Chuyện Hai Con Ngựa trong Sách Giáo Khoa Tiếng Việt Lớp Một của nhóm Cánh Diều, mấy ngày nay nhận nhiều điều tiếng trên các trang Phây.

Thông điệp giáo dục gì trong bài tập đọc Hai Con Ngựa?

Lê Học Lãnh Vân | 15/10/2020, 05:52

Chuyện Hai Con Ngựa trong Sách Giáo Khoa Tiếng Việt Lớp Một của nhóm Cánh Diều, mấy ngày nay nhận nhiều điều tiếng trên các trang Phây.

Tôi đọc khá nhiều ý kiến về sách này. Cũng đọc toàn bộ hai tập của sách. Lắng nghe tiếng nói của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên Sách Giáo Khoa Tiếng Việt Lớp Một của bộ Cánh diều (Lao Động Online, 11.10.2020) và GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyển sách ấy (Lao Động Online, 11.10.2020).

Chuyện Kể Hai Con Ngựa:

Phần 1: Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?

Ngựa ô ngạc nhiên:

- Không làm thì ông chủ mắng.

- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.

Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”.

Phần 2: Hửng sáng, bác nông dân đưa hàng ra chợ. Bác chất đồ đạc lên lưng ngựa ô. Ngựa ô không nghe, hí ầm ĩ. Bác nông dân nghĩ là nó mệt, bèn chất cả hàng lên lưng ngựa tía. Ngựa tía vùng vằng. Bác nông dân bực lắm, quát: “Làm đi”.

Ngựa tía chở nặng, ấm ức lắm nhưng đã quá muộn.

Cảm Nhận Sau Khi Đọc

Trong đoạn văn trên ngựa tím và ngựa ô, ngựa nào là chính diện, ngựa nào là phản diện?

Nếu ngựa ô siêng năng là chính diện thì ngựa ô cho tấm gương không đẹp qua hai điểm.

Điểm thứ nhất, khi ngựa tía biếng nhác thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?

Ngựa ô siêng năng trả lời:

- Không làm thì ông chủ mắng

Câu trả lời cho thấy ngựa ô siêng năng vì sợ ông chủ mắng, chứ không phải vì bản tính siêng năng, không phải vì muốn hoàn thành tốt đẹp trách nhiệm của mình. Đó là một con ngựa mang tâm thế nô lệ, hoàn toàn không có chút nào tâm thế tự do, không có vai trò người chủ xã hội.

Chính vì vậy, khi nghe ngựa tía biếng nhác xúi:

- Chủ mà giục em, em sẽ trốn

Thì ngựa ô đồng ý ngay: “Có lý lắm

Câu trả lời này càng khẳng định tâm thế nô lệ của ngựa ô.

Nhận Xét Sau Khi Đọc

1) Thông điệp giáo dục trong bài kề chuyện trên là gì?

Trẻ em lớp một đầu óc như trang giấy trắng. Chuyện viết cho trẻ em đọc, kể cho các em nghe phải giản dị và rất rõ ràng, đúng sai, xấu đẹp phải phân minh, không thể mơ hồ.

Hai nhân vật trong truyện cho tấm gương gì?

Ngựa tía thì biếng nhác.

Ngựa ô thì siêng năng, nhưng không có tâm thế của người làm chủ.

Vậy thông điệp giáo dục của chuyện kể là gì? Trẻ em không thể phân tích được như những dòng trên đây phân tích, nhưng hình ảnh con ngựa tía biếng nhác, con ngựa ô với tâm thế nô lệ sẽ từ từ thấm vào tâm hồn các em, góp phần hình thành nên tính cách các em…

Lớn lên, các em sẽ làm việc vì sợ “ông chủ mắng”, hay làm việc vì niềm vui lao động phát triển, vì muốn kiếm tiền trong tư thế độc lập, vì muốn khẳng định mình trong tư thế một người chủ của cộng đồng, của xã hội?

2) Cách kể chuyện có phù hợp với học trò lớp một?

Chúng ta cùng nhau đọc:

Một đêm, ngựa tía thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?

Ngựa ô ngạc nhiên:

- Không làm thì ông chủ mắng.

Nghe ngựa tía thắc mắc, ngựa ô ngạc nhiên. Tôi đọc và hiểu ngựa ô ngạc nhiên vì thấy lý do dễ hiểu quá mà ngựa tía lại không hiểu!

