Giáo sư Robert Kelly, thuộc đại học quốc gia Busan, Hàn Quốc, nhận xét rằng CHDCND Triều Tiên đã đạt những bước tiến ấn tượng trong công nghệ tên lửa. Thế nhưng, đây là một tin xấu cho Hàn Quốc, Mỹ và cả thế giới.

Thế giới có thể làm gì khi Triều Tiên không ngừng phát triển tên lửa?

Cẩm Bình | 19/09/2021, 12:51

Giáo sư Robert Kelly, thuộc đại học quốc gia Busan, Hàn Quốc, nhận xét rằng CHDCND Triều Tiên đã đạt những bước tiến ấn tượng trong công nghệ tên lửa. Thế nhưng, đây là một tin xấu cho Hàn Quốc, Mỹ và cả thế giới.

Trong vài ngày ngắn ngủi, Triều Tiên phóng thử cả tên lửa hành trình, lẫn tên lửa đạn đạo. Trong đó, việc thử tên lửa đạn đạo vi phạm loạt nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành trước đó.

Vậy mà cả Hàn, Nhật, Mỹ đều im lặng. Diễn biến mới nhất một lần nữa cho thấy cộng đồng quốc tế chẳng có nhiều cách để kiềm chế Triều Tiên.

Tiến bộ ấn tượng trong công nghệ tên lửa

Giáo sư Kelly ấn tượng trước tiến bộ về mặt kỹ thuật của tên lửa Triều Tiên nói chung.

Tên lửa hành trình giống như loại Triều Tiên phóng ngày 13.9, về cơ bản, là tên lửa gắn động cơ phản lực bay theo đường thẳng đến mục tiêu, tính cơ động cao, giỏi tránh radar xuyên thủng hệ thống phòng thủ. Nhưng tên lửa hành trình thường chỉ có tầm bắn ngắn hoặc trung bình. Truyền thông Triều Tiên tuyên bố vũ khí này di chuyển được 1.600 km, đặt toàn bộ nước Nhật, kể cả căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa trong tầm ngắm.

Tên lửa đạo đạn thì lại bay theo hình vòng cung (phóng lên trời rồi bay xuống) cho phép di chuyển xa hơn nhưng lại làm mất đi lợi thế dễ xuyên thủng hệ thống phòng thủ. Vũ khí này nặng và mang được tải trọng lớn hơn nên đủ sức mang đầu đạn hạt nhân.

north-korea-missile-launch-gty-210_hpmain_20210915-055802_16x9_992.jpg
Triều Tiên không ngừng thử tên lửa - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Triều Tiên tuần qua lại tuyên bố tên lửa hành trình của nước này cũng là vũ khí “chiến lược” – cách nói phổ biến ám chỉ tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.

Loạt vụ thử mới nhất cho thấy Triều Tiên đang thu nhỏ vũ khí hạt nhân để đặt vào hệ thống vũ khí lẫn hệ thống di chuyển nhỏ (chẳng hạn như từ tàu hỏa trong lần thử hôm 15.9).

Theo giáo sư Kelly, diễn biến trên không quá bất ngờ vì Triều Tiên đi đúng theo con đường của các quốc gia hạt nhân khác.

Đầu tiên là xây dựng cơ sở cho năng lực răn đe chiến lược bằng cách phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). ICBM hạng nặng mang được vũ khí hạt nhân cỡ lớn đóng vai trò lực lượng chính, cho phép Triều Tiên tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Triều Tiên thử thành công ICBM mang đầu đạn hạt nhân vào năm 2017, khiến Mỹ phản ứng mạnh mẽ nhưng rồi lại dẫn đến nỗ lực ngoại giao với hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm 2018.

Sau khi sở hữu ICBM mang đầu đạn hạt nhân, các quốc gia hạt nhân thường tiếp tục chế tạo vũ khí nhỏ hơn. Triều Tiên làm điều tương tự, truyền thông nước này trước đó đưa nhiều thông tin về tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Năm nay, nhà lãnh đạo Kim từng đề cập vũ khí hạt nhân chiến thuật, sức công phá yếu hơn có thể được dùng chống lại mục tiêu như quân Mỹ đồn trú tại Okinawa.

