Dù trấn áp mạnh mẽ tội phạm kinh tế, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Lam Thanh | 23/05/2022, 11:57

Dù trấn áp mạnh mẽ tội phạm kinh tế, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.

Tỷ lệ phủ vắc xin thuộc nhóm cao nhất thế giới

Về phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao.

Đến ngày 15.5.2022 đã tiêm chủng trên 217 triệu liều; 100% người thuộc diện tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 59,6%; 100% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm 1 mũi, 96,4% tiêm 2 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm 1 mũi đạt 29,9%.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021.

Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỉ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỉ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỉ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỉ USD. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém...).

ptt.jpg
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15

Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhất là quản lý dân cư, thu thuế, hải quan điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng; các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại…

Phát hiện vi phạm kinh tế hơn 16 nghìn tỉ đồng, hơn 3 nghìn ha đất

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp và có chuyển biến tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

Cụ thể, phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỉ đồng, 3.069 ha đất; kiến nghị thu hồi 8.897 tỉ đồng và 114 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 người.

Các cơ quan hành chính tiếp nhận 97.250 đơn các loại (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh), đã xử lý 89.604 đơn. Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 5.367/8.773 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Đã điều tra, khám phá 10.951 vụ, bắt 25.303 tội phạm về trật tự, xã hội; triệt phá 265 băng nhóm tội phạm, có băng nhóm hoạt động tín dụng đen; bắt, xử lý 2.267 vụ, 12.044 đối tượng cờ bạc; phát hiện, xử lý 2.205 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; 134 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ; 491 vụ vi phạm pháp luật về môi trường...

Báo cáo cũng nêu rõ, công tác phòng chống tội phạm được triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Song song với đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; hoàn thiện thể chế chưa theo kịp sự phát triển của KTXH. Công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện...

Bên cạnh các yếu tố khách quan do tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan, trước hết là công tác phân tích, đánh giá, dự báo còn hạn chế.

Đồng thời tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao, có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Đẩy mạnh KH-CN, chuyển đổi số

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả

Phó thủ tướng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

ptt2.jpg
Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày trước Quốc hội

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý 4 năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành ...

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; cơ cấu lại thị trường và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một nhiệm vụ khác cũng được Chính phủ quan tâm là việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, ĐBQH về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương và chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng nhiều năm, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển KTXH…

Bài liên quan
ADB: Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh tại các nền kinh tế ASEAN+3
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam giảm 0,4% so với quý trước do khối lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro