Trang The Japan News cho biết, ngày càng nhiều nhà trọ truyền thống của Nhật tại các điểm nghỉ dưỡng có suối nước nóng không còn phục vụ bữa tối cho du khách nữa mà khuyến khích họ ăn ngoài.
Nhà trọ truyền thống của Nhật gọi là ryokan, vốn phục vụ hai bữa ăn cho khách lưu trú. Nhưng giờ đây truyền thống bị phá vỡ vì khách nước ngoài thường muốn khám phá nhiều món khác nhau, trong khi lao động tại các quán trọ lại thiếu hụt. Để giải quyết vấn đề, ryokan hợp tác cùng các quán ăn và một số cơ sở bên ngoài, trên địa bàn.
Tại thị trấn nghỉ dưỡng Kusatsu trên địa bàn tỉnh Gunma, Yoshihisa Mizuide - chủ ryokan Omame no Koyado Hanaingen - giới thiệu cho khách một danh sách những quán ăn có thể dùng bữa. Một sinh viên lưu trú cùng bạn gái chia sẻ: “Tôi rất mong được thử món ăn ở địa điểm mới”.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Cách đây 20 năm chỉ có một số ít ryokan không phục vụ bữa ăn, nhưng hiện nay, có khoảng 30 trên tổng số 110 nhà trọ truyền thống ở địa phương lựa chọn làm vậy.
Omame no Koyado Hanaingen là một quán trọ chỉ phục vụ bữa sáng. Mizuide mở lại ryokan của gia đình vào năm 2016, ông nghĩ rằng nếu không phải phục vụ bữa tối thì ông và mẹ mình đủ sức quán xuyến.
Tập đoàn Naraya điều hành 6 ryokan tại Kusatsu, 4 trong số đó cung cấp lựa chọn lưu trú qua đêm không gồm bữa ăn. Số lượng nhân viên cần thiết để vận hành ryokan không phục vụ bữa tối chỉ bằng khoảng 1/5 số lượng nhân viên vận hành nhà trọ truyền thống cùng quy mô nhưng có phục vụ bữa tối. Giám đốc cấp cao Tatsuya Saeki, 49 tuổi, cho biết: “Hệ thống này cho phép chúng tôi tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và thu được nhiều lợi nhuận hơn”.
Vì khách lưu trú qua đêm ăn ngoài, số lượng quán ăn trên địa bàn Kusatsu tăng lên gần 120 quán, tăng 20% so với trước đại dịch. Nhờ ryokan không còn phục vụ bữa tối mà số lượng du khách đến thị trấn trong năm tài khóa 2023 đạt mức kỷ lục: 3,7 triệu lượt. Dự kiến, năm tài khóa 2024 còn cao hơn nữa.
Theo thị trưởng Kusatsu Nobutada Kuroiwa: “Chúng tôi hiện có mạng lưới du lịch phát triển lành mạnh, cả ryokan lẫn quán ăn đều hưởng lợi”.
Thiếu lao động
Một trong số lý do chính thúc đẩy ryokan phá bỏ truyền thống phục vụ bữa ăn. Số lượng nhân viên đã giảm mạnh lúc đại dịch, khi đại dịch qua đi và lượng du khách tăng vọt thì tình trạng thiếu hụt lại càng nghiêm trọng.
Theo khảo sát do công ty Teikoku Databank thực hiện vào tháng 10.2024, mặc dù tình trạng thiếu hụt giảm bớt phần nào nhưng 60% ryokan lẫn khách sạn được hỏi vẫn không thể tuyển đủ nhân viên thường trực lẫn thời vụ.
Cơ quan Du lịch Nhật năm 2023 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình của ryokan chỉ khoảng 40%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 70% của khách sạn thương mại. Takamichi Otonari - chủ ryokan Oku no Yu ở tỉnh tỉnh Kumamoto - lý giải: “Chúng tôi khó tuyển nhân viên mới. Do thiếu nhân viên bếp cùng phục vụ nên chúng tôi không thể cho thuê tất cả phòng”. Hiệp hội Ryokan và Khách sạn Nhật cho biết vài cơ sở buộc phải đóng cửa vào một số ngày nhất định vì không đủ lao động.
Nếu ryokan ngừng phục vụ bữa tối để chuyên tâm cung cấp dịch vụ lưu trú, số tiền mà khách bỏ ra sẽ giảm. Nhưng như vậy cho phép cơ sở tiếp nhận nhiều khách hơn với ít nhân viên hơn, dẫn đến tỷ lệ lấp đầy phòng tăng lên. Lợi nhuận nhờ đó cũng tăng lên do kiểm soát được chi phí nhân sự cùng nhiều chi phí khác.
Số lượng khách nước ngoài tăng cộng thêm xu hướng khách chi nhiều hơn cho ăn uống chứ không phải lưu trú thúc đẩy ryokan thay đổi. Để thích ứng, các địa phương nỗ lực thiết lập hệ thống du lịch mà khách có thể ăn uống bên ngoài. Tại thị trấn nghỉ dưỡng Kinosaki, quán ăn mở cửa muộn hơn. Thị trấn nghỉ dưỡng Matsunoyama xây dựng cơ sở có quán cà phê, quán bar, trung tâm thông tin du lịch nằm gần nhau.