Cuối cùng thì thời khắc quan trọng nhất lịch sử đất nước Tây Ban Nha - tính từ khi chế độ độc tài Franco kết thúc - 16 giờ ngày 10.10.2017 đã trôi qua êm ả khi tuyên bố độc lập cho Catalonia đã được hoãn lại, mặc dù Thống đốc Catalan Carles Puigdemont và những đại diện các lực lượng chính trị tại Catalan đã ký một văn kiện về tuyên bố độc lập.

Thấy gì từ cuộc trưng cầu độc lập tại xứ Catalan ở Tây Ban Nha?

12/10/2017, 13:23

Cuối cùng thì thời khắc quan trọng nhất lịch sử đất nước Tây Ban Nha - tính từ khi chế độ độc tài Franco kết thúc - 16 giờ ngày 10.10.2017 đã trôi qua êm ả khi tuyên bố độc lập cho Catalonia đã được hoãn lại, mặc dù Thống đốc Catalan Carles Puigdemont và những đại diện các lực lượng chính trị tại Catalan đã ký một văn kiện về tuyên bố độc lập.

Quyền tự quyết của người dân xứ Catalan chưa thể được hiện thực hóa

Chính quyền Catalan “neo lại” quyền tuyên bố độc lập được thông báo là nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các cuộc đàm phán với chính phủ Tây Ban Nha về việc người Catalan đã khôi phục lại toàn vẹn chủ quyền và bước tiếp trong nền dân chủ một cách hòa bình và tôn trọng bất đồng chính trị.

Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn của nội các trong ngày 11.10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn Catalan tuyên bố độc lập, đe dọa sẽ có thể áp dụng Điều 155 của Hiện pháp, thực hiện quyền kiểm soát chính quyền tại Catalan, đồng nghĩa quyền tự trị của Catalan có thể bị đình chỉ.

Quyết định này có thể đẩy Tây Ban Nha rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, ông Pedro Sanchez, lãnh đạo đảng Xã hội đối lập tại Tây Ban Nha,đã gạt bỏ bất đồng, thống nhất với Thủ tướng Rajoy về việc nghiên cứu cải cách Hiến pháp nhằm tìm ra giải pháp căn bản chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Catalan.

Như vậy, hiện thời nền độc lập của Catalan tạm thời "bị neo" và quyền tự trị cũng có thể "bị treo", nghĩa là kết quả cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của xứ Catalan chưa thể được hiện thực hóa và cũng có thể không được hiện thực hóa trong tương lai gần. Tuy nhiên, đã có rất nhiều vấn đề này sinh, nhiều nguyên tắc bị vi phạm sau cuộc trưng cầu này.

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc đã bị vi phạm. Bởi sau khi cuộc trưng cầu dân ý có kết quả, chính quyền Tây Ban Nha, giới lãnh đạo EU cũng như rất nhiều thực thể khác trên thế giới đã phản đối và không công nhận giá trị cuộc trưng cầu về quyền tự quyết của người dân xứ Catalan.

Trong khi việc Catalan đòi quyền tự quyết, mà sẽ dẫn đến sự ra đời một thực thể chính trị mới, một nhà nước mới, không phải là sự kiện khởi phát. Một tiền lệ đã được xác lập tại vùng lãnh thổ Kosovo của Nam Tư cũ, kéo dài từ năm 1999 và chính thức hoàn tất vào năm 2008, chỉ khác nhau ở cách thức.

Xin ngược đôi dòng lịch sử, xung đột sắc tộc kéo dài giữa người Albania và người Serbia khiến cho lãnh thổ tỉnh tự trị Kosovo của Liên bang Nam Tư bị phân chia theo sắc tộc. Thực tế nguy hại ấy dẫn đến xung đột bạo lực giữa người Albania và người Serbia và đỉnh điểm là Chiến tranh Kosovo 1998 - 1999, trong đó có việc NATO ném bom Nam Tư.

Kết quả hình ảnh cho picture of Carles Puigdemont refuse announced for Independence of catalonia

Thống đốc Catalan Carles Puigdemont hoãn tuyên bố độc lập

Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 10.6.1999, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản lý của Phái bộ Quản lý Lâm thời của LHQ (UNMIK) và ủy quyền cho KFOR, một lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO. Quân đội Nam Tư bị buộc phải triệt thoái khỏi Kosovo.

Theo Nghị quyết 1244, Kosovo có quyền tự trị trong Cộng hòa Liên bang Nam Tư và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư, mà thực thể kế thừa hợp pháp là Cộng hòa Serbia, được bảo đảm. Tuy nhiên, ngày 17.2.2008, Nghị viện Kosovo lại ra tuyên bố độc lập.

