Những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ rõ qua diễn biến của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Cải cách '3 chân kiềng' lung lay của nền tài chính Việt Nam

Tuyết Nhung | 17/12/2022, 19:00

Những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ rõ qua diễn biến của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Cải cách "3 chân kiềng" lung lay

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm diễn ra ngày 17.12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2022 là năm mà kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021. Ở thời điểm đó, không tổ chức, cá nhân nào có thể dự báo rằng lạm phát lại tăng nhanh đến như vậy, trở thành xu hướng lan rộng trên toàn cầu, chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm tại một số nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, châu Âu.

527856.jpg

Xu hướng thắt chặt tiền tệ của Fed mặc dù đã được dự đoán từ trước, nhưng tần suất và mức độ thì cũng không thể dự báo. Các điều kiện thị trường trên toàn cầu biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.

"Bối cảnh tài chính thắt chặt, cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới tạo ra những áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất các đồng tiền, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn như Việt Nam", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.

Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ, điều này thể hiện thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.

"Sau hơn một thập kỷ tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn. Phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân.

"Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua. Do đó, có thể nói đây là chủ đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tầm chiến lược đối với tiến trình phát triển kinh tế của một quốc gia", Phó Thống đốc Hà cho hay.

Bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 cũng đã trải qua nhiều biến động, với xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng 4, trong đó có những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay và thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục.

Tính chung 11 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỉ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021. "Những biến động trên thị trường chứng khoán nêu trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới", bà Vũ Thị Chân Phương nói. Tính đến ngày 30.11.2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.383 nghìn tỉ đồng, giảm 30,7% so với cuối năm 2021, tương đương 63,5% GDP.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến ngày 25.11.2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 331.811 tỉ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành.

Trong khi đó trên thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường hiện đang rất khó khăn nhưng chưa phải đã rơi vào suy thoái vì thị trường hiện nay khó khăn do chúng ta thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản, nguồn cùng nhà ở không đáp ứng được nhu cầu và bị mất cân đối về sản phẩm nhà ở có giá vừa túi tiền.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

Trước bối cảnh trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá...

Chính phủ cần có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính - bất động sản. Trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính thông qua các ban hành, sửa đổi các quy định liên quan.

Tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền và mở rộng các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, tránh tâm lý đám đông.

Đồng thời, phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí...).

Đối với bất động sản, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản); đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như gọi vốn cộng đồng, mua chung bất động sản, quỹ tín thác đầu tư bất động sản… giúp đa dạng hóa kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp cũng như hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Để kiểm soát lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bài liên quan
Nghịch lý ngành tài chính Việt Nam:  Vừa “tương đối phát triển, vừa kém phát triển”
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá ngành tài chính của Việt Nam vừa “tương đối phát triển, vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải cách '3 chân kiềng' lung lay của nền tài chính Việt Nam