Chiều 19.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính.

Thủ tướng: Bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh tài chính quốc gia

P.V | 20/12/2022, 07:00

Chiều 19.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính.

hoi-nghi1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính - Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2022 đầy khó khăn, thách thức với hậu quả của dịch COVID-19; tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa được dự báo trước. 

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GDP cả năm ước tăng khoảng 8%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm (an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu nông sản trên 50 tỉ USD, xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn); thu đủ chi; xuất đủ nhập (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 700 tỉ USD, xuất siêu trên 10 tỉ USD); bảo đảm đủ năng lượng cho sản xuất và đời sống với giá cả phải chăng; thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động).

Những kết quả khá toàn diện đạt được nêu trên có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của ngành tài chính với nhiều điểm sáng. Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành tài chính, các địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.

Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để phân bổ phân sách

Thủ tướng dự báo năm 2023 sẽ có khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022. Thủ tướng cơ bản nhất trí với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 theo báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của các đại biểu.

hoi-nghi4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, bám sát tình hình thực tiễn, xây dựng chương trình hành động, thực hiện chính sách tài khoá phù hợp, hiệu quả, tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để phân bổ phân sách phù hợp, chống "xin - cho", "chạy chọt", tiêu cực, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; các địa phương chỉ nên đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó giúp ngân sách tăng thu; thực hiện đúng tinh thần "ngân sách trung ương chủ đạo, ngân sách địa phương chủ động".

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, qua đó góp phần giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia, tạo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các thị trường

Tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng nhắc lại quan điểm tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải cộng tác trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch đề ra. Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã quá nới lỏng các điều kiện, dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết; các cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 65 nhằm mục đích chấn chỉnh lại, nhưng lại quy định theo hướng quá siết chặt, do đó, cần thiết phải tiến hành sửa đổi phù hợp.

hoi-nghi2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì cho các cá nhân có thành tích xuất sắc - Ảnh: Nhật Bắc

Cùng với đó, đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với số vốn nhà nước lên tới 4 triệu tỷ đồng; nghiên cứu sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, năm 2023 ngành tài chính có nhiều đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước so với năm 2022.

Bài liên quan
Đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong dịp lễ 30.4 và 1.5
Đây là một trong số những nội dung mà Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành tập trung chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 và cao điểm du lịch hè năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
11 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh tài chính quốc gia