Cộng hòa Serbia đã phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo và khiếu nại lên LHQ. Vì vậy, ngày 8.10.2008, Đại hội đồng LHQ đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra quan điểm pháp lý về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo.

Ngày 22.7.2010, ICJ ra phán quyết, cho rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung cũng như luật pháp quốc tế, vốn không cấm đơn phương tuyên bố độc lập. Theo ICJ, tuyên bố của Kosovo cũng không vi phạm Nghị quyết 1244, vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo.

Từ đó Kosovo đã nhanh chóng được công nhận về mặt ngoại giao và đến tháng 12.2016 đã có tới 110 thành viên LHQ công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền. Kosovo cũng trở thành thành viên của một số định chế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới với danh nghĩa Cộng hòa Kosovo.

Như vậy, nhờ bom đạn của NATO, nhờ Nghị quyết 1244 của LHQ và nhờ phán quyết của ICJ, nền độc lập của Kosovo được công nhận. Trong khi đó, việc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalan lại bị phản đối. Rõ ràng đã không có sự bình đẳng về quyền tự quyết của các dân tộc trong trường hợp này.

Thứ hai, qua việc trưng cầu độc lập của Catalan bị phản đối, kết quả cuộc trưng cầu không được công nhận, cho thấy dường như quyền tự quyết dân tộc phải diễn ra trong bạo động hay phải cần tới bạo lực thì một nền độc lập mới có thể được chấp nhận, công nhận.

Dư luận từng nhìn nhận vấn đề độc lập của Kosovo không thể có được, không thể được công nhận hay đảm bảo nếu không có bom đạn của NATO ném xuống Nam Tư. Tháng 2.1989, Tổng thống Milošević đe dọa vũ lực, gây sức ép chính trị, rồi quyết định bãi bỏ tình trạng tự trị đặc biệt của Kosovo.

Người Albania tại Kosovo phản ứng với quyết định của Belgrade bằng một phong trào ly khai bất bạo động, tiến hành bất tuân dân sự rộng rãi và lập ra các thể chế tồn tại song song trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế, và thuế, với mục tiêu cuối cùng là giành được quyền độc lập cho Kosovo.

Ngày 2.7.1990, Quốc hội Kosovo (tự xưng) đã ra tuyên bố Kosovo là một nước cộng hòa bên trong Liên bang Nam Tư và đến ngày 22.9.1991 thì tuyên bố Kosovo là một quốc gia độc lập với quốc hiệu Cộng hòa Kosovo.

Hình ảnh có liên quan

Quốc hội Kosovo - biểu tượng nền độc lập của Kosovo

Trong suốt thời gian tồn tại, nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo chỉ được Albania công nhận về mặt ngoại giao và thể chế này chính thức tan rã vào năm 2000 sau chiến tranh Kosovo và được thay thế bằng cơ chế hành chính do Phái bộ Quản lý Lâm thời của LHQ tại Kosovo (UNMIK), thiết lập.

Từ đó đến nay, lý do nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo không được quốc tế công nhận, được giới phân tích lý giải là do nó được xác lập không phù hợp quy định của luật pháp quốc tế nên LHQ phải hiệu chỉnh bằng Nghị quyết 1244 để dẫn đến việc xác lập nền Đệ nhị Cộng hòa cho Kosovo vào năm 2008.

Tuy nhiên, sau khi cuộc trưng cầu dân ý tại Catalan diễn ra và có kết quả nhưng không được công nhận thì dường như việc nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo ra đời sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập không được quốc tế công nhận là do thiếu “yếu tố bạo lực”, và nền độc lập của Catalan cũng sẽ có kết quả tương tự như vậy.

Bởi dù có khách quan thế nào đi nữa thì cũng không thể đặt vấn đề là tại sao Kosovo tuyên bố độc lập thì được công nhận, nhưng cuộc trưng cần độc lập tại Catalan lại bị từ chối. Không có lý giải nào hợp lý hơn là bạo lực nhà nước được sử dụng tại Kosovo qua việc NATO ném bom Nam Tư. Phải chăng bạo lực sẽ giúp có độc lập nhanh hơn trưng cầu dân ý?

Đây chính là hậu quả cùa việc phương Tây tạo điều kiện cho việc ra đời một nhà nước Kosovo trái nguyên lý và nay thì không dễ gì xóa bỏ được tiền lệ nguy hiểm này. Như vậy, dù Madrid "treo" quyền tự trị của Catalan hay Catalan "neo" quyền độc lập của mình đều là những vấn đề nan giải không dễ gì giải quyết, bởi sự nguy hại của “tiền lệ pháp mang tên Kosovo”.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ cuộc trưng cầu độc lập tại xứ Catalan ở Tây Ban Nha?