Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần, Thủ tướng Lý Khắc Cường phải đưa ra cảnh báo về rủi ro với nền kinh tế Trung Quốc do tác động của Zero-COVID.
Tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc trong năm 2022 là mục tiêu khiêm tốn nhất mà nước này đặt ra trong ba thập kỷ qua. Thế nhưng, dường như nó cũng có vẻ đầy thách thức khi đối mặt với việc Trung Quốc đang thực thi chính sách phong tỏa Zero-COVID và các tác động từ cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine.
Phong tỏa là trở lực
Một lưu ý từ ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp vào tháng 3 cho biết: "Phương pháp tiếp cận zero-COVID" của Trung Quốc nhất định sẽ tạo ra một trở lực khác đối với tăng trưởng kinh tế vốn đang giảm tốc".
Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis cho biết thêm: "Trong năm nay, Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 4,5% nếu nước này có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ tiêm chủng vào cuối tháng này. Mặc dù Trung Quốc đã cung cấp đủ liều lượng để phủ vắc xin gần 90% dân số của mình, nhưng ở các nhóm lớn tuổi hoặc ở các vùng nông thôn thì vẫn tồn tại một khoảng cách lớn hơn".
Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của công ty theo dõi dữ liệu kinh tế China Beige Book cho biết: “Trong quý 1, ngành sản xuất tiếp tục mất đà, trong khi bán lẻ bị ảnh hưởng, thậm chí từ trước khi bắt đầu áp dụng chính sách phong tỏa”.
Thị trường bất động sản và xe hơi cũng bị vạ lây. Doanh số bán nhà ngày càng giảm sâu, doanh số bán xe hơi giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái và các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc cho biết chiến lược zero-COVID của nước này đang gây ra sự gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng của họ. Một nhóm doanh nghiệp châu Âu gần đây đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc sửa đổi các biện pháp kiểm dịch để đảm bảo tốt hơn tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về nền kinh tế Trung Quốc đến từ Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tại một cuộc hội thảo hôm 11.4, Thủ tướng Lý phát biểu rằng áp lực đối với duy trì đà tăng trưởng ngày càng gia tăng và các quan chức địa phương phải hành động với “cảm giác cấp bách” trong các biện pháp kích thích như giảm thuế và phí, bán và sử dụng trái phiếu đặc biệt, các biện pháp khuyến khích để giữ việc làm.
Ông nói: "Chính quyền địa phương nên khai thác tiềm năng chính sách của mình để điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu phù hợp với điều kiện của địa phương". Đồng thời cảnh báo họ nên ngăn chặn việc đưa ra và sửa chữa các chính sách không thuận lợi cho kỳ vọng của thị trường.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần, Thủ tướng Trung Quốc phải đưa ra cảnh báo về rủi ro với nền kinh tế do tác động của Zero-COVID. Điều này cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng khi các chiến dịch phong tỏa COVID-19 trên diện rộng làm gián đoạn sản xuất và chi tiêu.
Vài ngày trước, ông Lý cũng nhấn mạnh thiệt hại mà nền kinh tế đang gánh chịu từ việc phong tỏa và các biện pháp kiểm soát vi rút khác được áp dụng để hạn chế làn sóng bùng phát omicron.
Các nhà kinh tế của Nomura cho biết nguy cơ suy thoái đang gia tăng ở Trung Quốc, ước tính rằng khoảng 373 triệu người ở 45 thành phố hiện đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Nomura về Trung Quốc và các đồng nghiệp cảnh báo hôm 11.4 : “Thị trường toàn cầu có thể vẫn đánh giá thấp tác động (từ Trung Quốc) bởi vì nhiều sự chú ý vẫn tập trung vào xung đột Nga-Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất”.
Các nhà kinh tế cho biết, với việc chính quyền trung ương coi việc ngăn chặn COVID-19 trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu, các lãnh đạo địa phương càng mạnh tay thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trước cuộc họp chủ chốt của đảng cầm quyền Trung Quốc vào cuối năm nay.
Thượng Hải trong tâm bão phong tỏa
Vào tháng 3, theo chỉ số hàng tháng của Caixin / Markit, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm bởi tác động từ các biện pháp phong tỏa Zero-COVID gây ra. Trong khi đó, nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu bị hủy bỏ trong bối cảnh bất ổn từ cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine.
Việc phong tỏa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng trong khu vực và đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng căng thẳng. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn sau khi Thượng Hải áp đặt việc phong tỏa trên toàn thành phố từ 28.3. Các chủ tàu đã hết sức cố gắng chuyển hướng tàu đến các cảng khác trong nước để tránh tình trạng thiếu xe tải và phong tỏa kho hàng ở Thượng Hải.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại công ty tài chính ING của Hà Lan, ước tính vào tuần trước rằng Thượng Hải sẽ chứng kiến GDP giảm đến 6% nếu tình trạng phong tỏa hiện tại kéo dài trong tháng này, có thể dẫn đến thiệt hại 2% GDP cho toàn bộ Trung Quốc. Do vậy, họ đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng cả năm xuống 4,6% từ 4,8% trước đó.
Theo một tính toán sơ bộ, việc ngừng hoạt động trong hai tuần sẽ gây ra khoản lỗ khoảng 20 tỉ USD. Hôm 11.4, Thượng Hải đã nới lỏng các hạn chế đối với các quận không có ca nhiễm mới trong hai tuần, nhưng phần lớn thành phố vẫn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, trong lúc hoạt động của các nhà máy và cảng chưa thể hoạt động hết công suất.
Những lựa chọn kinh tế khó khăn của Bắc Kinh
Trong vài năm gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng từ bỏ thói quen là đầu tư công vào cơ sở hạ tầng mà dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế. Nhưng các giao thức khó khăn thời zero-COVID có thể buộc Trung Quốc phải từ bỏ chiến lược này.
Nhà phân tích độc lập George Magnus, cựu chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS phân tích: “Để đạt được mục tiêu… một điều bạn có thể làm là kích thích nền kinh tế nhiều hơn nhưng điều đó sẽ khiến chính phủ rời xa các chính sách giảm đòn bẩy, giảm rủi ro và các chính sách khác mà họ muốn theo đuổi để cố gắng tái cân bằng nền kinh tế”.
Theo Bloomberg, các chính quyền địa phương đã cam kết khoảng 2,3 nghìn tỉ USD để xây dựng các dự án trong năm nay. Bắc Kinh cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế 400 tỉ USD cho các doanh nghiệp nhỏ.
Mặc dù doanh số bán lẻ tăng trưởng hơn dự kiến trong hai tháng đầu năm, nhưng tháng 3 sẽ là một câu chuyện khác. Ngoài ra, cuộc trấn áp vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào triển vọng và khả năng chi tiêu của giới trẻ, gồm gần 11 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp đại học trong năm nay.