Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hậu Giang phải biến tiềm lực thành nguồn lực; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy nội lực để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Trong chương trình làm việc tại Hậu Giang, sáng 17.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về kết quả thực nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; định hướng nhiệm vụ 6 trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Dương Giang
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 3,08%; đa số các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế, nguồn thu ngân sách chuyển dịch đúng hướng, hình thành các động lực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Công tác giảm nghèo, xây dựng văn hóa, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh được phát huy nhân rộng; đối tượng có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chăm sóc.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của địa phương - Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hậu Giang triển khai mạnh mẽ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số có hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 - 4 được quan tâm xây dựng, đối tượng tham gia ngày càng nhiều hơn. Chỉ số PCI năm 2021 xếp hạng 38/63; chỉ số cải cách hành chính năm 2021 xếp hạng 27/63.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Hậu Giang triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11% (cao nhất từ trước đến nay; cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước). Trong đó, công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%; nông nghiệp tăng trưởng 4,49%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 68,8% dự toán Trung ương giao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ một số nội dung. Cụ thể là cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang từ nguồn vốn vay nước ngoài; tách công tác giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để triển khai các dự án; phân bổ tăng thêm diện tích đất công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; chuyển loại rừng một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương...
Tại buổi làm việc, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu làm rõ những tiềm năng, thế mạnh; kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Hậu Giang; cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; đề xuất các giải pháp để Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững.
Đại diện một số bộ, ngành tham dự buổi làm việc - Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Các đại biểu cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng mừng, song Hậu Giang chưa phát triển xứng với tiềm năng là nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước...
Do đó, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa sông nước, phát triển dịch vụ logistics...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hậu Giang về những thành tựu quan trọng mà tỉnh đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của tỉnh như: Thiếu nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược lại đầu tư dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Tỷ trọng công nghiệp của tỉnh còn thấp; phát triển doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp...
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng cho rằng, Hậu Giang là tỉnh có vị trí quan trọng, nằm ở nơi tương đối trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi chằng chịt; có vùng đất rừng nguyên sinh như Lung Ngọc Hoàng; vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo, sản xuất thủy sản, trái cây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, làng nghề, lễ hội. Con người Hậu Giang năng động, nghĩa tình, thủy chung; có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang có quyết tâm, khát vọng vươn lên, khẳng định mình. Do đó, Hậu Giang phải biến tiềm lực thành nguồn lực; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy nội lực phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hậu Giang phát huy mạnh mẽ nội lực, đi lên với tinh thần tự lực, tự cường, tận dụng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là từ nguồn lực con người, điều kiện thiên nhiên, văn hóa, lịch sử; bám sát thực tiễn. Tỉnh cần đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện quy hoạch; triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực...
Tỉnh tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics, du lịch. Đặc biệt, song song với phát triển kinh tế phải chú trọng giữ gìn, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, trên tin thần không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tỉnh Hậu Giang phải tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; theo dõi sát tình hình và kịp thời phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hậu Giang cần thúc đẩy công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Tỉnh tiếp tục xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác. Hậu Giang yập trung nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó tập trung triển khai xây dựng 100 km đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, phát triển giao thông thủy nội địa; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng nhấn mạnh, Hậu Giang cần tăng nguồn ngân sách gắn với việc nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tỉnh cần rà soát, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội; chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hậu Giang phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. “Hậu Giang phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng đề nghị tỉnh giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và khảo sát, nghiên cứu thực tế, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí, trên nguyên tắc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho Hậu Giang phát triển; đồng thời đảm bảo đúng các nguyên tắc, quy định của pháp luật.
Riêng đối với đề nghị của tỉnh về chuyển loại rừng một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Thủ tướng nhắc nhở: Đây là tài sản vô cùng quý giá của tỉnh Hậu Giang nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Do đó, cần xem xét thận trọng... Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương liên quan và tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp, phân tích để xử lý các vấn đề liên quan. Trong đó, những nội dung hiện đã có quy định và còn phù hợp với tình hình thực tế, Hậu Giang tiếp tục thực hiện. Đối với những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, Hậu Giang phối hợp với các Bộ, ngành xử lý; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng và đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ đi trước - Ảnh: Dương Giang/TTXVN
* Nhân chuyến công tác tại Hậu Giang và kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Hậu Giang; thăm các gia đình chính sách tại Hậu Giang.
Toàn tỉnh Hậu Giang có gần 36.000 người có công với cách mạng, hơn 12 liệt sỹ, hiện có hơn 7.600 hài cốt liệt sỹ được an táng tại các nghĩa trang trên địa bàn.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tơ, 84 tuổi, có chồng và 2 con là liệt sĩ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ; thăm hỏi, tặng quà bà Nguyễn Ngọc Trinh, đảng viên 55 tuổi Đảng, sinh năm 1939, cán bộ bị địch bắt, tù đày trong thời kỳ kháng chiến, hiện sinh sống tại phường 5, thành phố Vị Thanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tơ - Ảnh: Dương Giang/TTXVN