Chỉ còn gần 3 tuần nữa học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2014 – 2015. Trên thị trường, sách tham khảo ngày càng chiếm lĩnh thị trường với nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa được xuất bản. Tuy nhiên, có nhiều cuốn sách “ gắn mác” khác nhau nhưng nội dung lại trùng lặp và sao chép nhau.
Học như thế nào cho hiệu quả, đạt kết quả cao là mối quan tâm hàng đầu của học sinh lẫn phụ huynh. Vì thế, ngoài các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì học sinh thường chọn cho mình thêm những cuốn sách tham khảo để nâng cao và mở rộng thêm kiến thức. Để đáp ứng nhu cầu đó, thị trường sách tham khảo ngày càng được mở rộng với hàng ngàn đầu sách dành cho học sinh mọi lứa tuổi.
Thị trường sách đa dạng
Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, chỉ tính riêng gian hàng sách tham khảo đã chiếm tới gần phân nửa số lượng sách ở đây. Sách được chia thành từng khối lớp học. Mỗi lớp là một gian hàng trình bày đủ môn học, đủ loại sách. Từ những cuốn sách bổ trợ kiến thức đến sách học tốt, nâng cao...đều được bày biện gọn gàng, bắt mắt Bề ngoài, sách tham khảo rất đa dạng và phong phú về mẫu mã, chủng loại, tên sách, tác giả...
Các đầu sách ở đây đều được các “ ông lớn” xuất bản như NXB Giáo dục, NXB ĐHQG Hà Nội, NXB ĐHQG TP.HCM, NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP.HCM, NXB Hà Nội, NXB Đồng Nai...
Sách tham khảo đáp ứng nhu cầu cho tất cả cấp học mọi lứa tuổi, khác trước đây, thường sách tham khảo chỉ dành cho học sinh các lớp cuối cấp. Từ bậc mầm non có hàng chục đầu sách đến bậc tiểu học, THCS, THPT cũng có hàng trăm đầu sách.
|
Sách tham khảo được đa dạng hóa về cấp học cũng như lứa tuổi |
Học sinh lớp mẫu giáo thì có sách dành riêng và bổ trợ kiến thức đúng tuổi như sách tập viết, tập đếm, nhận biết hiện tượng, sự vật...
Với học sinh khối lớp tiểu học, sách tham khảo chủ yếu tập trung rèn luyện vốn tiếng Việt cũng như tư duy của trẻ. Nhìn lướt qua kệ bày bán,Toán và Tiếng Việt đã có hơn 100 đầu sách với đủ tên, tựa hấp dẫn.
Sách dành cho bậc THCS và THPT cũng không kém cạnh. Chỉ riêng hàng sách dành cho học sinh lớp 8 đã có hàng trăm đầu sách đủ môn học. Trong đó, môn Vật lý có tới 17 đầu sách nâng cao, môn tiếng Anh hơn 30 đầu sách, môn Toán xấp xỉ con số 30, môn Ngữ văn hơn 20,....
Sách dành cho việc ôn luyện đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ áp đảo hơn. Theo khảo sát của Một Thế Giới, chỉ riêng môn Tóan, Hóa học, Vật Lý đã có gần 100 đầu sách, ôn luyện môn Ngữ Văn có hơn 60 đầu sách, Lịch sử và Địa lý có gần 30 đầu sách...
|
Đa dạng và phong phú về mẫu mã, chủng loại, tên sách, tác giả... |
Nội dung của các cuốn sách tham khảo khối tự nhiên chủ yếu là hướng dẫn học sinh giải bài tập và các phương pháp học tốt nhất. Một số cuốn khác thì liệt kê lại các đề thi đại học qua các năm và giải từng câu để học sinh rút kinh nghiệm.
Với các môn xã hội thì sách chủ yếu là các bài viết mẫu và giúp học sinh vạch ra ý chính của câu hỏi. Ngoài ra, một số cuốn sách còn đề cập đến các phương pháp học các môn xã hội tốt nhất bằng cách chỉ ra các ý chính, liên kết các ý,các sự kiện để cho học sinh dễ nhớ nhất.
