Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức

Lam Thanh | 09/12/2020, 17:30

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Ngày 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 51 với việc xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, trong đó có việc thành lập Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thủ Đức (VKSND).

thu-duc.jpg
Thành lập thành phố Thủ Đức - Ảnh: Internet

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Tại phiên họp, trình bày quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết thành lập TP.Thủ Đức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như: cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A...

Năm 2019, cả 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước; xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Giai đoạn 2016-2019, 3 quận này thu ngân sách đạt 37.158 tỉ đồng, chi ngân sách 11.174 tỉ đồng.

Chính phủ cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận... Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại, thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.

Chính phủ khẳng định với việc thành lập TP.Thủ Đức, TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.

Sau khi thành lập, TP.Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Theo đó, TP.Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Thủ Đức như sau: Nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh.

Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người. Phường An Khánh giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; quận 7 và quận Bình Thạnh.

Sau khi thành lập TP.Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP.Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.

Giải thể TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND TP.Thủ Đức, TP.HCM. Đồng thời giải thể VKSND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập VKSND TP.Thủ Đức, TP.HCM.

TAND TP.Thủ Đức, VKSND TP.Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, VKSND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, theo dự thảo nghị quyết, nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2021. Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Bài liên quan
TP.HCM quy hoạch TP.Thủ Đức tương lai như thế nào?
Theo quy hoạch, 10% diện tích TP.Thủ Đức sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức