Theo thông tin từ Bộ KH-CN, thông qua hỗ trợ của Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST), Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập được hệ thống quan trắc tăng cường và hệ thống dự báo, cảnh báo độ phân giải cao hạn ngắn, cực ngắn dông, mưa lớn và ngập lụt đô thị cho TP.Hà Nội.
Tiểu dự án thuộc Hợp phần 2.a - “Khoản tài trợ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (FIRST).
Tiểu dự án do Viện Vật lý địa cầu thực hiện từ tháng 6.2018 đến tháng 9.2019 và đã thiết lập và duy trì hệ thống quan trắc đồng bộ và hiện đại có độ phân giải cao mây, dông và mưa lớn. Hệ thống thiết bị gồm 2 radar X-band, 8 trạm đo điện trường, 2 trạm khí tượng tự động, 10 trạm đo mưa tự động, 1 máy bay không người lái (UAV), 1 trạm đo trần mây, 8 trạm thu tín hiệu vệ tinh định vị toàn cầu, 3 trạm cảnh báo sét.
Qua quá trình thực hiện, Viện đã xây dựng được hệ thống quan trắc tăng cường hiện đại làm đầu vào cho hệ thống dự báo, cảnh báo mưa lớn và ngập lụt đô thị cho Hà Nội. Ngoài ra, Viện cũng thiết lập được hệ thống mô hình tiên tiến dự báo, cảnh báo mưa lớn và ngập lụt đô thị, đưa sản phẩm tới người sử dụng.
Về nhân lực của dự án, một số cán bộ của Viện đã được cử sang Đài Loan học tập, nghiên cứu. Các chuyên gia tại Úc cũng được mời đến để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong các khóa học ngắn hạn nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu vật lý khí quyển cho đội ngũ cán bộ của Viện.
Được biết, các trạm quan trắc được đặt tại các địa điểm của TP.Hà Nội gồm Thạch Thất, Đông Anh, Xuân Mai, Chương Mỹ, Nghĩa Đô, Trâu Quỳ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phú Thượng.
Thu Anh