Nội dung bị sao chép nhiều
Đón mùa khai giảng, các nhà xuất bản tung ra nhiều ấn phẩm dành cho học đường. Học sinh tha hồ lựa chọn. Tuy nhiên, khi dừng lại từng trang sách, người đọc có thể phát hiện ra nhiều khiếm khuyết, sai sót, hoặc biên tập cẩu thả.
Nhiều đầu sách đều có tên, tựa khác nhau nhưng nếu để ý kỹ thì nội dung khá giống nhau. Nhiều cuốn còn sao chép y hệt nhau từ câu hỏi, hướng dẫn trả lời tới cách giải. Một ví dụ điển hình như môn Ngữ văn, các sách đều có chung tên như “ 200 bài văn mẫu”, “ 100 bài văn hay”, “ Để học tốt Ngữ văn”... Khi mở ra, người đọc dễ dàng nhận ra sự tương đồng về nội dung giữa các cuốn này.
|
Các cuốn sách có tên gọi và nội dung na ná nhau |
Nhiều cuốn sách nâng cao còn bê nguyên xi nội dung sách tham khảo dành cho giáo viên. Hay một nhóm tác giả, cùng một môn học, cùng một NXB lại cho ra đời nhiều cuốn sách với tên khác nhau hoàn toàn mà nội dung giữa các cuốn không khác nhau là bao.
Một số cuốn sách của khối xã hội lại xuất hiện tình trạng câu chữ lộn xộn, diễn đạt lủng củng, sai chính tả, lối suy diễn ngô nghê. Tình trạng này rất đáng lo ngại nếu học sinh chỉ tập trung ôn lyện theo sách tham khảo mà bỏ qua các kiến thức đúng chuẩn ở sách giáo khoa.
Dẫn con gái lớp 3 đi chọn sách, chị Phạm Thị Minh ( quận Bình Thạnh) khá băn khoăn khi không biết chọn cuốn sách nào tốt cho con “ Môn nào cũng chung một kiểu là sách “ học tốt”, “nâng cao”, “bổ trợ kiến thức”.... Nội dung giữa mấy cuốn này không khác nhau nhiều, còn cùng một tác giả, một NXB nữa chứ. Thôi thì cuốn nào giấy đẹp hơn thì chọn mua vậy chứ nội dung cũng có từng đó thôi. Trước kia tôi mua thường chú trọng NXB nhưng bây giờ thì tôi chú trọng nội dung hơn. Chỉ cần sách hay thì NXB nào sản xuất cũng được. ”
Hai cuốn sách “ Các đề thi theo hình thức tự luận thi tuyển sinh vào các trường ĐH và CĐ môn Địa lý” và cuốn “ Các đề thi theo hình thức tự luận thi tuyển sinh vào các trường ĐH và CĐ từ năm 2002 – 2003 đến năm 2008 – 2009 môn Địa lý” có nội dung rất giống nhau. Cả 2 sách được chia làm 2 phần gồm: đề thi, giải đề. Đặc biệt, cả 2 cuốn cùng chung tác giả và NXB là Nguyễn Văn Tiến và NXB Sư phạm.
Ngoài ra, cùng tác giả Trần Văn Đồng và NXB ĐHQG TP.HCM cũng cho ra đến 4 cuốn sách với 4 tên gọi “ Hướng dẫn làm bài thi vào ĐH – CĐ môn Văn”, “Giúp học giỏi làm văn 12: Bình giảng văn học”, “ Giúp học giỏi làm văn 12: Bình luận văn học”, “ Những bài văn đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia 12”.
Hay như tác giả Võ Liêm Anh – Võ Liêm An cũng cho ra 4 cuốn môn bài tập trắc nghiệm tiếng Anh mà nội dung các cuốn đều na ná nhau.
Phan Diệu