Quan hệ quốc tế cần một thứ như công nghệ VAR được áp dụng ở World Cup để có thể xem xét các tranh chấp từ nhiều góc độ khác nhau và đưa ra quyết định công bằng.

Thế giới nên học hỏi từ World Cup về cách giải quyết tranh chấp

Hoàng Vũ (theo Nikkei) | 19/12/2022, 16:49

Quan hệ quốc tế cần một thứ như công nghệ VAR được áp dụng ở World Cup để có thể xem xét các tranh chấp từ nhiều góc độ khác nhau và đưa ra quyết định công bằng.

Khi cuộc chiến giành ưu thế về chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác leo thang, với Mỹ và Trung Quốc là trung tâm, các quốc gia đang ngày càng thực hiện những bước để bảo vệ công nghệ của chính họ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trợ cấp xe điện của Mỹ đặc biệt gây tranh cãi. Chiến lược hành động đơn phương của Washington cộng với áp lực buộc các đồng minh phải làm theo đã vấp phải không ít chỉ trích.

Chuyên gia Akio Fujii nhận định rằng mặc dù các biện pháp an ninh kinh tế mà Mỹ áp dụng là có thể hiểu được, nhưng Washington nên thể hiện sự minh bạch hơn và tham gia vào các cuộc tham vấn trước với những đồng minh như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Một số chuyên gia Đông Nam Á cũng đã phản đối việc buộc phải chọn một bên giữa Washington và Bắc Kinh. “Gần đây, các nước Đông Nam Á đã chứng kiến một loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ. Họ đến và yêu cầu giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhưng điều đó thật khó thực hiện”, một nhà kinh tế ở Singapore cho biết.

Lãnh đạo chiến lược tại Tổ chức tư vấn Deloitte Tohmatsu (Nhật Bản) Nobuhiro Hemmi cho biết mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tiếp tục sâu sắc hơn trong thời kỳ đại dịch. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN tăng 22,4% mỗi năm từ 2019 đến 2021, trong khi đầu tư của ASEAN vào Trung Quốc tăng 15,9%.

ASEAN đã dẫn đầu bảng xếp hạng các đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc kể từ năm 2020, đánh bại Liên minh châu Âu (EU). Nhật Bản đã đứng thứ 4 trong danh sách trên cho đến năm 2021 và hiện tụt xuống thứ 5 trong 10 tháng năm nay khi để Hàn Quốc vượt mặt.

Hemmi giải thích điều này có thể là do “các công ty Nhật Bản tự nguyện hạn chế giao dịch với Trung Quốc, cùng với nhu cầu nội địa yếu của Nhật Bản”. Ngay cả khi Mỹ và châu Âu hạn chế thương mại trong các công nghệ tiên tiến, thương mại tổng thể với Trung Quốc đang cho thấy sự tăng trưởng vững chắc.

Trong một bài phát biểu vào tháng trước về "Khả năng cạnh tranh của Mỹ và thách thức của Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng "đại dịch COVID-19 đã mở rộng tầm mắt của về những rủi ro dài hạn, đối với khu vực tư nhân và người dân Mỹ, do sự phụ thuộc quá mức của chúng ta vào Trung Quốc”.

Bà Raimondo nhấn mạnh mục tiêu duy trì lợi thế của Mỹ trong 3 "công nghệ nền tảng": sinh học; năng lượng sạch; và điện toán tiên tiến, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo”. Raimondo đang được nhắc đến như một ứng cử viên tổng thống tiềm năng trong tương lai, lãnh đạo chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc và đã đi đầu trong nỗ lực lôi kéo các đối tác như Nhật Bản và châu Âu tham gia kiềm tỏa Bắc Kinh cùng Washington.

Mỹ đã hạn chế công nghệ chip tiên tiến ở Trung Quốc và bắt đầu trợ cấp ngành công nghiệp ô tô điện. Washington cũng đang xem xét giới hạn đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc. "Nếu các chính sách trên được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua, Nhật Bản và châu Âu có thể bị áp lực phải tuân theo", ông Kumiko Pivette (Tập đoàn tài chính PwC Nhật Bản) cho biết.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Pháp đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng các hành động đơn phương của Mỹ sẽ "chia rẽ phương Tây".

Sau gần một năm đoàn kết đối phó với Nga vì vấn đề Ukraine, mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) hiện rơi vào tình trạng căng thẳng khi nhiều nước châu Âu phản ứng với chính sách mới của Washington về trợ cấp chống biến đổi khí hậu, dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát mới được Tổng thống Joe Biden ban hành hồi tháng 8.

