Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa thông báo cho phép 106 doanh nghiệp, đơn vị chế biến sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, trong đó cho phép cả việc đưa cả thịt bò không xương được chế biến từ bò dưới 30 tháng tuổi vào thị trường.

Thịt nội khóc ròng vì bị thịt ngoại đè bẹp trên sân nhà

Một Thế Giới | 13/05/2015, 10:43

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa thông báo cho phép 106 doanh nghiệp, đơn vị chế biến sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, trong đó cho phép cả việc đưa cả thịt bò không xương được chế biến từ bò dưới 30 tháng tuổi vào thị trường.

Bị chi phối cả
Hiện mỗi mặt hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đều có "đại gia" nước ngoài chiếm lĩnh, chẳng hạn thịt gà từ các nhà nhập khẩu Mỹ, Brazil, Hàn Quốc...; thịt bò từ Úc, New Zealand; heo từ châu Âu... 
Trong năm 2014, cả nước nhập khẩu thịt các loại với 400 triệu USD, trong đó có 250 triệu USD là nhập khẩu trâu, bò sống, riêng Úc chiếm tới 200 triệu USD; giá trị nhập các loại thịt gia cầm cũng lên đến hơn 120 triệu USD. 
Còn trong quý I năm nay, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, các loại thịt gia súc, gia cầm nhập về Việt Nam tiếp tục có mức tăng đáng kinh ngạc. Lượng trâu, bò sống nhập về đạt hơn 115.000 con, trị giá lên tới gần 124 triệu USD. Úc vẫn là nước cung cấp bò sống lớn nhất, với số lượng trung bình hơn 30.000  con mỗi tháng. Bên cạnh đó, còn có hơn 1.000 tấn thịt trâu, bò. Nhóm thịt đông lạnh có 971 tấn thịt heo, hơn 34.000 tấn thịt gà.
Theo ghi nhận diễn biến giá cả các nhóm hàng thịt nhập khẩu trong những năm vừa qua, hầu hết các mặt hàng thịt khi mới vào thị trường Việt Nam đều có mức giá khá thấp, nhưng sau khi chiếm thị phần lớn, giá những sản phẩm này không còn rẻ nữa. 
Cụ thể, thịt heo nhập khẩu tăng 24,7% về lượng, nhưng giá trị tăng tới 63,6%; trâu, bò sống tăng 74,6%, giá trị tăng tới trên 107%. Bò Úc khi mới vào thị trường Việt Nam có mức giá không cao hơn nhiều thịt bò trong nước, tuy nhiên hiện nay giá thịt bò Úc đã bỏ xa thịt bò nội. Thịt đùi bò Úc hiện dao động ở mức 300.000- 310.000 đồng/kg, đùi bò Việt Nam thấp hơn 100.000 đồng/ kg, bắp bò Úc cao hơn ít nhất 50.000 đồng/kg, thăn bò úc có khi cao hơn tới 120.000 đồng/kg so với thăn bò nội...
 Điều này giải thích vì sao Canada, Ba Lan và các nước châu Âu gần đây tích cực đẩy mạnh chương trình tiếp thị xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thịt vào Việt Nam cũng gia tăng chóng mặt.
Giá thịt trong nước có chịu sự chi phối từ nguồn thịt nhập khẩu ? Ngay sau khi có thông tin Bộ NN-PTNT ngưng cấp phép nhập khẩu thịt gia cầm, chủ yếu là thịt gà từ Mỹ (bắt đẩu từ 1.5.2015) do dịch cúm gia cầm, giá thịt gà trong nước tăng bình quân 1.500-2.000 đồng/kg. Sở dĩ thông tin trên ảnh hưởng đến thị trường thịt gà trong nước vì trong số 23 quốc gia xuất khẩu thịt gà vào Việt Nam, Mỹ (chủ yếu đùi gà) chiếm tới trên 57% thị phần, sau đó đến Brazil, Hàn Quốc...
Thua mọi mặt
Giá thịt gia súc, gia cầm đang phụ thuộc nhiều, nếu không muốn nói thịt nhập có tính quyết định. Với những loại thịt mà nguồn cung trong nước không đủ cầu như thịt bò, giá sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thịt nhập là điều dễ hiểu. Điều đáng nói, thịt gà trong nước có nguồn cung dồi dào hơn, nhưng các nhà xuất khẩu nước ngoài cũng chi phối mức giá sản phẩm trong nước. 
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, hộ nuôi gà tại Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương, từ nhiều tháng nay, chi phí chăn nuôi luôn ở mức 27.000- đồng/kg, nhưng người nuôi như ông chỉ bán được mức giá 22.000 - 23.000 đồng/kg, nguyên nhân chủ yếu là thịt gà đông lạnh được nhập khẩu về với giá khá rẻ. Các hộ chăn nuôi tìm đủ mọi cách để giảm chi phí, song cũng không thể cạnh tranh nổi.
Việc ngưng nhập thịt gà từ Mỹ khiến giá gà tại phía Nam ngay lập tức tăng thêm 2.000 đồng/kg, thực chất có giúp người chăn nuôi trong nước hưởng lợi? ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty TMDV THO, một nhà nhập khẩu thịt gà đông lạnh giải thích, đây chỉ là thông tin tác động tâm lý do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. 
Rất nhiều nhà nhập khẩu trong nước cho rằng, nguồn thịt gà từ các nước châu Âu, Hàn Quốc sẽ nhanh chóng bù đắp vào khoảng trống này vì mức giá ngang bằng với giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ. Thịt bò hay heo cũng vậy, hụt nguồn cung từ quốc gia này có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác.
Đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT thừa nhận, thịt nhập không ngừng gia tăng doanh số là do giá cạnh tranh hơn và chúng ta không có hàng rào gì kìm hãm được. Vị này từ chối cho biết có bao nhiêu nhà nhập khẩu được cấp phép, chỉ cung cấp rằng từ đầu năm đến nay Bộ NN-PTNT đã cấp chứng nhận cho doanh nghiệp của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ được xuất khẩu thịt vào VN.
Theo ông Wieslaw Rozanski, Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất và doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp thịt châu Âu, không khó để có được giấy phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Ông Wieslaw Rozanski cho hay, thịt các loại nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ NN-PTNT Việt Nam giám sát, nên các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đăng ký qua cơ quan này, đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Đáp ứng các yêu cầu đó không quá khó khăn đối với các nhà sản xuất, chế biến thịt chuyên nghiệp của châu Âu.
Thư Hùng / Phụ Nữ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thịt nội khóc ròng vì bị thịt ngoại đè bẹp trên sân nhà