Sau hơn một tháng chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy, một số bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 đã bị chỉ trích.

Phụ huynh bức xúc với nội dung sách Tiếng Việt lớp 1

Tú Viên | 09/10/2020, 16:39

Sau hơn một tháng chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy, một số bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 đã bị chỉ trích.

Những nội dung trong sách Tiếng Việt lớp 1 đã trở thành đề tài bàn tán rất sôi động trong giới phụ huynh đang có con em học lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Các ý kiến trái chiều và bức xúc của phụ huynh cũng được đăng tải ngập tràn trên các diễn đàn mạng xã hội, kéo theo đó là những phản ứng tiêu cực về nội dung các bài học đã làm cho những phụ huynh bình tĩnh nhất cũng phải hoang mang nghi hoặc.

Trước những thông tin về sách giáo khoa lớp 1, phóng viên Một Thế Giới đã gặp gỡ nhiều phụ huynh để nghe ý kiến của họ. Mỗi người một ý kiến khác nhau, nhưng đa số đều không hài lòng với nội dung một số bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 cải cách lần này.

Dưới đây là ý kiến của một số phụ huynh có con em đang học lớp 1 ở TP.HCM.

“Văn phong thì thiếu cảm xúc, câu cú cụt lủn, câu từ thì tối nghĩa. Tiếng địa phương đưa hết vào hành văn. Điều này dẫn tới việc trẻ em ngày càng vô lễ, hời hợt và sống vội. Tôi cảm thấy nền giáo dục. nước mình càng ngày càng tệ hại theo thời gian” đó là ý kiến của chị A.N có con đang học lớp 1 ở quận Tân Bình.

Chị M.P ở quận Phú Nhuận cho biết, trong bài ôn tập Tiếng Việt (bài 33) tác giả có dùng từ “nhá” diễn đạt cho việc “ăn” của con thỏ nhưng người miền Bắc không dùng từ " nhá " này. Nếu có thì chỉ là 1 số vùng rất nhỏ ở quê xa. Nếu dùng từ “gặm” thì có thể hiểu còn dung từ “nhá” thì không ai hiểu chứ đừng nói là trẻ em lớp 1”.

Chị M.P cũng phàn nàn, “Bé nhà tôi đang học lớp 1, học sách Cánh Diều, tối nào 2 mẹ con cũng vật lộn với một đống sách vở sách tiếng việt lớp 1 mà cảm giá như như sách học sinh lớp 5”.

lua-4.jpg
Từ "nhá" trong sách gây nhiều tranh cãi

Cùng ý kiến với chị M.P, anh T.T ở Bình Thạnh nói “Theo tôi hiểu thì từ “nhá” có nghĩa riêng và được dùng nhiều trong ngữ cảnh như "Bà nhá cơm để mớm cho cháu". “Nhá” tức là nhai cho nát ra nhưng không thuần túy để nuốt. Từ này không phổ biến nên đưa vào SGK tiểu học là không phù hợp, người Bắc có dùng từ này nhưng rất ít. “Nhá” chỉ là phương ngữ thôi, là một từ không thông dụng, không phổ thông và dùng trong ngữ cảnh nhá cơm chứ không phải là nhá cỏ trong động vật.

Trong khi đó chị K.C mẹ của một cháu lớp 1 (Tân Bình) lại có ý kiến khác, theo chị “nhá” là từ miền nam. Hồi nhỏ, tôi nghe bà ngoại la mấy đứa ăn chậm "Nhá hoài hông hết lưng cơm". Từ này giờ đã bị khai tử trên sách báo, giống hàng ngàn vạn từ khác. Sau năm 1975 , sách báo, truyền thông chỉ dùng từ miền bắc và ngày càng lậm, làm nghèo ngôn ngữ Việt Nam”.

Như vậy, chỉ một vài từ trên sách giáo khoa lớp 1 năm nay đã gây ra rất nhiều tranh cãi bởi nhà biên soạn đã lạm dụng ngôn ngữ địa phương, vùng miền để dạy Tiếng Việt cho cả 1 thế hệ.

