Sau một khoảng thời gian khó khăn, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại vào cuối năm 2023, thổi bùng những tín hiệu lạc quan trong năm mới.
Năm 2023, trước tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, TP.HCM đã chịu nhiều tác động, trong đó có việc một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vào cuối năm có sự tiến triển nhất định khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại đã tạo ra những hy vọng tươi sáng cho bức tranh lao động - việc làm trong năm mới.
Dự báo năm 2024 sẽ là năm tiếp tục thực hiện các định hướng phát triển kinh tế của TP.HCM, nhất là phát huy thế mạnh về trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại - mua sắm; dịch vụ logistics; du lịch; đổi mới sáng tạo và đặc biệt là hướng tới sản xuất, tiêu dùng bền vững. Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính lực lượng lao động TP năm 2024 khoảng hơn 5,1 triệu người.
Với mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 8,5% của TP.HCM, Falmi dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 cần thêm từ 300.000 - 320.000 lao động. Trong đó, quý 1/2024 cần khoảng 77.500 - 86.000 người, quý 2 khoảng 75.470 - 77.168 người, quý 3 khoảng 68.910 - 73.504 người và quý 4 khoảng 78.120 - 83.328 người
Xếp theo lĩnh vực, nhu cầu lao động mới tập trung nhiều nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (71,31% tổng nhu cầu), công nghiệp - xây dựng (28,58%) và nông - lâm - thủy sản (0,11%).
Trong khi đó, báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group cho thấy những việc làm mới dần xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ tập trung về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh... Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như: công nghệ thông tin - viễn thông, xây dựng - bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính - tư vấn, bảo hiểm.
Điều đó có nghĩa là trong năm 2204 và sau này, nhu cầu lao động có trình độ để nắm bắt công nghệ vẫn rất lớn. Điều này thể hiện qua báo cáo của Falmi cho thấy: Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo của thành phố chiếm đến 87%; trong đó, trình độ sơ cấp là 19,57%, trung cấp chiếm 23,94%, cao đẳng khoảng 21,28% và trình độ đại học trở lên chiếm 22,21%. Nhu cầu lao động phổ thông chỉ chiếm 13%.
Nhóm nghiên cứu của ĐHQG TP.HCM cũng vừa công bố kết quả đề án khảo sát tuyển dụng tại 4 tỉnh, thành Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đó, kỹ thuật, sản xuất - chế biến, kinh doanh và quản lý là những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất ở 4 địa phương này.
Nhóm công việc này có nhu cầu tuyển dụng từ 11.000 đến trên 15.000 lao động mỗi năm trong giai đoạn từ 2023 đến 2025. Điều này cho thấy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là thị trường lao động lớn, với nhu cầu cao trong khối công nghiệp sản xuất - kinh doanh.