Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch-đầu tư và thống kê, diễn ra ngày 28.12.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và nhiều hơn năm 2023, song chúng ta đã bám sát thực tiễn, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đạt thành tựu cao hơn năm 2024.
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm 2024 đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% trên nền kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao.
Thủ tướng đánh giá, những kết quả chung đó có sự đóng góp rất quan trọng, hiệu quả của ngành kế hoạch-đầu tư và thống kê. Trước hết, ngành thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô.
Tiếp theo, thể chế, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; công tác quy hoạch được tập trung triển khai, cơ bản đáp ứng tiến độ, chất lượng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 quy hoạch vùng; 62/63 quy hoạch tỉnh; giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, thu hút FDI đạt gần 40 tỉ USD và vốn thực hiện đạt cao. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn, hàng đầu thế giới quyết định hợp tác, đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Samsung; NVIDIA đã ký Thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng công tác của ngành còn một số tồn tại, hạn chế, cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác nắm bắt, dự báo tình hình trong bối cảnh thế giới biến động; phân cấp, phân quyền; xóa bỏ cơ chế xin cho, loại bỏ môi trường phát sinh tiêu cực, cắt bỏ thủ tục rườm rà, kiến tạo không gian phát triển cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, đầu tư công cần không dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho những việc lớn, dự án ở tầm quốc gia, kết nối vùng, kết nối quốc tế, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt mọi nguồn lực khác…
Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng đúc rút từ thực tiễn, Thủ tướng nêu rõ, phải có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có; phải biết vượt qua chính mình, vượt qua giới hạn của mình, không thỏa mãn với những gì đã có, đã làm được, hướng tới những kỷ lục mới, chinh phục những đỉnh cao mới; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, hiện các cơ quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" .
Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, một việc chỉ giao một người, ai làm tốt nhất thì giao; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tăng cường cho cơ sở; giảm thủ tục, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", đẩy mạnh chuyển đổi số…
Ngoài ra, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, triển khai và hoàn thành và sau khi hoàn thành thì phải bắt tay ngay vào công việc.
Năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh ngành cần tiếp tục phát huy tinh thần 5 "tiên phong".
Đó là tiên phong trong đổi mới tư duy; nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng; tiên phong trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, xác định đây là đột phá của đột phá, là nguồn lực, động lực phát triển; tiên phong trong dẫn dắt, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo… và cơ cấu lại nền kinh tế; tiên phong trong xây dựng dữ liệu quốc gia và hoạch định chính sách trên cơ sở dữ liệu.
Chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng tốc, bứt phá với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cao hơn chỉ tiêu Trung ương và Quốc hội đã giao.
Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục cắt giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 (bảo đảm dưới 3.000 dự án), tập trung nguồn vốn thúc đẩy triển khai các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược để khai thác các không gian phát triển mới, không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ.
Trong năm 2025, phải hoàn thành ít nhất 3.000km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng với Cà Mau; khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; chuẩn bị tốt dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; triển khai các tuyến đường sắt nội đô Hà Nội và TP.HCM, các dự án sân bay, cảng biển lớn; phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo...