Đến nay Thái Lan vẫn chưa đưa ra được lời giải thích thuyết phục về các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra vào tháng 8 vừa qua. Tạp chí The Diplomat (Nhật) khẳng định có nhiều tình tiết cho thấy các vụ khủng bố này liên quan đến các nhóm phiến quân tại miền nam Thái Lan.

Thủ phạm thực sự sau các vụ đánh bom tại Thái Lan là ai?

05/09/2016, 05:50

Đến nay Thái Lan vẫn chưa đưa ra được lời giải thích thuyết phục về các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra vào tháng 8 vừa qua. Tạp chí The Diplomat (Nhật) khẳng định có nhiều tình tiết cho thấy các vụ khủng bố này liên quan đến các nhóm phiến quân tại miền nam Thái Lan.

Các binh sĩ Thái Lan điều tra hiện trường vụ đánh bom ngày 24.8 trước một khách sạn tại tỉnh Pattani - Ảnh: Reuters

Hơn nửa tháng sau khi xảy ra hàng loạt vụ đánh bom tại bảy tỉnh miền nam Thái Lan, chính phủ Thái Lan vẫn chưa đưa ra được thông tin nhất quán về thủ phạm phía sau các vụ tấn công này. Mặc dù chính phủ Thái Lan cho rằng thủ phạm không phải là phiến quân mà do các phe chính trị đối lập thực hiện, tuy nhiên bằng chứng do Bangkok đưa ra vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục.

Trước đây, chính quyền Thái Lan từng lúng túng trong việc làm sáng tỏ thủ phạm thực sự trong vụ đánh bom đền Erawan tại Bangkok vào tháng 8.2015 làm chết 20 người và hơn 125 người bị thương. Lần đó, chính quyền quân sự và cảnh sát Thái Lan lần lượt đưa ra tuyên bố trái ngược nhau về các đối tượng bị tình nghi, bằng chứng và động cơ của vụ đánh bom.

Chính quyền quân sự cho rằng vụ đánh bom được thực hiện bởi các nhóm có liên quan đến đảng Pheu Thái (phe áo đỏ). Kết quả điều tra của cảnh sát lại cho thấy thủ phạm là nhóm phiến quân Mặt trận Cách mạng quốc gia (BRN) ở miền nam.

Tình trạng chính quyền quân sự và cảnh sát liên tục đưa ra các tuyên bố trái ngược đã tạo ra nghi ngờ rằng các cơ quan chức năng Thái Lan trên thực tế đang điều tra vì mục đích chính trị.

Theo tạp chí The Diplomat, sự cạnh tranh giữa chính quyền quân sự và cảnh sát Thái Lan có thể nhận thấy được từ sau vụ đảo chính năm 2014. Quân đội Thái Lan sau khi nắm quyền đã bắt đầu triệt phá các đường dây tội phạm cũng như công việc kinh doanh do cảnh sát quản lý với lý do chống tham nhũng. Mâu thuẫn giữa cảnh sát và chính quyền quân sự phát sinh bởi cảnh sát Thái Lan được xem là lực lượng thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vốn đối đầu với quân đội.

Vụ đánh bom đền Erawan tại Bangkok vào tháng 8.2015 - Ảnh: Bangkok Post

Các vụ đánh bom mang nhiều yếu tố đặc thù của phiến quân

Các vụ đánh bom xảy ra ngày 11 và 12.8.2016 mang nhiều đặc điểm giống các vụ tấn công do BRN từng thực hiện tại miền nam Thái Lan như phối hợp tấn công trên diện rộng và cách đánh bom nhiều lần tại một địa điểm để nhắm vào các quan chức đến hiện trường sau khi xảy ra vụ nổ đầu tiên.

Một số quan chức quân đội cho rằng BRN đã có thể phối hợp với đảng Pheu Thái hoặc tổ chức Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) để thực hiện các vụ tấn công nhằm phản đối hiến pháp mới do quân đội soạn thảo được thông qua tại trưng cầu ý dân tổ chức vào ngày 7.8.2016.

Trong khi đó, đảng Pheu Thái, UDD cũng như phe Hồi giáo Wadah tại miền nam đều chối bỏ các cáo buộc nêu trên. Các vụ đánh bom liên hoàn ngày 12.8 diễn ra trùng hợp với dịp “Ngày của mẹ”, đồng thời là ngày sinh nhật của hoàng hậu Sirikit.

Hiện trường một vụ đánh bom tại Hua Hin thuộc tỉnh Prachuap Khiri Khan (nam Thái Lan) ngày 12.8 - Ảnh: Reuters

Panitan Wattanayagorn, cố vấn an ninh của Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan, nói với tạp chí The Diplomat, cơ quan quân báo đã phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy đảng Pheu Thái có âm mưu phá hoại cuộc trưng cầu ý dân ngày 2.8. Ông cho rằng những tướng tá cũ trung thành với đảng Pheu Thái, trong đó có tướng Chaiyasit Shinawatra và trướng Chavalit Yongchaiyudh, đã có nhiều hoạt động bất thường trước trưng cầu ý dân.