Để hiểu được như thế phải có kiến thức và qua những nấc bậc tư duy. Các nấc bậc tư duy đó là: a) ngựa ô nghe và hiểu câu hỏi, b) ngựa ô biết ngựa tía có kiến thức về việc nếu không làm thì bị ông chủ mắng, c) do đó, ngựa ô ngạc nhiên tại sao ngựa tía đặt câu hỏi đó.  

Với người lớn, các nấc bậc này không phức tạp, vì kiến thức đó, cách lập luận đó đã được ghi chép trong não bộ. Với trẻ em lớp một, kiến thức của các em, những nấc bậc tư duy của các em có phù hợp với cách kể chuyện như vậy không?

Nếu chúng ta thay các chữ ngạc nhiên bằng, thí dụ, giải thích hay trả lời, thì có phù hợp với các em hơn không?

Một đêm, ngựa tía thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?

Ngựa ô trả lời:

- Không làm thì ông chủ mắng.

Không thuộc lãnh vực tâm lý học giáo dục, ngôn ngữ học, tôi xin nêu câu hỏi để được học với các nhà chuyên môn.

Thảo Luận Về Vài Ý Kiến Bênh Vực Bài Tập Đọc Này

1) Ý kiến của B.S Trần Văn Phúc: Về sách Giáo Khoa Tiếng Việt lớp Một, ông Phúc cho rằng “Cá nhân tôi cho rằng đây là cuốn sách tốt!”.

Ông lập luận rằng là kho từ vựng của một học sinh rất có ích cho học sinh đó. Một người không đủ vốn từ vựng để tư duy thì “thiếu sáng tạo, không có khả năng phản biện đúng sai, cuộc sống thụ động và lười nhác”. Xin đồng ý với ông!

Từ lâu người ta đã thống kê về số từ vựng của người thuộc giới thành đạt trong xã hội với giới ít thành đạt hơn, và thấy giới thành đạt hơn có vốn từ vựng phong phú hơn. Rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy mối tương quan qua lại giữa năng lực quan sát, phân biện, đúc kết bài học kinh nghiệm với độ lớn của vốn từ vựng. Người có vốn từ vựng nhiều hơn cũng có năng lực trình bày ý kiến và thuyết phục hữu hiệu hơn.  

Tuy nhiên, chuyện HAI CON NGỰA lại không giúp vào việc bổ sung kho từ vựng vì các từ trong bài này giản dị, thông thường, đã có trong các bài tập đọc trong cùng quyển sách. Vấn đề của bài này là thông điệp giáo dục của bài là gì, và có được trình bày rõ ràng không, phù hợp với lứa tuổi không!

1) Ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều: GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện "Ngựa đực và ngựa cái" của Lev Tolstoy, và “một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả”.

Tolstoy là nhà văn rất lớn của Nga, ra đời cách nay gần hai trăm năm, những gì ông viết ra khi nước Nga còn chế độ nông nô chuyển sang tư bản. Muốn “phỏng” chuyện của ông, dù biết chuyện không “tầm phào hoặc phản giáo dục,” cần xem xét kỹ nó có phù hợp với thời nay, với mục đích giáo dục, với lứa tuổi học trò… Thời đại hôm nay là thời tự do, dân chủ khác hẳn thời nhà văn Lev Tolstoy sống là thời chính quyền đàn áp và ngu dân. Mục tiêu của nền giáo dục hiện nay là xây dựng môi trường đào tạo dân chủ, khai phóng nhằm đào tạo những công dân toàn cầu và tự do trong thời đại thế giới phẳng. Hình ảnh Hai Con Ngựa trong bài tập đọc nói trên đại diện cho hai nông dân cam chịu, vụn vặt, kèn cựa, cuộc đời chỉ suy nghĩ sao cho ít bị ông chủ bóc lột. Hình ảnh đó có phải là hình ảnh những nhà giáo dục Việt Nam mong muốn thấy nơi những công dân nước Việt hiện nay và sắp tới không?

Bài liên quan
Phụ huynh bức xúc với nội dung sách Tiếng Việt lớp 1
Sau hơn một tháng chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy, một số bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 đã bị chỉ trích.

(2) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông điệp giáo dục gì trong bài tập đọc Hai Con Ngựa?