thành phố Asbestos đã phát triển trong hơn một thế kỷ nhờ vào sự có mặt của mỏ khoáng asbestos, loại sợi dùng trong công nghiệp xây dựng để gia cố xi măng, tấm lợp, chống cháy, vật liệu cách nhiêt hay cách âm.

Nhưng từ nửa cuối thế kỷ trước, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy mối liên quan giữa việc hít phải các sợi asbestos với một số bệnh chết người trong đó có các bệnh ung thư, đặc biệt ung thư phổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có hơn 100.000 người tử vong vì tiếp xúc với asbestos.

Vì điều này mà thế giới đã loại bỏ asbestos ra khỏi đời sống con người, nhu cầu tiêu thụ cũng ngày một giảm xuống. Mỏ Jeffrey ở thành phố Abestos bị đóng cửa vào năm 2011, còn Canada cũng không còn sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất chất liệu này từ năm 2018.

Sau khi đổi tên, thành phố Val-des-Sources sẽ xây dựng một hình ảnh mới để tạo ra nhiều cơ hội đầu tư nước ngoài. Đang có dự tính chuyển đổi mỏ Jeffrey thành một trung tâm du lịch mạo hiểm với các cầu thang bằng đá và đường mòn đạp xe trên núi.

Caroline Payer, thành viên hội đồng thành phố cho biết thành phố sẽ thiết kế lại logo, công cụ nhận dạng hình ảnh và mở các chiến dịch PR để thu hút nhà đầu tư.

Bà nhớ lại những thiệt hại từ cái tên cũ của thành phố gây ra: “Năm qua một công ty đến đây định làm ăn và tạo ra 30 việc làm. Nhưng cuối cùng họ phải bỏ đi vì một trong những tiêu chuẩn chọn lựa là tên thành phố không gây rắc rối cho vận chuyển hay xuất khẩu. Thế là chúng tôi mất đi cơ hội. Đây là một trong những thí dụ tương tự mà chúng tôi gặp phải những năm qua”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố đổi tên vì gây liên tưởng đến… ung thư