Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng tình hình thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới và khu vực vừa qua hết sức là bất thường và nhiều chuyên gia cho rằng là "dị biệt".

Thị trường xăng dầu 'dị biệt', Bộ Công Thương nói gì?

Hoài Lam | 30/10/2022, 06:30

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng tình hình thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới và khu vực vừa qua hết sức là bất thường và nhiều chuyên gia cho rằng là "dị biệt".

Ông Đỗ Thắng Hải cho hay, ngay từ cuối năm 2021, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xảy ra (bắt đầu từ tháng 2.2022), thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao (giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57-85% so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên lục với biên độ lớn (nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021). Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và hiện nay tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong thời gian gần đây, xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết nguyên nhân do nguồn cung xăng dầu trên thị trường quốc tế khan hiếm, không ổn định (Việt Nam cần nhập khẩu 20-30% nguồn nhập khẩu về xăng dầu thành phẩm để phục vụ cho nhu cầu trong nước, ngoài ra chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô để phục vụ 2 nhà máy trong nước chế biến thành xăng dầu thành phẩm).

Đồng thời, do giá xăng dầu biến động lớn, phức tạp, dị biệt cho nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã gặp khó khăn và thua lỗ liên tục. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu xăng dầu cầm chừng. Các doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng bị ảnh hưởng hoặc không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

Nguyên nhân tiếp theo là trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/đồng tăng và nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng. Vì vậy các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Thêm vào đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng liên tục và tăng cao trong khi các chi phí này chưa được kịp thời tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.

“Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 - 1 tháng rưỡi (do vi phạm hành chính và bị xử phạt) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép”, ông Hải nói.

Một nguyên nhân nữa là mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng hóa trong một số giai đoạn.

Ông Hải cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu; cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ lẫn nhau để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Bộ cũng đồng thời kiến nghị các cơ quan liên quan để trình các cấp có thẩm quyền giảm các loại thuế của mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) và đồng thời rà soát điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng; chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước Bình Sơn và Nghi Sơn có các biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối; điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

ha.jpg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, đối với hạn mức tín dụng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Bộ Công Thương và Bộ Công Thương cung cấp danh sách 16 đầu mối xăng dầu. “Chúng tôi thấy rằng, hạn mức của 15 ngân hàng thương mại cấp cho 16 đầu mối xăng dầu hiện tại là chưa hết và còn tương đối thấp”, ông Hà nói.

“Qua phân tích, đánh giá của chúng tôi, tại sao lại có thông tin hết hạn mức? Thực ra vấn đề hạn mức như vậy gồm cho vay, cho vay đồng Việt Nam, cho vay ngoại tệ… các số dư đó đều thấp hơn rất nhiều so với hạn mức mà các ngân hàng đã cấp cho các đầu mối xăng dầu. Vấn đề không hẳn ở phía ngân hàng mà ở phía doanh nghiệp. Có nhiều phương án tài chính chưa hiệu quả. Đây là vấn đề liên quan đến điều kiện vay vốn chứ không hẳn là vấn đề hạn mức tín dụng. Các đầu mối xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết và thực ra là số dư khá lớn”, ông Hà nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường xăng dầu 'dị biệt', Bộ Công Thương nói gì?