Nhiều khi, chỉ vội một chút mà thiệt hại lại lớn vô cùng khi chúng ta tính toán chưa thấu tình đạt lý mà nếu chậm một chút còn hơn vội vàng. Tuy nhiên, trong quá trình CPH, những doanh nghiệp làm ăn kém, có nguy cơ phá sản thì dứt khoát không nên níu kéo mà tốn kém thêm.

Thoái vốn: Cẩn trọng nhưng không thể chậm trễ!

03/08/2016, 04:46

Nhiều khi, chỉ vội một chút mà thiệt hại lại lớn vô cùng khi chúng ta tính toán chưa thấu tình đạt lý mà nếu chậm một chút còn hơn vội vàng. Tuy nhiên, trong quá trình CPH, những doanh nghiệp làm ăn kém, có nguy cơ phá sản thì dứt khoát không nên níu kéo mà tốn kém thêm.

Trung tuần tháng 7 vừa rồi, khi làm việc với Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn câu chuyện của Sabeco và Vinamilk và cho rằng, đối với các ngành không cần nhà nước nắm cổ phần chi phối như bia, rượu, sữa... thì phải đẩy mạnh thoái vốn nhằm thu tiền về cho ngân sách mà doanh nghiệp (DN) thì vẫn phát triển. "Nếu thấy DN yếu quá trong các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ thì bán khoán đi cho tư nhân. Cứ giữ mãi tư tưởng quốc doanh thì rất khó phát triển", Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh: "Phải coi DN tư nhân là động lực của nền kinh tế, trong khi DN nhà nước phải thu gọn lại nhưng hiệu quả thì tăng lên".

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại về công tác tổ chức nhân sự của ngành công thương thời gian gần đây, mà theo Thủ tướng là "tạo dư luận không tốt". "Phải cơ cấu lại bộ máy. Ngay từng thứ trưởng phụ trách cũng phải tái cơ cấu nhân sự trong những bộ phận mình được giao. Đừng để người ta bảo bộ máy đông, đến 30 vụ, cục mà không làm gì. Cũng đừng để người ta bảo nói mãi mà không chịu làm"...

Thực ra, Bộ Công Thương từng đã có chủ trương bán hết vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn( Sabeco) theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cho đến nay, sau cả chục lần trình, đề án vẫn chưa thực hiện được. Nói như Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính( VAFI) mới đây nhân vụ lùm xùm của câu chuyện mang tính cá nhân về cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, chuyện lên sàn của Sabeco có gì mà khó và chậm triển khai đến vậy?

Theo VAFI thì hơn 10 năm trước, sau khi SCIC được Chính phủ thành lập, nhiều DN trực thuộc Bộ Công Thương đã cổ phần hóa và đã nhanh chóng bàn giao phần vốn nhà nước về cho SCIC quản lý. Tuy nhiên, trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì lại làm ngược lại, điển hình tiêu biểu là Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa, phần vốn nhà nước vẫn không được giao về cho SCIC.

Trong khi đó, rất cần khẩn trương thoái vốn khỏi các DNNN nhằm tái cơ cấu khu vực này. Mặt khác, khi kinh tế nước nhà đang đứng trước những khó khăn chất chồng: nợ công cao chạm ngưỡng báo động; vốn vay quốc tế đều đến lúc phải trả ; ngân sách thâm hụt trong khi bộ máy công chức lại quá cồng kềnh và cũng chẳng giống ai trên thế giới này; thiên tai, hạn hán ngày một nhiều hơn, khủng khiếp hơn... thì đòi hỏi càng cần phải chắt chiu, tiết kiệm hơn và cũng phải tìm mọi cách để tận thu ngân sách sao cho tốt hơn, trong đó có vấn đề cổ phần hoá DNNN.

Trên báo Tiền Phong, cựu Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất nói rất hình tượng về DN này. Ông xem nó như một "cô gái xinh" trong số các DNNN "có nhiều đại gia vây quanh". DN này thu về rất nhiều tiền cho nhà nước. Đã vậy thì có nên mang ra chợ trời mà rao bán ào ào? Ông nói đại ý rằng phải chọn "chàng rể" nào xứng với "cô gái xinh" ấy mới là khó và cần thiết. Đó cũng là trách nhiệm của ngành trước Chính phủ. Sabeco tồn tại đến nay đã trên 140 năm có dư (1915-2016). Tại thị trường bia ở Việt Nam, Sabeco chiếm trên 40% thị phần. Một con số đáng lưu tâm của nhiều đại gia đồ uống thế giới. Sabeco năm 2015 có doanh thu " khủng" với con số là 33.600 tỷ đồng; vốn theo nguyên giá là hơn 6.200 tỷ và nộp ngân sách 17.000 tỉ/năm (cả thuế tiêu thụ đặc biệt). Còn Vinamilk, một DN cũng hoạt động rất tốt, doanh số mỗi năm những 40.000 tỷ đồng nhưng nộp ngân sách cũng chỉ 7.500 tỷ mà vốn những 12.000 tỷ.

