Khi các bộ luật có vai trò hướng dẫn và tạo không gian cho nền kinh tế vận hành không thực sự hiệu quả và rõ ràng, nó có thể khiến cho các nỗ lực cải cách kinh tế gặp nhiều lực cản và khó có thể đạt được hiệu quả

Quốc hội nên giành lại 'quyền lập pháp' từ Chính phủ

30/07/2016, 13:06

Khi các bộ luật có vai trò hướng dẫn và tạo không gian cho nền kinh tế vận hành không thực sự hiệu quả và rõ ràng, nó có thể khiến cho các nỗ lực cải cách kinh tế gặp nhiều lực cản và khó có thể đạt được hiệu quả

Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua dường như đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán, khi chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 3 tháng) nó đã động đến một trong những vấn đề cốt lõi nhất đối với mọi cuộc cải cách: nền tảng pháp luật và chính sách. Đã xuất hiện khá nhiều động thái mang ý nghĩa đặt lại vấn đề về sự cần thiết, hiệu quả và phù hợp của các quy định, điều luật và thậm chí là cả một số bộ luật nữa. Khi các bộ luật có vai trò hướng dẫn và tạo không gian cho nền kinh tế vận hành không thực sự hiệu quả và rõ ràng, nó có thể khiến cho các nỗ lực cải cách kinh tế gặp nhiều lực cản và khó có thể đạt được hiệu quả. Thủ tướng đã tuyên bố mục tiêu của Chính phủ là hướng tới một chính phủ kiến tạo và phục vụ thay vì chú tâm vào quản lý như trước. Nhưng, Chính phủ chỉ có thể được giữ vai trò kiến tạo và phục vụ chỉ khi nào có một Quốc hội kiến tạo và phục vụ trước đã.

Không phải là một sự ngẫu nhiên, khi trong thời gian qua các nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ và các cơ quan quản lý có xu hướng chuyển dần sang các vấn đề về hiệu quả chính sách và pháp luật trong nền kinh tế, lại diễn ra cùng lúc với việc xuất hiện những tiếng nói phản biện về chất lượng và hiệu quả ban hành luật của Quốc hội. Ngoài một số sự cố như dự thảo Luật Hình sự 2015 được một số vị đại biểu Quốc hội gọi là một thảm họa lập pháp khi có tới gần 100 lỗi sai trong một bộ luật có phạm vi ảnh hưởng lên toàn bộ người dân Việt Nam; thì chất lượng các quy định, điều luật và thậm chí cả một số bộ luật trong lĩnh vực kinh tế cũng đang bị đặt một dấu hỏi lớn về chất lượng và hiệu quả trong thực tế. Những sự kiện như hội thảo tổng kết đánh giá hiệu quả thi hành Luật mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Văn phòng chính phủ tổ chức đã có tới 50 trong số 150 quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh cần sửa đổi theo phản ánh của các doanh nghiệp; hoặc những tiếng nói đề xuất hủy bỏ Luật Đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian vừa qua, là những dấu hiệu khá rõ rệt cho thấy một thực tế, đó là chất lượng và hiệu quả làm luật đang tác động trực tiếp và rất lớn đối với những nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ.

Một thực tế đáng lưu ý đối với chương trình cải cách kinh tế của Việt Nam hiện nay, đó là chất lượng và hiệu quả lập pháp đang không theo kịp với chương trình cải cách kinh tế diễn ra trong thực tế. Các quy định, điều luật và thậm chí là một số bộ luật ra đời với chất lượng chưa thực sự hiệu quả đối với các bộ phận kinh tế mà nó quy định, trong khi lại thiếu một cơ chế đánh giá hiệu quả thi hành khi một bộ luật ra đời trung bình phải mất tới 4-5 năm mới có báo cáo đánh giá hiệu quả trên thực tế và khi đó mới bắt tay vào sửa chữa. Ngoài ra, những yêu cầu liên quan đến việc hủy bỏ một số bộ luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng đang có dấu hiệu diễn ra chậm trễ và không thực sự hiệu quả. Điển hình cho tình trạng này là đề xuất hủy bỏ Luật Đầu tư hiện đang được khá nhiều chuyên gia và nhà phân tích ủng hộ.

