Chỉ còn vài ngày nữa là năm học 2022-2023 chính thức bắt đầu, nhiều phụ huynh hiện nay lo lắng với những khoản phí đầu năm học đặc biệt trong năm nay giá SGK đã tăng vọt.

Thu các khoản phí đầu năm học: Cần có những giải pháp phù hợp với kinh tế người dân

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 19/08/2022, 12:55

Chỉ còn vài ngày nữa là năm học 2022-2023 chính thức bắt đầu, nhiều phụ huynh hiện nay lo lắng với những khoản phí đầu năm học đặc biệt trong năm nay giá SGK đã tăng vọt.

Hàng loạt khoản phí đầu năm học

Mỗi dịp đầu năm học mới, phụ huynh đều quan tâm đến vấn đề học phí cùng các khoản chi phí khác để chuẩn bị hành trang cho con đến trường. Đối với các khoản tiền học phí ngoài việc quy định đóng theo khu vực thành thị hay nông thôn thì việc đóng thêm các khoản khác ngoài học phí khiến nhiều phụ huynh đau đầu.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Thành Chung (Hà Nội) có các con học lớp 7, lớp 3 và mầm non đều theo học các trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên năm nào cũng thế, cứ chuẩn bị vào năm học mới là nhà anh lại quay cuồng với các khoản đóng học cho các con khác nhau.

"Từ việc đóng 1,5 triệu đồng mua đồng phục cho cả 3 đứa, đóng học phí thì năm nay cả 2 con lớn của tôi đều phải thay đổi bộ SGK mới. Tôi thấy ngoài việc giá sách tăng vọt thì chúng tôi còn đóng thêm các khoản khác như mọi năm là cứ đến buổi họp phụ huynh đầu năm là sẽ thu như: tiền nước uống, tiền photo tài liệu, đóng tiền điện, nước rồi thậm chí máy phát, máy chiếu.... chưa kể trước năm học là 1 loạt các khoản cần phải chi tiêu như: sách vở, đồ dùng học tập, các sách tham khảo nhà trường cũng báo cần phải mua, nhãn vở, đồ bọc, đồ dùng học tập.... Khi đi sắm đồ dùng cho cả 3 đứa nhà tôi đã ngót nghét gần 5 triệu đồng. Đó là chưa kể học phí chưa thu nên tháng này chưa đóng nhưng lại có thêm tiền học hè mỗi đứa 2-3 triệu tiền học hè. Còn đứa bé nhất cũng phải xin học trường công chứ theo học trường dân lập mức học phí từ 5-6 triệu đồng/1 tháng thì nhà tôi không thể lo nổi cho cả 3 đứa đi học" - anh Chung chia sẻ.

Tính sơ sơ chỉ có 2 tháng hè mà nhà anh Chung phải đóng cũng gần 10 triệu đồng cho 3 đứa con theo học, con số này cũng chưa dừng lại nhất là khi năm học mới đang đến gần sẽ có hàng loạt các khoản tiền khác cần phải đóng như quỹ lớp, quỹ nhà trường hay đơn giản nhất là ủng hộ quỹ cho thầy cô giáo mua đồ vật phẩm năm mới cho các con.

lop-su-2.jpg
Cứ vào đầu năm học mới là các phụ huynh đau đầu về các khoản thu

Cũng như gia đình nhà anh Chung, nhà chị Quách Thị Hiệu (Thanh Hóa) cũng đau đầu với hàng loạt các khoản thu đầu năm học. "Nói là chống lạm thu với tránh những mức thu phí không hợp lý nhưng đa số các trường đều thông tin tới ban phụ huynh theo hình thức "tự nguyện". Giờ nhà người khác đóng mà mình không đóng thì ngại nên cứ phải đóng theo, mà đóng nhiều thì lại không đủ kinh phí chi tiêu gia đình với 2 đứa con nhỏ. Mỗi năm cứ đến đầu năm học là nhà tôi lại đau đầu với các khoản chi tiêu vượt trội. Kể cả SGK hay đồ dùng học tập nhà trường cũng bán kèm luôn, đồ dùng học tập cũng khá đắt nhưng không hề trong các khoản phí, nếu không mua thì con mình không học được, mà mua thì chi phí cứ đội lên cao khiến gia đình chúng tôi cũng khó khăn trong việc điều chỉnh chi tiêu tới vài tháng".

