Suốt tuổi thơ tôi ở quê nhà Thăng Bình. Tôi bắt đầu đi học ở trường làng Hương Hội. Rồi sau đó lên trường Tiểu học Thăng Bình. Lên trung học đệ nhất cấp, học Trung học Tiểu La. Thầy Châu Khắc Đa làm hiệu trưởng và dạy Toán lớp tôi.

Thầy Châu Khắc Đa và các bạn Tiểu La

23/11/2017, 12:47

Suốt tuổi thơ tôi ở quê nhà Thăng Bình. Tôi bắt đầu đi học ở trường làng Hương Hội. Rồi sau đó lên trường Tiểu học Thăng Bình. Lên trung học đệ nhất cấp, học Trung học Tiểu La. Thầy Châu Khắc Đa làm hiệu trưởng và dạy Toán lớp tôi.

Tác giả (phải) đến thăm thầy giáo cũ Châu Khắc Đa nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11 - Ảnh: NVCC

Có một thời gian các giáo chức bị bắt buộc phải đi học sĩ quan dự bị. Thầy Đa vào quân trường học mấy tháng về, chúng tôi không nhận ra thầy vì nước da sạm nắng đen thui. Tôi nhớ khi Tết Mậu Thân thầy về Huế ăn tết, khi trở lại trường, mắt thầy thất thần, nói chỉ một câu: "Thanh niên bây giờ là nạn nhân của cuộc chiến!"

Tôi ở một vùng quê nghèo. Thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên, quận Thăng bình, tỉnh Quảng Nam. Một vùng quê nghèo. Rất nghèo.

Chiến tranh diễn ra trước mắt chúng tôi với những xác người bị bỏ mặc hai bên đường quốc lộ, có khi xác người là của phía bên được gọi là Việt cộng, có khi là xác của những người lính quốc gia được kéo đi trên những chiếc băng ca vô hồn. Đám học trò chúng tôi có đứa chưa hiểu được tại sao lại có phe Quốc gia và phe Cộng sản cùng tồn tại trên vùng đất nhỏ hẹp và nghèo đói này, cùng là người Việt Nam cả. Có khi chỉ là người làng trên hoặc xóm dưới, cách nhau vài cây số, có khi bà con chòm xóm lại trở thành hai phe và thù địch tìm cách giết nhau bằng những khẩu súng AK hoặc AR-15.

Chiến tranh thật khủng khiếp. Chiến tranh đã đi vào tuổi thơ nghèo khổ của chúng tôi. Mặc dầu Nguyễn Nhật Ánh vẫn say mê đọc văn Duyên Anh; trước đó, Vũ Đức Sao Biển vẫn viết ca khúc Thu hát cho người và Đynh Trầm Ca viết Ru con tình cũ cùng cho một người con gái tên Thu ở gần trường Tiểu La của tôi. Hai bản nhạc thất tình làm quà tặng cho một cô gái ở làng quê xa xăm của tôi bỗng dưng được nổi tiếng đến tận bây giờ.

Tôi thẫn thờ nghe trong giờ học thầy Châu Khắc Đa ngẫu hứng cầm cây đàn guitar đánh và hát bài Gia tài của Mẹ của Trịnh công Sơn. Câu hát “...Gia tài của mẹ một rừng xương khô, một núi đầy mồ...” làm cậu bé học trò như tôi sởn gai ốc trước cảnh hoang tàn đổ nát khủng khiếp của chiến tranh, mà tôi được chứng kiến hàng ngày ở trên mảnh đất quê hương của tôi.

Một kỷ niệm khác cũng làm cho cậu học trò nhà quê như tôi luôn nhớ lại. Một hôm, có một tiểu đoàn Biệt động quân vào đóng quân ở chung quanh khuôn viên trường, rồi nhà trường và đơn vị quân đội có một buổi giao lưu văn nghệ. Bên quân đội cử một thiếu úy lên góp vui. Anh ấy hát bài Những đồi hoa sim của Hữu Loan - Dzũng Chinh, nhưng không phải hát lời chính của bài hát, mà hát theo kiểu lời "nhạc chế”: “Những người con gái ơi, những người con gái đời nay sao lạ kỳ. Rồi một hôm nàng yêu ông thiếu úy, có bầu ông bỏ đi”. Thầy Châu Khắc Đa đỏ mặt, phản ứng bằng cách bỏ đi ra ngoài.

Tôi kể câu chuyện nhỏ này về phản ứng của một người thầy đối với một hành động phi giáo dục xâm nhập vào trong nhà trường dù tôi biết ông thầy Đa của tôi chưa bao giờ có thái độ chính trị thân cộng hay thiên tả. Và thế lực quân đội trong thời chiến cũng rất đáng “gờm”, nhưng vì muốn bảo vệ môi trường lành mạnh của giáo dục, nên thầy Đa phải phản ứng. Tôi biết rằng có thể nhiều bạn bè của tôi đã quên hoặc không để ý đến chi tiết này. Riêng tôi, thì tôi còn nhớ. Và rất nhớ.

Nếu như mọi thầy cô giáo của chúng ta ngày nay đều có những phản ứng tích cực với mọi hành vi phản giáo dục trong nhà trường như ông thầy Đa của tôi năm nào, thì có thể nền giáo dục của ta ngày nay đã khác.

Đúng ngày nhà giáo năm nay, tôi đến thăm thầy Đa và trong tôi lại thoáng dâng lên một nỗi buồn khó tả: Các thầy giáo cũ của tôi mỗi năm một thưa vắng dần, khi tới ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11 mà tôi có ý định đến thăm và tặng hoa.

Cuộc đời của chúng ta buồn thật.

Nguyễn Công Khế

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
9 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy Châu Khắc Đa và các bạn Tiểu La