Luật Đầu tư khi ra đời năm 2005 được xem là công cụ cần thiết để các cơ quan quản lý sử dụng để gây sức ép với các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO, nên những điểm bất hợp lý và gây rắc rối trong môi trường đầu tư của nó được xem là điều cần thiết. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết các cam kết với WTO đã được Việt Nam thực hiện hết, thì về lý thuyết Luật Đầu tư đã không còn chức năng và hiệu quả trên thực tế nữa. Thay vì được hủy bỏ như một bộ Luật đã hết hạn sử dụng, thì những quy định rối rắm vốn ban đầu để quản lý các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ lộ trình của nó lại đang bị một số cơ quan quản lý sử dụng để chèn ép, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.

Sự liên quan và tác động trực tiếp của quá trình lập pháp đến các nỗ lực cải cách nền kinh tế vì thế đang đặt ra một yêu cầu lớn đối với Quốc hội Việt Nam, đó là làm cách nào để tốc độ và hiệu quả của quá trình lập pháp theo kịp được với những nỗ lực cải cách về kinh tế. Rõ ràng, quy trình lập pháp hiện nay về bản chất đang tỏ ra không còn phù hợp với các yêu cầu thực tế nữa, nhất là yêu cầu ban hành các bộ luật có thể tạo ra không gian mở cần thiết cho các cải cách trong lĩnh vực kinh tế của Chính phủ.

Trước hết, dù là cơ quan lập pháp nhưng Quốc hội hiện nay lại không giữ vai trò cơ quan soạn thảo dự luật, mà lại do Chính phủ mà cụ thể là các bộ thực hiện. Điều này dẫn tới rất nhiều hệ lụy, trước hết là các dự thảo luật do các bộ thực hiện thường ít chi tiết và thiếu rõ ràng để có thể điều chỉnh hành vi kinh doanh và đầu tư ngay trong luật, khiến cho xuất hiện tình trạng cần phải có thông tư và nghị định hướng dẫn. Đây lại là khoảng trống để nhiều bộ ngành cài cắm các lợi ích riêng của mình, mà điển hình là khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh trái phép do các thông tư của nhiều bộ ban hành trong nhiều năm qua và chỉ mới được gỡ bỏ cách đây một tháng, gây ra những trở ngại lớn cho phát triển kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do Quốc hội hiện đang thiếu hụt số lượng các đại biểu chuyên trách cũng như các nhóm chuyên gia có thể phản biện độc lập các dự luật. Nói cách khác, quá trình lập pháp của chúng ta hiện nay đang có nhiều kẽ hở, cả trong bước soạn thảo dự luật lẫn bước đánh giá, kiểm định và thông qua luật.

Không chỉ thiếu các đại biểu có thể soạn thảo luật, cũng như các đại biểu chuyên trách và nhóm chuyên gia phản biện các dự luật, mà quy trình lập pháp hiện nay cũng đang hạn chế khá nhiều quyền tham gia và phát biểu ý kiến của các đại biểu quốc hội đối với việc đánh giá và thông qua các bộ luật. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì các đại biểu quốc hội nếu không phải là Ủy viên UBTVQH thì rất ít có cơ hội để tham gia ý kiến, nhiều hoạt động có liên quan thẩm tra thì không được tham dự. Ngay cả đại biểu chuyên trách ở Trung ương cũng hiếm khi được mời tham dự những hoạt động này. Trong khi đó nhiều đại biểu tâm huyết có ý kiến tham gia thì cũng không có cơ hội, nhiều khi xin tài liệu cũng không có.

Rõ ràng là đã đến lúc Quốc hội cần thực hiện thực sự vai trò và chức năng của mình là soạn thảo dự luật và đánh giá thông qua luật, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào các bộ của Chính phủ. Nền kinh tế chỉ có thể cải cách và tăng tốc, và chính phủ chỉ có thể giữ vai trò kiến tạo và phục vụ khi nhiệm vụ soạn thảo luật không còn được giao cho các bộ trong Chính phủ nữa, mà thuộc về Quốc hội. Chỉ khi nào quá trình lập pháp và hành pháp ít nhất phải độc lập và tách rời nhau, thì khi đó tốc độ và hiệu quả ban hành luật mới có thể theo kịp được các nỗ lực cải cách về kinh tế.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội nên giành lại 'quyền lập pháp' từ Chính phủ