Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 2.12 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố (TP) Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó TP.Cần Thơ thuộc nhóm các TP phát triển khá của châu Á, trở thành TP thông minh đáng sống của Việt Nam.
Đây là quy hoạch tích hợp quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo quyết định số 278/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ công bố năm 2022.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ TP.Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.440km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp quận huyện (5 quận, 4 huyện); phía bắc giáp tỉnh An Giang, phía nam giáp Hậu Giang, phía đông giáp Đồng Tháp, phía tây giáp Kiên Giang.
Về quan điểm phát triển, quy hoạch TP.Cần Thơ phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước…
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ quy hoạch; tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn tạo động lực phát triển cho TP. Chỉ tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân từ 7,5 - 8%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 220 triệu đồng…
Dân số tăng bình quân khoảng 0,67%/năm. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Số giường bệnh/vạn dân tối thiểu 55 giường; số bác sĩ/vạn dân tối thiểu 20 bác sĩ; tỷ lệ giường bệnh tư nhân tối thiểu 15%...
Quy hoạch cũng đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển như sau:
- Đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và tư duy kinh tế của doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính: kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính chiến lược và lan tỏa.
- Thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn…
- Tái cấu trúc không gian đô thị, đặc biệt trong các quận trung tâm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch, thương mại, dịch vụ.
Quy hoạch cũng nêu ra phương hướng phát triển ngành quan trọng; phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cần Thơ là trung tâm tăng trưởng của vùng ĐBSCL; TP sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các TP phát triển khá ở châu Á.