Tướng Chaiyasit là họ hàng của cựu Thủ tướng Thaksin, còn Chavilit cũng từng là thủ tướng Thái Lan (1996-1997) và có mối liên hệ chính trị mật thiết với phe Hồi giáo Wadah, tổ chức ủng hộ quyền tự trị tại miền nam Thái Lan.

Trái ngược với suy đoán của quân đội, giới ngoại giao và các chuyên gia phân tích lại nghi ngờ đảng Pheu Thái và UDD có đủ khả năng để tổ chức tấn công đồng bộ và trên diện rộng chỉ trong một thời gian ngắn sau trưng cầu ý dân. Đáng chú ý là đợt tấn công này đã diễn ra tại những nơi đảng Pheu Thái thường xuyên thất cử và không được dân ủng hộ nhiều.

Cố vấn an ninh Panitan Wattanayagorn phân tích đảng Pheu Thái có khả năng đã thực hiện thăm dò trước trưng cầu ý dân và dự đoán hiến pháp sẽ được thông qua. Thông tin này có thể đã giúp cho đảng Pheu Thái đủ thời gian lên kế hoạch tấn công. Theo ông, các quan chức Thái Lan đã “mất cảnh giác” sau khi trưng cầu ý dân diễn ra suôn sẻ và không bị các phe nhóm chính trị khác phản đối.

Trong trường hợp các vụ đánh bom tại miền nam Thái Lan do BRN một mình thực hiện theo như suy đoán của giới chuyên gia, điều này sẽ đánh dấu một diễn tiến mới hết sức nguy hiểm trong cuộc giao tranh kéo dài 12 năm giữa nhóm phiến quân này và chính quyền tại Bangkok.

Trước nay, BRN chỉ ra tay tấn công tại các tỉnh do nhóm này kiểm soát tại miền nam Thái Lan như Narathiwat, Pattani và Yala. Tổ chức này luôn tránh gây thương vong cho người nước ngoài nhằm giữ cho cuộc xung đột khỏi sự can thiệp của các thế lực quốc tế.

Giới chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định đợt tấn công vừa qua có thể được hiểu như một lời cảnh cáo duy nhất hoặc đây là vụ tấn công đầu tiên trong chiến dịch khủng bố sẽ kéo dài trong tương lai nhắm vào ngành du lịch Thái Lan.

BRN có nhiều động cơ để ra tay đánh bom

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha gần đây đã có nhiều động thái làm hòa với các phe nhóm theo chủ nghĩa quốc tộc Phật giáo. Tuần trước, ông Prayut đã ra sắc lệnh yêu cầu thành lập một cơ quan bảo vệ tôn giáo. Một điều khoản trong hiến chương hoạt động của cơ quan này ghi rõ đạo Phật sẽ được ưu tiên hơn so với các tôn giáo khác, trong đó có đạo Hồi.

Điều khoản này đã khiến cho bản hiến chương hoạt động vấp phải nhiều phản đối từ ba tỉnh miền nam do BRN kiểm soát. Bản hiến chương hoạt động của cơ quan bảo vệ tôn giáo do ông Prayut thành lập có thể đã là lý do để BRN ra tay thực hiện nhiều vụ tấn công tại miền nam Thái Lan.

Theo phân tích của một số chuyên gia, sự chậm trễ trong tiến trình đàm phán giữa chính quyền quân đội và nhóm phiến quân cũng đã ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh.

Một vụ đánh bom khác lớn hơn nhiều so với các vụ ngày 12.8 đã xảy ra tại thành phố Pattati vào ngày 23.8, đúng dịp chính phủ Thái Lan sắp nối lại tiến trình đàm phán với Kuala Lumpur nhằm tìm giải pháp hòa bình với các nhóm phiến quân.

Ba tỉnh Pattani, Narathiwat và Yala, nơi có nhiều hoạt động của phiến quân Mặt trận Cách mạng quốc Gia (BRN) - Ảnh: Wikipedia

Theo Cố vấn an ninh Panitan Wattanayagorn, phần lớn lượng bom dùng trong vụ khủng bố ngày 12.8 được chế tạo tại Malaysia, sau đó vận chuyển qua biên giới đến Thái Lan. Điều tra cho thấy các thiết bị kích nổ bom đã sử dụng thẻ sim điện thoại Malaysia thay vì thẻ trong nước của Thái Lan có thể bị truy ra dễ dàng hơn.

Từ lâu Bangkok đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Malaysia cộng tác bắt giữ và dẫn độ các thành viên của BRN hoạt động tại khu vực biên giới giữa 2 nước. Tuy nhiên, các quan chức tại Kuala Lumpur lại cho rằng không thể biết cụ thể đối tượng nào thuộc nhóm phiến quân có tổ chức lỏng lẻo và không có thủ lĩnh này.

Theo một nguồn thông tin từ tiến trình đàm phán Kuala Lumpur, BRN thường chỉ định thành viên thiết lập mối quan hệ với bộ phận tình báo của cảnh sát Malaysia, cơ quan được cho là có thể còn ủng hộ nhóm này. Các thành viên được BRN chỉ định sang Malaysia sẽ cắt đứt liên lạc với tổ chức cũ tại Thái Lan, do đó gây khó khăn cho việc xác định rõ ý đồ họat động của các đối tượng này, theo nguồn tin cho biết.

Một số nhà phân tích cho rằng BRN trong thời gian qua đã tăng cường thực hiện các vụ khủng bố nhằm tìm kiếm ảnh hưởng chính trị trong lúc hoàng gia Thái Lan đang trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Tình hình bệnh tật của nhà vua Bhumibol Adulyadej 88 tuổi cùng với các sự tham gia ngày càng nhiều hơn của Thái tử Vajiralongkorn vào công việc của hoàng gia cho công việc truyền ngôi đang ngày càng cận kề.

Trật tự chính trị sau thời của vị vua hiện tại sẽ được định hình bởi quân đội, cố vấn hoàng gia và các thế lực chính trị lớn khác. Trong bối cảnh đó, BRN có thể đang hy vọng sẽ tìm được một vị trí có tiếng nói bằng cách tổ chức tấn công dồn dập hơn, theo các nhà phân tích.

An ninh tại các tỉnh miền nam Thái Lan có thể vẫn còn bị đe dọa

Ngày 29.8, Thái Lan và Malaysia tuyên bố sẽ sớm ký một thỏa thuận xây chung một bức tường an ninh tại biên giới giữa hai nước. Dự án này sẽ giúp hai chính phủ tăng cường hợp tác phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề nan giải liên quan đến người dân mang hai quốc tịch Thái Lan - Malaysia sống tại vùng biên giới.

Dự án an ninh này một khi hoàn thành cũng sẽ khiến cho BRN mất đi khả năng sử dụng Malaysia làm nơi lẩn trốn và căn cứ. Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký vào ngày 6.9 tại Thái Lan trong chuyến công du của Thủ tướng Najib.

Một số quan chức ngoại giao nhận định rằng uy tín của Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Prawit Wongsuwan đã bị ảnh hưởng xấu sau khi chính quyền quân sự Thái Lan thất bại trong việc ngăn chặn các vụ đánh bom vừa qua. Điều này đã dẫn tới việc chính quyền quân sự chọn tướng Chalermchai Sittisart vào chức tư lệnh quân đội thay vì tướng Pisit Sithisan là ứng viên thân với ông Prawit. Tướng Chalermchai sẽ nhậm chức vào ngày 1.10.2016.

Nạn nhân trong vụ đánh bom tại Hua Hin ngày 12.8 - Ảnh: AFP

Cho tới khi nào BRN vẫn còn hoạt động trong bóng tối, động cơ đằng sau các vụ tấn công vẫn sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục diễn giải theo nhiều cách riêng.

Phía chính quyền quân sự đưa ra luận điệu quen thuộc là cáo buộc các phe chính trị đối lập đã tổ chức tấn công nhằm thể hiện thái độ phản đối hiến pháp mới được thông qua. Luận điệu này phù hợp với quan điểm của quân đội cho rằng tình trạng nổi loạn xảy ra từ lâu tại các tỉnh miền nam chỉ là vấn đề trong nước, có thể được Thái Lan tự giải quyết mà không cần quốc tế.

Các phe chính trị đối lập tại Thái Lan đều được cho là đã “đi đêm” với các nhóm phiến quân và đường dây phạm pháp của các tổ chức này. Từ lâu, các đảng phái chính trị đối thủ của nhau đều đã sử dụng các mối quan hệ ngầm này để giành lợi thế tại Bangkok hay các địa phương phía nam.

Cho tới khi các quan chức trong chính quyền quân sự Thái đưa ra được bằng chứng cụ thể hơn về thủ phạm cũng như động cơ sau các vụ đánh bom nghiêm trọng chưa từng có xảy ra vào tháng 8 vừa qua, tình hình an ninh tại vùng du lịch phía nam Thái Lan sẽ vẫn còn tiếp tục đáng lo ngại.

Huỳnh Hy

Bài liên quan
U.23 châu Á: Thái Lan bất ngờ hạ Iraq, Trung Quốc thua Nhật dù đá hơn người
Đội trẻ Thái Lan đã tạo ra bất ngờ đầu tiên tại giải U.23 châu Á khi hạ đối thủ rất mạnh là Iraq trong trận ra quân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ phạm thực sự sau các vụ đánh bom tại Thái Lan là ai?