Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông nhận định, BOT hiện nay không theo một nguyên tắc nào: “Chúng tôi đã phản đối mạnh nhưng không được. Sao không công khai cụ thể chi phí hết bao nhiêu? Không công khai số lượng lưu thông?”.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: BOT và BT có rủi ro tham nhũng rất lớn

Trí Lâm | 23/08/2017, 13:50

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông nhận định, BOT hiện nay không theo một nguyên tắc nào: “Chúng tôi đã phản đối mạnh nhưng không được. Sao không công khai cụ thể chi phí hết bao nhiêu? Không công khai số lượng lưu thông?”.

"Mảnh đất màu mỡ chotham nhũng"

"Cuộc chiến" tiền lẻ của các tài xế và trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Sự việc ngày càng nóng lên khi Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm tại 7 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý và 6 dự án BOT tại TP.HCM do địa phương này quản lý với tổng giá trị liên quan cần xử lý lên tới 2.000 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên bên lề một cuộc hội thảo sáng nay, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhận định, BOT hiện nay không theo một nguyên tắc nào. “Chúng tôi đã phản đối mạnh nhưng không được. Sao không công khai cụ thể chi phí hết bao nhiêu? Không công khai số lượng lưu thông?Chừng nào còn tù mù thì dân còn chịu thiệt”, ông nói.

Ông cho biết, việc thiết kế, xây dựng các đề án phải bỏ ngân sách ra mà làm, thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu, thậm chí thuê chuyên gia nước ngoàilàm mẫu. Nhà nước phải chủ động tính toán được chi phí, được con số đầu vào, đầu ra, lưu lượng xe,vì con số này rấtquan trọng trong việc tính toán ra giá thành. Nếu đưa cho doanh nghiệp tính toán thì Nhà nước sẽ ở vị thế bị động thẩm định, chưa kể "các quan hệ này kia rồi xong hết".

“Có những dự án cần phải thuê vài đơn vị tư vấn để đảm bảo tính độc lập. Xong rồi đấu thấu, ai có năng lực, kinh nghiệm, ai có tiền tươi thóc thật thì mới được làm. Chứ BOT chỉ định thầu, chi phí thì tăng gấp đôi, rồi hạ lưu lượng xe, thu phí ở mức cao, thu trong thời gian dài”, ông Đông nói.

Ông cũng cho rằngBOT là rủi ro tham nhũng lớn nhất. Nếu làm đúng, làm tốt thì có lợi nhưng nếu nới lỏng quy trình một chútthì tham nhũng rất lớn. Vậy tại sao không truy được trách nhiệm?

Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) 'thất thủ' vì tiền lẻ

Cũng theo Thứ trưởng Đông, không chỉ BOT, hình thức BT cũng có rất nhiều vấn đề. "Tôi thấy lạ, tại sao người dân bình thường cũng biết cộng trừ nhân chia, làm con đường đó hết 1.000 tỉ đồng, trước khi làm đường thì mảnh đất đó có giá trị thế này, sau làm đường thì giá trị thế kia, tại sao cơ quan nhà nước không nhìn ra? Cơ quan nhà nước mà không rõ ràng các vấn đề đó thì dân dựa vào ai?".

“Hài hòa thì phải tường minh. Nếu không thì hài hòa với người này chứ không hài hòa với người khác”, ông Đông nói.

Doanh nghiệp làm BOT phải tiền tươi thóc thật

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về các dự án BT, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho biết, nếu cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều nghiêm túc, không vụ lợi thì đây là cách làm tốt giảm gánh nặng cho ngân sách. Nhưng khi cả 2 bên (chính quyền và doanh nghiệp) không vì lợi ích chung mà chỉ vì mục đích cá nhân thì cách làm này lại là mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Trinh, lỗ hổng của quy trình này nằm cả ở 2 phía. Thứ nhất là suất đầu tư do phía doanh nghiệp đưa ra và lượng đất của phía chính quyền định đổi, lượng đất quy đổi phụ thuộc vào suất đầu tư, vị trí đất và giá đất. Rồi phải tính toán bao nhiêu năm thu hồi được lượng tiền tương ứng với giá đất. Đất đai là tài nguyên hữu hạn của đất nước nên khi sử dụng không thể tùy tiện. Suy cho cùng thì lỗ hổng lớn nhất chính là con người.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng BT là cái ổ của tham nhũng nếu làm sai quy trình

“Tôi cho rằng đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nếu áp dụng phải minh bạch đảm bảo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Như vậy nếu không giám sát chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến khuất tất”, ông Trinh nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trên thế giới hiếm có nước nào đảm bảo về vốn khi triển khai các dự án BOT như ở Việt Nam. Khi đã làm BOT thì doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh, có khả năng về công nghệ.

“Khu vực công đang thiếu vốn thì mới cần phải kêu gọi các doanh nghiệp khu vực khác bỏ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì đang cần vốn nên tôi không thể cho anh vay được, nếu anh có đi vay của ai thì đó là việc của anh, Nhà nước không đảm bảo điều đó”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, vị này phân tích, ở nước ta, nền kinh tế đang chuyển đổi, kinh tế thị trường chưa thực sự phát triển nên khu vực tư còn èo uột, khả năng về vốn có giới hạn nên Chính phủ Việt Nam đã đứng ra bảo lãnh hoặc cho phép các doanh nghiệp BOT được vay dài hạn với lãi suất thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT có khoản nợ rất lớn mà Chính phủ đứng sau.

“Nhiều khi, họ chỉ cần tìm mọi cách để được nhận và triển khai các dự án BOT theo kiểu “tay không bắt giặc” và sau đó lấy “mỡ nó rán nó”. Điều này khiến nợ công tăng lên, nhất là khi các doanh nghiệp không trả được nợ”, ông Thịnh nói.

Theo đó, khi triển khai lại không rõ ràng, rành mạch, không đấu thầu mà chỉ định thầu, cam kết rồi nhưng sau đó viện đủ lý do để đội vốn, nâng giá trị dự án và mấu chốt vấn đề là khi có Chính phủ tham gia vào hợp đồng BOT thì bản thân các ngân hàng cũng sẵn sàng tìm đến “cạnh tranh” để giải ngân cho các dự án này.

Cũng theo ông Thịnh, các doanh nghiệp tự hạch toán lãi lỗ, Chính phủ sẽ đàm phán với doanh nghiệp về chi phí. Nếu vượt mức quy định ở một mức nào đó thì sẽ phải điều chỉnh, thậm chí dừng thu. Với những dự án BOT đã thu hồi được vốn, có lãi thì phải chuyển giao về cho Nhà nước.

“Để làm được điều đó thì trong hợp đồng phải cực kỳ tỉ mỉ và cụ thể. Trước nay, hầu hết các dự án BOT đều bị đẩy giá trị của dự án lên cao khiến người dân kêu rất nhiều về tình trạng thu phí”, ông Thịnh nói.

Ông cho rằng các khoản chi phí đầu ra, đầu vào của những dự án BOT chưa rõ ràng, minh bạch. Do đó, một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và chủ đầu tư dự án có thể “móc ngoặc” với nhau đẩy giá trị dự án, nâng mức thu phí, kéo dài thời hạn thu phí để thu hồi vốn và lãi cho chủ đầu tư, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề lùm xùm.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: BOT và BT có rủi ro tham nhũng rất lớn