Tên lửa hành trình cũng nằm trong chiến lược phát triển vũ khí chung. Khi Bình Nhưỡng sở hữu đủ ICBM cho năng lực răn đe quốc gia, chuyển sang vũ khí tầm ngắn nhanh hơn là điều hợp lý.

Như vậy những gì đang diễn ra cung cấp nhiều thông tin rất xấu: Triều Tiên đã có đủ ICBM nên bắt đầu chuyển hướng phát triển tên lửa khác, nước này cũng đã có đủ đầu đạn hạt nhân để thử nghiệm đặt chúng vào hệ thống vũ khí mới nhỏ gọn, khả năng thu nhỏ đầu đạn không ngừng được cải thiện.

Như vậy bước đi tiếp theo rất nguy hiểm: chế tạo đầu đạn hạt nhân siêu nhỏ đặt vừa vào đạn pháo – báo hiệu rủi ro chiến tranh Hàn - Triều nếu nổ ra sẽ có cả lực lượng truyền thống lẫn lực lượng hạt nhân tham chiến.

2362.jpg
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa hôm 15.9 - Ảnh: KCNA

Thế giới có thể làm gì?

Về mặt quân sự, thế giới chẳng có nhiều phương án. Tổng thống Trump năm 2017 từng dọa tấn công Triều Tiên bằng một cuộc không kích “đẫm máu”, vào thời điểm đó đề xuất bị đánh giá quá rủi ro nên không trở thành hiện thực.

Tình hình 5 năm qua trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, khả năng Mỹ hoặc Hàn tấn công phủ đầu Triều Tiên càng khó xảy ra hơn.

Lựa chọn tối ưu lúc này là phòng thủ tên lửa không chỉ cho Mỹ, Nhật, Hàn mà cho cả phần lớn khu vực Đông Á. Phòng thủ tên lửa gửi đi thông điệp tự vệ chứ không tấn công, giúp giảm nguy cơ chạy đua vũ trang.

Nhưng hệ thống phòng thủ rất đắt đỏ, mỗi hệ thống chỉ chuyên đối phó tên lửa ở tầm cao nhất định, hơn nữa Trung Quốc lại kịch liệt phản đối đặt bất cứ hệ thống nào vì lo ngại đây là kế hoạch của Mỹ nhằm đối phó nước này.

Lựa chọn tốt hơn là thương lượng đặt ra giới hạn cho chương trình vũ khí Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên không đáng tin, và họ có sẵn sàng làm vậy hay không khi hiểu rõ vũ khí hạt nhân quý giá thế nào trong việc gìn giữ chế độ?

Nền kinh tế Triều Tiên rất nhỏ bé, khiến nước này khó lòng chạy đua vũ trang thông thường, chính vì vậy, sở hữu vũ khí hạt nhân góp phần kiềm chế cả kẻ địch lẫn nước láng giềng to lớn.

Đàm phán sẽ còn bế tắc

Triều Tiên hiểu rõ giá trị của vũ khí hạt nhân, nên chắc chắn không chịu từ bỏ chỉ để được Mỹ nới lỏng trừng phạt. Giáo sư Kelly nhắc lại rằng, Tổng thống Trump từng đưa ra đề nghị như vậy ở lần gặp mặt tại Hà Nội năm 2019, nhà lãnh đạo Kim lập tức từ chối.

Nhà lãnh đạo Kim muốn nhiều hơn: một khoản tiền khổng lồ, công nhận về mặt ngoại giao từ Mỹ, Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, kết thúc Chiến tranh liên Triều một cách chính thức, chấm dứt quan hệ liên minh Mỹ - Hàn.

Đây đều là nhượng bộ lớn mà Washington không thể nào chấp nhận về mặt chính trị. Cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ gần như chưa từng bàn luận đến khả năng nhượng bộ quá mức, do đó tình trạng bế tắc sẽ còn kéo dài, và Triều Tiên sẽ còn tiếp tục thử tên lửa.

 

Bài liên quan
Nga - Triều Tiên tăng số chuyến bay giữa hai nước
Hãng thông tấn KCNA ngày 21.11 đưa tin Triều Tiên và Nga vừa ký nghị định thư về hợp tác sau các cuộc họp thảo luận về thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ tại Bình Nhưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới có thể làm gì khi Triều Tiên không ngừng phát triển tên lửa?