Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động mạnh tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2020.

Thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

28/03/2020, 12:48

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động mạnh tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2020.

Dịch bệnh ảnh hưởng tới thu ngân sách những tháng đầu năm 2020 - Ảnh minh họa

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15.3.2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỉ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỉ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỉ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỉ đồng, bằng 20,4%.

Với thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 29,3 nghìn tỉ đồng, bằng 16,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,9 nghìn tỉ đồng; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đạt 54,3 nghìn tỉ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân là 28,1 nghìn tỉ đồng...

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.3.2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỉ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỉ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỉ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỉ đồng, bằng 24,2%.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn...

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với 4 loại thuế khác nhau, số tiền giãn, hoãn nộp thuế khoảng 80.200 tỉ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1/2020 đạt 115,34 tỉ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý 1 năm nay ước tính đạt 2,8 tỉ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3.2020 ước tính đạt 20 tỉ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỉ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỉ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỉ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%. Trong quý 1 có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 19 tỉ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỉ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỉ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỉ USD, giảm 0,8%. Trong quý 1 có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2 xuất siêu 2,3 tỉ USD, 2 tháng xuất siêu 1,8 tỉ USD; tháng 3 ước tính xuất siêu 1 tỉ USD.

Tính chung quý 1/2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 2,8 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỉ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỉ USD.

Cũng theo cơ quan này, ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19