Tôi hiểu ý ông Tuất, nay lại ở cương vị Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển DN Bộ Công Thương khi ông muốn nói một điều, rằng nên thận trọng trong chuyện thoái vốn bởi nếu không, nhà nước sẽ bị thua thiệt vì bị những nhóm lợi ích câu kết cùng nhau dìm giá để được mua rẻ. Khi đó, nhà nước sẽ chịu thiệt và trách nhiệm để xảy ra thiệt hại là những ai đang tham mưu cho Chính phủ chuyện này.

Trong khi đó, tiến sĩ Đặng Vũ Chư, người từng giữ cương vị Bộ trưởng suốt 12 năm (1990-2002), từ Bộ Công nghiệp nhẹ, sau hợp nhất 3 bộ vào làm một, gọi là Bộ Công nghiệp, người đã từng kiên trì đề nghị Đảng, Chính phủ sớm cổ phần hoá các DNNN từ trên 20 năm trước, rất tán đồng với quan điểm nêu ở trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, chia sẻ về nhận xét ví von của ông Phan Đăng Tuất, ông Chư nói thêm rằng, cần tìm được những DN nào (không kể trong hay ngoài nước) thực sự có chuyên sâu ở lĩnh vực này và có tiềm lực mạnh cùng tham gia theo hướng là đối tác chiến lược thì sẽ tốt hơn cho nhà nước.

Song nói thì như vậy, nhưng nếu làm bằng mọi giá thì không nên. Nhiều khi, chỉ vội một chút mà thiệt hại lại lớn vô cùng khi chúng ta tính toán chưa thấu tình đạt lý mà nếu chậm một chút còn hơn vội vàng.
Tuy nhiên, trong quá trình CPH, những doanh nghiệp làm ăn kém, có nguy cơ phá sản thì dứt khoát không nên níu kéo mà tốn kém thêm. Dạng như Nhà máy luyện cán thép Thái Nguyên mới đây báo chí đề cập, càng đổ tiền càng bế tắc, hoặc như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) nằm chết gí từ khi ra đời... thì nên sớm cho đấu thầu, tuyên bố phá sản, rất không nên kéo dài thêm.

Mới rồi, VAFI có nêu 5 yếu kém của "triều đại" Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. VAFI cho rằng, Bộ Công Thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng tiền nhiệm Hoàng Trung Hải. Bộ Công Thương là bộ nắm nhiều DN ở vị thế kinh doanh thuận lợi nhưng theo đánh giá của VAFI, việc cổ phần hóa ở bộ này trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ Giao thông Vận tải thời Bộ trưởng Đinh La Thăng lãnh đạo.

Cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN là việc tất yếu phải làm và không nên chậm trễ thêm. Vì thế, vừa phải cẩn trọng lại vừa phải khẩn trương, không nên trì hoãn... Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Theo tôi, việc này cần được bàn luận kỹ càng hơn nữa trong lúc mà Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ở Bộ Tài chính hiện làm ăn cũng không giỏi giang gì, lại bị "tiếng oan" là "ngồi mát ăn bát vàng". Nếu không khéo coi chừng lại "bình cũ rượu mới" mà thôi.

Vì vậy theo tôi, trước mắt, với các DN thua lỗ, thậm chí đang làm ăn bình thường thì cần khẩn trương thoái vốn. Nếu thấy càng kéo dài càng nguy hại cho nền kinh tế thì càng phải sớm cắt lỗ, cho phá sản thật nhanh. Riêng đối với các DN có tiềm năng, nộp ngân sách cao và bản thân đang là DN mạnh thì cần cẩn trọng, tìm đối tác chiến lược có kinh nghiệm để "chọn mặt gửi vàng”. Cẩn trọng, nhưng cũng vẫn trên tinh thần khẩn trương, không nên viện lý do này khác để chậm trễ.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoái vốn: Cẩn trọng nhưng không thể chậm trễ!