Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Thiếu hành lang pháp lý, nhà đầu tư gặp rủi ro khi bỏ tiền vào Finhay, Tikop

Lam Thanh | 07/10/2022, 17:30

Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Passion Invest, Finhay, Tikop… bị cảnh báo

Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa cảnh báo Passion Invest, Finhay, Tikop… có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban cấp phép.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

“Việc này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán”, văn bản nêu.

Được biết, Finhay phát triển nền tảng quản lý tài chính cho nhà đầu tư cá nhân với những khoản đầu tư nhỏ chỉ từ 50.000 đồng. Đơn vị này khuyến nghị người dùng chỉ quyết định sử dụng ứng dụng khi cảm thấy đã sẵn sàng và chấp nhận các rủi ro (nếu có). Tương tự, với vốn chỉ từ 50.000 đồng, nhà đầu tư cũng có thể tham gia vào Tikop. Đây là một ứng dụng tài chính Fintech thuộc CTCP công nghệ Techlab ra mắt từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, đơn vị này thường xuyên lỗ nặng.

fin-hay.jpg
Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa cảnh báo Passion Invest, Finhay, Tikop…

Passion Investment là tổ chức chuyên đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập từ năm 2015 với quy mô tài sản hàng trăm tỉ đồng. Theo quảng cáo, Passion Investment cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng lên tới trên 50 tỉ đồng. CEO của Passion Investment là ông Lã Giang Trung.

Còn Infina, nền tảng đầu tư và tích lũy được sở hữu bởi công ty RealStake, được thành lập vào năm 2018 tại Singapore và có chi nhánh tại Việt Nam. Ngoài đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi... Infina còn có sản phẩm đầu tư chung bất động sản theo hình thức mua 1 phần sở hữu trực tiếp từ Infina hoặc từ các sàn giao dịch.

Buff là ứng dụng của Công ty cổ phần Buff Fintech, cung cấp các sản phẩm tài chính, lãi suất theo quảng cáo hấp dẫn hơn so với kênh tiết kiệm truyền thống. Trong đó, sản phẩm tích lũy kỳ hạn cố định (1-18 tháng) cho lãi suất lên đến 9,6%/năm. Sản phẩm được cấu thành từ các công cụ nợ do các đơn vị tư vấn thị trường thẩm định, chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Thiếu hành lang pháp lý

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng Khoản 35, Khoản 36 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định: “Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán là hoạt động quản lý theo ủy thác của từng nhà đầu tư trong việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán và các tài sản khác của nhà đầu tư. Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là hoạt động quản lý trong việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán và các tài sản khác của quỹ đầu tư chứng khoán.”

Theo đó, các công ty chứng khoán muốn hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn, điều kiện về cổ đông, về cơ cấu cổ đông, điều kiện cơ sở vật chất cũng như điều kiện về nhân sự theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và phải được cấp phép hoạt động bởi Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Tuy nhiên, vừa qua một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch, rồi sử dụng truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp phép.

hung-2.jpg
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, bản chất của các app Fintech là thúc đẩy cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt lợi và hại của nó và đầu tư vào Fintech cũng không là trường hợp ngoại lệ. Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song thị trường Fintech ở Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển.

So với các nước trong khu vực, số lượng công ty Fintech tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Fintech ở Việt Nam chưa thực sự phát triển do hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp Fintech, công ty phát triển công nghệ...) cũng như khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ.

Đồng thời khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực này chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và hoàn thiện, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động P2P Lending; cơ sở pháp lý chưa quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech.

Ngoài ra, hoạt động Fintech cần chịu sự quản lý và thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan bộ, ngành chủ quản khác nhau do Fintech có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, hoạt động khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thể chế quản lý, giám sát cũng như chức năng nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với lĩnh vực Fintech cũng như chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động Fintech.

“Quy định pháp lý cụ thể cho hợp tác phát triển giữa ngân hàng và Fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này chưa có. Việc các cơ quan quản lý xem Fintech như một cánh tay nối dài của ngân hàng mà chưa được hoạt động độc lập trong hệ thống tài chính cũng là một khó khăn của các công ty Fintech trong hoạt động thanh toán điện tử”, ông Hà nêu.

Nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro

Do đó, ông Hà cho rằng nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích. Hơn nữa, lợi dụng sự phát triển của Fintech, trên thị trường tài chính còn xuất hiện nhiều app trá hình, không có người chịu trách nhiệm pháp lý, cho vay tín chấp nhanh chóng, lãi suất cắt cổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người vay.

ha.jpeg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

“Fintech hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số, do đó, cơ quan nhà nước rất khó để có thể quản lý, kiểm soát, nhất là các rủi ro trong vấn đề về rửa tiền, tài trợ khủng bố… đe dọa tính lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính; đồng thời nhà đầu tư có thể bị mất dữ liệu, thông tin khi tham gia đầu tư vào Fintech”, ông Hà nói.

Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Do không được pháp luật bảo vệ nên khi xảy ra tranh chấp thì rất khó để được các cơ quan nhà nước thụ lý giải quyết quyền lợi.

Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động fintech theo cách tiếp cận mở nhưng kiểm soát được rủi ro (như cơ chế sandbox…). Đồng thời, cần ban hành các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu hành lang pháp lý, nhà đầu tư gặp rủi ro khi bỏ tiền vào Finhay, Tikop