Sau đại dịch COVID-19, du lịch Vĩnh Long phục hồi mạnh mẽ. Từ Tết 2022, khách du lịch đến Vĩnh Long ngày càng tăng, tình hình bình thường như trước đại dịch. Để khởi đầu phát triển du lịch hậu COVID-19, tháng 4.2022 tỉnh Vĩnh Long tổ chức “Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long lần thứ II năm 2022”.
Với chủ đề “Du lịch Vĩnh Long và các tỉnh Cụm liên kết phát triển du lịch phía Ðông ÐBSCL – Ðiểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, ngày hội nhằm chào mừng kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ Dinh, 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long, hưởng ứng Chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Sự kiện du lịch Vĩnh Long đã tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu điểm đến, liên doanh liên kết giữa các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trong cụm phía đông ÐBSCL.
Thật vậy, du lịch Vĩnh Long nằm trong chuỗi hoạt động, liên kết chặt chẽ với du lịch ĐBSCL. Từ TP.HCM du khách lên xe đi Vĩnh Long, các điểm du lịch các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh. Có đi thực địa mới thấy du lịch Vĩnh Long hậu COVID-19 phục hồi rất mạnh mẽ. Du khách vẫn khẩu trang nhưng các điểm du lịch đông khách. Tàu du lịch ngược xuôi nhộn nhịp trên sông Cổ Chiên, trên các tuyến sông rạch ở cù lao ở huyện Long Hồ. Nhiều làng nghề, nhiều điểm du lịch với những vườn cây xanh trái ngọt quanh nămnhộn nhịp du khách.
Vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm các điểm du lịch ở Hòa Ninh- Long Hồ. Tại một lò bánh kẹo, nơi đây có gần 10 công nhân, chủ yếu là sản xuất theo quy trình thủ công. Bánh, cốm, kẹo sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của vùng quê Vĩnh Long xưa. Từ thắng đường, pha chế đơn sơ để làm kẹo dừa đến cách rang cốm thủ công như mấy mươi năm trước nhưng rất thu hút khách du lịch. Tại đây, chủ vườn du lịch pha trà ngon mời khách ăn bánh kẹo thoải mái. Ai mua gì thì mua, không mua cũng không sao.
Ông Mai Hoàng Viên, chủ vườn chôm chôm ở Hòa Ninh ( Long Hồ) cho biết: “Vườn chôm chôm của tôi là vườn chôm chôm “bao khách ăn bụng”. Tức là khách mua vé vào vườn 60.000 đồng. Vô vườn chụp hình, vui chơi và ăn chôm chôm thoải mái. Ăn đến no bụng thì thôi. Mỗi ngày vườn tiếp 70-100 khách. Thứ 7, chủ nhật khách nhiều hơn”.
Ở xã cù lao An Bình, Hòa Ninh rất nhiều vườn chôm chôm và trái cây "bao khách ăn bụng". Giá vé vào vườn 60.000 -70.000 đồng/ người. Khách vô vui chơi, chụp hình, ăn trái cây chừng nào chán thôi. Nếu hái trái đem về thì chủ vườn cân và tính ký. Giá chôm chôm Thái như vườn anh Viên hiện nay là 40.000 đồng/kg
Tại vườn du lịch CocoHome, xã Hòa Ninh (Long Hồ), đây là một điểm du lịch khá độc đáo. Trung tâm của điểm du lịch là “Nhà Dừa”. Nhà cất kiểu 3 gian, 2 chái, hầu hết nhà đều làm làm bằng cây dừa, tất cả vật dụng trong nhà từ bàn ghế, chén, muỗng đũa... đều bằng dừa. Trên bàn ăn từ cái chén bằng “miểng dừa” đến chén nước chấm cũng bằng dừa. Món ăn ở đây đa dạng, phong phú. Từ cơm dừa, gỏi dừa đến tôm luộc nước dừa, tôm nướng, gà luộc, cá linh kho me đều có... Du khách đến đây ấn tượng với nhà dừa, vật dụng dừa, món ăn dừa. Cô Dương Diệu Hiền, chủ nhân CocoHome cho biết: “Tôi muốn tạo cho du khách dấu ấn về sản phẩm du lịch Vĩnh Long”.
Du lịch Vĩnh Long chủ yếu là du lịch sinh thái, “du lịch miệt vườn”, địa bàn huyện Long Hồ là chính. Trưởng phòng VHTT huyện Long Hồ ông Phạm Công Toàn cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Long Hồ đã phát triển được trên 19 cơ sở lưu trú du lịch (Homestay). Trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN Homestay, 6 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và 5 nhà nghỉ đạt chuẩn theo quy định, 5 cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch, trên 20 điểm tham quan vườn trái cây, cây giống. Lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái của huyện trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng đáng kể, đạt khoảng 85.320 lượt khách (tăng 30% so cùng kỳ năm 2021). Du khách chủ yếu là khách nội địa, các địa phương lân cận, không có khách Quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 20 tỉ đồng”.
Qua trao đổi với trưởng phòng VHHT Long Hồ ta thấy rằng, huyện này là trọng điểm của du lịch sinh thái Vĩnh Long, hiện nay du lịch sinh thái ở đây phục hồi và phát triển bình thường. Tuy nhiên, đến nay cũng như hầu hết các tỉnh ĐBSCL, du lịch Vĩnh Long vẫn vắng bóng khách quốc tế. Nhiều điểm du lịch miệt vườn nở rộ, kiểu “du lịch nông nghiệp”. Khai thác khía cạnh sinh thái, cây trái, món ăn miệt vườn, làng nghề thủ công. Khách sạn có nhưng vẫn là cấp thấp, chỉ 1 sao, nhà nghỉ, phòng trọ là chủ lực. Ngay cả một số điểm du lịch vườn, điểm cầu vệ sinh chủ vườn vẫn chưa quan tâm xây dựng, đầu tư để phục vụ khách theo chuẩn du lịch.
Từ các điểm du lịch Vĩnh Long hậu COVID-19 ta thấy rằng, du lịch tỉnh này đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, khôi phục là chủ lực, đầu tư mới chưa nhiều. Du lịch Vĩnh Long cũng như ĐBSCL cần làm nhiều hơn nữa, chính quyền các tỉnh có du lịch sinh thái cần hướng dẫn các chủ vườn du lịch chú ý hơn đến vấn đề vệ sinh, môi trường, đầu tư, làm nhiều hơn nữa để du lịch xanh, du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển đúng hướng trong thời gian tới.