Nhiều giáo viên mới ra trường đi dạy có mức thu nhập chỉ khoảng hai triệu đồng. Thu nhập thấp là một cản trở lớn đối với ngành giáo dục trong việc thu hút và giữ chân được người giỏi.
Mới ra trường thu nhập 2-4 triệu đồng
Mới đây, trong đợt khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, nhiều đại biểu Ban văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM lại thốt lên “điệp khúc” thu nhập của giáo viên.
Tại quận 6, nhiều giáo viên có hàng chục năm làm việc nhưng thu nhập chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng, riêng giáo viên mới ra trường từ bậc mầm non đến THCS thu nhập chỉ 2-4 triệu đồng. Tổng thu nhập này đã tính bao gồm các khoản lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, chính sách hỗ trợ và các khoản khác.
Được xem là một trong những địa bàn có đầu tư cho giáo dục tốt, thu nhập giáo viên cao hơn mặt bằng chung nhưng rất nhiều giáo viên có thời gian công tác 1-5 năm ở quận Phú Nhuận tổng thu nhập chỉ trên 3 triệu đồng. Cụ thể, ở bậc THCS, với giáo viên có thời gian công tác dưới 5 năm, thu nhập cao nhất là gần 5,9 triệu và mức thấp nhất gần 3,34 triệu đồng.
Nhiều hiệu trưởng các trường và đại biểu của đoàn khảo sát đã so sánh thu nhập giáo viên mới ra trường thấp hơn cả thu nhập của lao động phổ thông tay chân, công nhân, người giúp việc.
Hiện nay, thực tế trên thị trường, lao động phổ thông hay người giúp việc tại TP.HCM mức thu nhập thấp nhất ở khoảng 3,5 - 4 triệu đồng.
Trầy trật để bám nghề
Với mức thu nhập thấp như vậy, rất khó để ai có thể trả lời câu hỏi giáo viên trẻ làm thế nào để duy trì ở cuộc sống thành phố đắt đỏ cũng như để thể dốc sức bám nghề.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 bày tỏ trăn trở đối với thu nhập giáo viên mới ra trường. Bởi với chi phí cho cuộc sống hiện nay thì giáo viên thu nhập ở mức trên 4 triệu đồng cũng không đủ chi tiêu tối thiểu cho gia đình. Thực tế, nếu không dạy thêm thì nhiều giáo viên sẽ phải làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống.
Thấp đã đành nhưng điều đáng ngại nhất là cơ chế trả lương trong ngành giáo dục còn theo hướng cào bằng. Cơ chế trả lương chưa phân biệt được người giỏi, kém, người có những sáng kiến đóng góp cho giáo dục mà đều phải chờ theo thâm niên để được nâng lương.
Một quản lý giáo dục bậc tiểu học ở TPHCM chia sẻ, họ từng đề xuất chế độ đặc thù như thu nhập cao hơn, không dạy theo quy định 23 tiết/tuần cho giáo viên tiếng Anh nhằm thu hút người giỏi nhưng không được chấp nhận.
Trong khi dễ gì để một người có bằng cấp, chuyên môn về ngoại ngữ, vốn có rất nhiều cơ hội việc làm lương cao, chấp nhận đi dạy học với đồng lương không đủ sống.
Lương quá thấp, lại trả theo kiểu giỏi kém như nhau nên rất khó để ngành giáo dục thu hút, giữ chân được người giỏi. Còn đội ngũ thì rất khó bề an lòng với nghề khi phải quanh quẩn với nỗi lo cơm gạo.
Điều này dẫn đến một thực tế, ngành Sư phạm từ lâu đã không còn thu hút được người học, chưa nói đến người giỏi. Hoặc có vào thì sau khi ra trường, nhiều người lại tìm cho mình một con đường khác.
Đầu năm học 2016-2017, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm nhà giáo, theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực các nhân tố giỏi, tích cực.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ ngành giáo dục cần mạnh dạn đề xuất, điều chỉnh những chính sách ưu đãi đối với đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục, tạo điều kiện thu hút những người giỏi đến với nghề Sư phạm, giữ chân những giáo viên giàu tâm huyết và giúp đỡ thầy cô giáo an tâm, vững lòng với nghề.
Hoài Nam/Dân Trí