Giảm áp lực các khoản phí cho phụ huynh đầu năm học

Để phục vụ việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT đã ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học. Đây là căn cứ để các địa phương tổ chức mua sắm trang thiết bị phục vụ cho quá trình dạy và học. Về các khoản thu đầu năm học, trong đó có những khoản xã hội hóa nhưng năm nào cũng là vấn đề "khổ lắm nói mãi" nhưng chưa có năm học nào là phụ huynh không khỏi bức xúc, khó chịu. Bất kỳ khoản gì cần chi là lại thu của phụ huynh khiến họ cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt là ở đầu năm học chứ không phải là chuyện đóng nhiều hay ít. Cuối cùng mọi người không hiểu được tiền học phí, cơ sở vật chất đầu năm đóng cho nhà trường để làm gì? Trong đó các vấn đề cần được quan tâm như: Bếp ăn học sinh, nhà vệ sinh của học sinh, thiết bị chiếu sáng, sân trường, bàn học, lớp học đông đúc.... hàng loạt các vấn đề cần được giải quyết nhưng chỉ có thể kéo dài dạng "năm này qua năm khác".

Trước đó trong hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Trung Mậu - Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu giáo chức TP.HCM cũng cho rằng vấn đề lạm thu luôn luôn xảy ra. Lạm thu dưới hình thức xã hội hóa xảy ra rất nhiều nơi và xã hội hóa là chủ trương để trang bị cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng dạy và học.

"Xã hội hóa là giải pháp tốt tuy nhiên thu thế nào, thu của ai, thu bao nhiêu. Cho nên vấn đề này chúng tôi kiến nghị Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT hết sức lưu ý vì điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình, đặc biệt là những gia đình khó khăn. Cần có những giải pháp phù hợp với kinh tế của người dân", ông Mậu chia sẻ.

Còn với chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên khi bàn về hàng loạt các khoản thu đầu năm học, đặc biệt là vấn đề SGK đang được chú ý. Ông cho rằng SGK nên được nhà nước mua và cấp miễn phí cho các học sinh thông qua thư viện trường, trong đó quyền học tập của học sinh bao gồm cả quyền tiếp cận SGK. Do vậy nếu sách không được trợ giá phần lớn hoặc miễn phí hoàn toàn, sẽ vẫn gây khó khăn cho các học sinh yếu thế. Nếu không thể cung cấp miễn phí sách giáo khoa cho 100% học sinh ngay thì nên có cơ chế để học sinh nghèo có thể mượn sách học từ thư viện không tốn phí.

Sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế người dân rất nhiều. Chính vì thế cần có nhiều chính sách hỗ trợ hoặc giảm bớt các khoản thu đầu năm học tại các trường. Ngoài các khoản thu bắt buộc theo quy định như: học phí, BHYT, tiền ăn bán trú, tiền học 2 buổi/ngày, tiền đoàn, đội thì các khoản còn lại như: tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền mua màn hình tivi, mua một số vật dụng phục vụ nhu cầu học sinh trong lớp… đều do ban đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp họp bàn thống nhất và đứng ra vận động đóng góp trong phụ huynh. Chính vì thế, ngành giáo dục cần vào cuộc mạnh mẽ để chấm dứt các khoản lạm thu hoặc khoác danh "tự nguyện" để gây bức xúc, khó chịu cho các phụ huynh mỗi khi năm học mới tới gần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu các khoản phí đầu năm học: Cần có những giải pháp phù hợp với kinh tế người dân