Nếu chỉ dựa trên những giá trị ảo, đất nước sẽ trống rỗng, không khác mấy thị trường chứng khoán” - PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên) nêu ý kiến khi trao đổi với báo chí.

Thật nguy hiểm cho đất nước khi có nhiều ‘tiến sĩ vui vẻ’

25/04/2016, 05:16

Nếu chỉ dựa trên những giá trị ảo, đất nước sẽ trống rỗng, không khác mấy thị trường chứng khoán” - PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên) nêu ý kiến khi trao đổi với báo chí.

Thưa ông, hẳn là đã từng ngồi tại các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, ông có quan sát gì?

Trong điều kiện đào tạo tiến sĩ ở ta như hiện nay, chất lượng của các luận án tiến sĩ đang phụ thuộc vào hai yếu tố: một là thầy hướng dẫn. Hai là hội đồng đánh giá.

Nếu người thầy hướng dẫn luận án theo số lượng, chỉ để đủ tiêu chuẩn công nhận GS, PGS... hay vì những quyền lợi khác thì luận án sẽ khó có chất lượng cao.

Quy trình đào tạo tiến sĩ rất chặt, không ai có thể nói sai cả. Nhưng việc tổ chức bảo vệ thì hoàn toàn phụ thuộc tâm trạng người ngồi hội đồng. Có thực tế ở VN là quan niệm “như thế cố gắng lắm rồi, bỏ qua được”.

Có lần làm chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án, tôi đã nói “cái này không được”, nhưng bậc thầy của mình lại nói nghiên cứu sinh khổ nọ, khổ kia; chả lẽ lại gây khó khăn cho họ? Rồi có luận án đọc tên đã sai hoàn toàn, tôi viết thư cho hiệu trưởng trường họ đang công tác thì họ trả lời vòng vèo. Xong rồi lại ổn hết.

Bảo vệ thạc sỹ, tiến sỹ cứ hội đồng quyết là qua, mà đa số các hội đồng đều quyết, bởi vì chỉ cần một câu tặc lưỡi của một thầy “thế này là cố gắng lắm rồi”.

Rồi văn hóa kiểu nhân văn “vạn cái lý không bằng tý cái tình” đã xoay ngòi bút của các thành viên trong hội đồng. Vô tình từng ngày, từng giờ nhiều hội đồng đã và đang làm hỏng cả một sự nghiệp, một nền văn hóa hiếu học của dân tộc. Thầy, cô trung thực thì cho là khó tính, không có tình người, xa lánh, không mời hoặc có mời thì cũng nhìn như người ngoài hành tinh.

Nói thế không phải không có những hội đồng rất nghiêm túc nhưng những hội đồng như thế đã là thiểu số từ lâu rồi.

Đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ này lại bổ sung vào đội ngũ giảng viên đại học và cứ thế giá trị ảo trong đội ngũ sẽ tăng dần đến một ngày không biết phần thật còn lại bao nhiêu nữa?

Vậy theo ông, làm sao để hết những câu chuyện xuề xòa, cả nể cho qua như vậy?

Tôi chỉ có 1 đề nghị: anh có luận án, có điểm mới gì thì chỉ ra, công bố công khai, ai đọc sẽ biết ngay.

Tôi nói thật nếu yêu cầu phải có 5 bài báo đăng tạp chí quốc tế mấy người liệu có được?

Tôi biết có người chỉ 2-3 bài báo trong nước vẫn được vui vẻ cho bảo vệ, xong xuôi hết.

Chỉ cần mấy trang tóm tắt đó được công khai thôi, dư luận, giới khoa học có thể bình luận, đánh giá. Đề tài, nội dung vớ vẩn là lộ ra ngay.

Đây không phải là đề xuất gì mới mà là điều tôi đã nói ở nhiều nơi, nhiều hội thảo rồi.

Vậy tại sao thực trạng như ông vừa nói vẫn diễn ra?

Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Có thực tế là trong xã hội chúng ta giá trị thật đang mất đi nhanh, thay vào đó là giá trị ảo lại được cư xử như giá trị thật.

Tôi có 2 con gái học thạc sĩ, tiến sĩ vất vả bên Mỹ, trở về VN lương vẫn ngang bằng người làm nhàn hạ. Các con như “gà công nghiệp”, không thể cất nhắc vào chức nọ chức kia nên rốt cuộc lại là “quân” của các tiến sĩ vớ vẩn trong nước.

Một trong những lý do khiến nhiều tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc, theo tôi, là do không chỉ chế độ dành cho họ không khác gì tiến sĩ đào tạo trong nước, mà còn phải làm cấp dưới của mấy ông tiến sĩ trong nước, tiếng Anh còn không thạo, kém hơn họ đủ thứ… Thử hỏi, họ chịu sao nổi?

Trong khi họ khó mon men được đến các chức vụ vì kém đứt khoản “quan hệ”, còn bị khó chịu, ghen ghét vì giỏi hơn.

Hệ lụy của những giá trị ảo thay thế cho giá trị thật như ông nói sẽ đi tới đâu?

Nếu xã hội chỉ nằm trên giá trị ảo thì đất nước trống rỗng, không khác mấy thị trường chứng khoán.

Một tiến sĩ năng lực trình độ không là tiến sĩ lại đi dạy tiếp cho sinh viên, hướng dẫn người khác rồi sẽ làm cả đất nước không phải thật, nền kinh tế cứ ngày càng suy kém.

Bạn hãy xem ai có nhà to nhất nước mình, nhiều tiến nhất có phải họ là nhà khoa học chân chính không? Tài năng của họ đến đâu? Chắc chỉ 10-20% trong số đó là thật.

Họ toàn nhờ cái ảo, kiếm tiền thật đấy chứ?

Ở Việt Nam mình, có bằng tiến sĩ được cất nhắc các chức vụ, ví dụ không là tiến sĩ thì không được là trưởng khoa, trưởng bộ môn. Có bằng cấp, đi ra ngoài mọi người tưởng là ghê gớm.

Có cách nào thoát khỏi thực trạng đau xót đó, thưa ông?

Cần tìm được người chân chính lãnh đạo, nhưng rất khó vì giờ quá nhiều người không chân chính.

Như tôi cải cách Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) để trở thành trường mà năng lực ngoại ngữ của sinh viên, giảng viên sẽ thuộc trường tốp đầu cả nước. Thế nhưng tôi đã phải chịu những sức ép không chân chính rất lớn. Cứ động chạm lợi ích là phản đối, không cần biết việc đó tốt cho dân nước hay sinh viên.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ), ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ. Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.

Văn Chung - Vietnamnet

Ảnh: Ông Phan Quang Thế: Văn hóa kiểu nhân văn “vạn cái lý không bằng tý cái tình” đã xoay ngòi bút của các thành viên trong hội đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
6 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thật nguy hiểm cho đất nước khi có nhiều ‘tiến sĩ vui vẻ’