Đạo luật Giảm lạm phát đã làm dấy lên lo ngại ở Liên minh châu Âu, nhiều quan chức cảnh báo có thể gây ra tình trạng “phân biệt đối xử” đối với các công ty châu Âu. EU cáo buộc Đạo luật Giảm lạm phát đang tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ cho các nhà sản xuất xe điện Mỹ, đẩy các công ty châu Âu vào thế bị thiệt về giá cả, dẫn tới thua lỗ nghiêm trọng trên thị trường Mỹ.

EU đang bắt đầu đấu tranh để bảo vệ quyền lợi. Một quy định mới được phê duyệt vào cuối tháng 11 cho phép sàng lọc trước các giao dịch trong khối của các công ty nhận trợ cấp trên một mức nhất định. “EU phải có hành động để tái cân bằng sân chơi”, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Bruges (Bỉ) hôm 4.12.

Trong khi đó, tranh chấp liên quan tới hoạt động sản xuất chip giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên nấc thang mới khi Bắc Kinh khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Washington áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip theo Đạo luật Khoa học và chip. Diễn biến này gây lo ngại trong bối cảnh chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu vẫn ở trạng thái thiếu thốn.

Hồi tháng 10, Mỹ công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới trong khuôn khổ Đạo luật Khoa học và chip, qua đó ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Bộ Thương mại Trung Quốc khi đó cho rằng các hạn chế của Mỹ đe dọa ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khiếu nại của Trung Quốc đã kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc và nêu rõ các hành động này liên quan đến an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ quan điểm WTO không phải là diễn đàn phù hợp để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo chuyên gia Akio Fujii, tác động của đại dịch COVID-19 đã được cảm nhận trong các tranh chấp và chia rẽ khác nhau trên thế giới. Trong 3 năm kể từ khi vi rút corona xuất hiện, tương tác giữa người với người trên khắp thế giới đã bị đình trệ. Các giải pháp thay thế đã nảy sinh, chẳng hạn như các cuộc họp trực tuyến, nhưng chúng không thể truyền tải các sắc thái tinh tế một cách dễ dàng.

Ngoại giao “mặt đối mặt” cấp cao nhất cuối cùng đã bắt đầu trở lại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11 và gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Các quốc gia vẫn còn một chặng đường dài để giải quyết các vấn đề của mình, nhưng giao tiếp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo là một bước quan trọng.

Lịch sử cho thấy nhiều ví dụ về sự hiểu lầm lẫn nhau leo thang thành xung đột ngoài ý muốn. Các quốc gia cần một cách để quản lý khủng hoảng nhằm ngăn chặn xung đột quân sự và kinh tế. Về mặt kinh tế, điều quan trọng là phải xem xét các biện pháp mà các quốc gia thực hiện dưới danh nghĩa an ninh ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào.

Trong thời gian diễn ra giải bóng đá World Cup ở Qatar, ngay cả những quốc gia có quan hệ thù địch, như Mỹ và Iran, cũng phải tuân thủ các quy tắc trên sân.

Trợ lý trọng tài video (VAR) đã giúp giải quyết những khác biệt trong nhiều tình huống khó. Được trang bị cảm biến, phân tích cùng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ VAR có thể quan sát thấy những góc mà các trọng tài trên sân có thể đã bỏ qua. Điều này đã khiến trọng tài nhiều lần phải dừng trận đấu, nhưng những lần tạm dừng này có thể mang lại cho các đội cơ hội để bình tĩnh lại.

fifavr-1-.jpg
Phòng VAR trong trận đấu giữa Pháp và Peru tại World Cup 2018 diễn ra tại Nga - Ảnh: Getty

Tương tự, thế giới quan hệ quốc tế cần một thứ như VAR có thể xem xét các tranh chấp từ nhiều góc độ khác nhau và đưa ra quyết định công bằng. Vai trò này được cho là do các tổ chức đa phương đảm nhận, nhưng các cơ quan như Liên Hợp Quốc, WTO và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã không hoạt động tốt nhất.

Giờ đây, hoạt động ngoại giao cấp cao nhất đã được nối lại sau thời gian gián đoạn bởi vi rút corona, bước tiếp theo cần là xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp và quản lý khủng hoảng.

Đã đến lúc thế giới học hỏi từ các môn thể thao về lối chơi công bằng dựa trên luật công bằng.

Bài liên quan
Hai sân bay Việt Nam trong tốp sân bay tốt nhất thế giới
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được tổ chức Skytrax bình chọn nằm trong Top 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới nên học hỏi từ World Cup về cách giải quyết tranh chấp