“Không phản đối việc cải cách và cập nhật cho sách giáo khoa nhưng cái gì cũng phải có mức độ và phù hợp với lứa tuổi chứ cứ thế này, không biết chục năm nữa, chỉ tiêu vào lớp 1 là gì? Có khi đọc làu làu, viết thành thạo chữ nhỏ bằng bút mực, ghép vần chuẩn chỉnh, toán phải đạt đến trình độ đặt ẩn và giải phương trình cũng nên” Anh P.H tại quận Bình Tân dí dỏm nói.

lua.jpg
Nội dung thể hiện sự láu cá, lươn lẹo của 2 con ngựa

Còn anh T.N phụ huynh có con học lớp 1 tại Phú Nhuận thì tỏ rõ sự buồn bã “Trước khi còn vào lớp 1 tôi tràn trề hy vọng vào bộ sách, chương trình giáo dục mới, khi con học một tuần tôi muốn vứt sách và cho con nghỉ học”.

“Các câu chuyện ngụ ngôn (như trong cuốn Kiến và chim bồ câu) thường mang ẩn ý , mà ẩn ý đấy mới là bài học cho con người. Các bé lớp 1 sao hiểu được. Ở đây các soạn giả lại toàn đưa trích đoạn giữa chừng cho trẻ học, đến người lớn cũng không hiểu được thâm ý của nội dung câu chuyện, nói gì đến trẻ lớp 1” chị A.N (Quận 3) bức xúc sau hơn 1 tháng cùng con đồng hành với môn Tiếng Việt.

Anh B.V tại Tân Bình nói “Bộ sách giáo khoa lớp 1 này đã đạt được mục đích của nó là phụ huynh sẽ không thể can thiệp vào việc dạy học cho con em họ, mà phải là đích thân giáo viên mới đủ trình độ và khả năng để dạy cho học sinh chỉ để biết đọc biết viết, còn nội dung thì do nhà xuất bản biên soạn với trí tưởng tượng phong phú. Theo tôi, hiệu trưởng các trường tiểu học nên lắng nghe ý kiến của phụ huynh và chủ động bỏ luôn chương trình mới này và dạy lại chương trình như mọi năm, có thể muộn một chút nhưng sẽ tốt hơn khi cố dạy chương trình mới này, thật sự nguy hiểm!”

Sách lớp 1 dạy về tiếng Việt và chính tả mà sao lại sai chính tả quá nhiều. Tại sao không đưa thơ, ca dao, tục ngữ nhân văn vào sách mà lại đưa những câu từ nhảm nhí và khó hiểu đến vậy?” chị M.T có con năm nay học lớp 1 bức xúc.

Những câu chuyện lồng trong sách tiếng Việt có nội dung nhảm nhí, dạy trẻ con sự lươn lẹo, mánh khoé. Càng cải tiến thì thấy càng đi lùi. Thầy cô, phụ huynh có ý kiến thì chỉ ra 1 quyết định hết sức ngắn gọn là không được cho bài vở về nhà, là giảm tải... Cuối cùng thì gánh nặng lại nặng thêm cho thầy cô và các con.

sach-cu.jpg
Một trang sách cũ có nội dung đơn giản phù hợp với học sinh lớp  1

Về ý kiến của giáo viên, cô T.B đang dạy lớp 1 tại quận Phú Nhuận cũng chia sẻ về sự khó khăn của mình khi truyền đạt lại cho học sinh về từ ngữ. Rất nhiều em không hiểu lối văn nói của miền bắc nên cô lại phải giải thích và đưa ra nhiều dẫn chứng. “Bên cạnh đó, mới vào lớp 1 mà phải đọc thông truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn đòi hỏi một vốn sống và tầm trí tuệ cao mới hiểu được. Tôi là 1 giáo viên thử đọc vài truyện mà còn cảm thấy lơ mơ huống chi là các con mới 6 tuổi. Đó là chưa nói có những chuyện không phải ngụ ngôn, thậm chí nội dung còn có những trò láu cá, lưu manh”.

Trao đổi với báo chí Tiến sĩ Chu Mộng Long (Trường ĐH Quy Nhơn) nói “Tôi thật sự bất ngờ là truyện ngụ ngôn lại chiếm một dung lượng lớn trong sách tiếng Việt 1. Cái chữ với trẻ em đã trừu tượng, lẽ ra chính câu chuyện và hình ảnh trực quan sẽ làm cho cái chữ trừu tượng trở nên gần gũi, dễ hiểu, đằng này người viết sách chủ quan ném truyện ngụ ngôn vào đó làm cho cái trừu tượng thêm trừu tượng và rắc rối, phức tạp hơn nữa. Đó là mục tiêu phát triển năng lực theo nghĩa đánh thức và phát huy tiềm năng của lứa tuổi hay thách đố trí tuệ trẻ em?”

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh bức xúc với nội dung sách Tiếng Việt lớp 1